Tinh tế trang phục truyền thống của người La Chí

Người La Chí ở Việt Nam hiện có trên 13.000 người, cư trú tại 38/63 tỉnh, thành phố, nhưng tập trung tại tỉnh Hà Giang (trên 12.000 người, chiếm 91,7% tổng số người La Chí tại Việt Nam). Riêng ở Tuyên Quang, người La Chí có khoảng 100 người, sống phân tán ở các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương.

Người La Chí rất giỏi trồng trọt, nhất là trồng bông, trồng chàm để dệt vải. Hầu hết phụ nữ La Chí đều biết dệt vải để tự khâu quần áo, họ cũng không dùng tới máy khâu. Tuy trang phục của họ không cầu kỳ về hình thức nhưng lại rất tỉ mỉ về những họa tiết và đường nét. Đàn ông mặc áo 5 thân dài tới ngang bắp chân (ngày nay áo ngắn hơn), quần lá tọa, đầu quấn khăn. Phụ nữ mặc áo dài tứ thân, có dây thắt lưng, yếm, đội khăn dài, mặc quần hay váy tùy người. Đồ trang sức của nam chỉ có vòng tay, còn nữ có thêm vòng tai. Phụ nữ La Chí thường quen đeo địu qua trán, dù địu làm bằng vải hay đan bằng giang cũng vậy. Nam giới lại đeo gùi qua hai vai.

Người La Chí thường mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, Tết, đám cưới, hỏi...

Người La Chí thường mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, Tết, đám cưới, hỏi...

Họa tiết hoa văn cơ bản trên trang phục của người La Chí là hoa văn thêu chỉ và hoa văn ghép vải. Thêu chỉ là mẫu hoa văn được trang trí phổ biến nhất trên trang phục của phụ nữ. Các mẫu hoa văn thêu trang trí trên trang phục của nữ chủ yếu được thêu ở hai bên cổ áo gồm các mô-típ hoa văn hình tam giác, hình chấm tròn, hình quả trám kết hợp với các đường viền với nhiều gam màu khác nhau như xanh, trắng, đỏ, vàng, tím tạo nên nét nổi bật của các mô-típ, họa tiết hoa văn. Mô-típ trang trí chủ đạo là hoa văn nằm ở giữa, xung quanh là các đường viền được thêu móc thành hình chấm tròn với nhiều màu sắc khác nhau. Trong khi đó, hoa văn ghép vải được xem là tinh hoa của nghệ thuật trang phục truyền thống La Chí. Các mẫu hoa văn ghép vải chủ yếu là các đường viền, hoa văn hình tam giác cân với các màu sắc chủ đạo là màu đỏ và màu tím, đây cũng là hai màu mà người La Chí ưa thích, tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc. Để trang phục có hoa văn ghép vải trở nên tinh xảo, cách bố trí bố cục của các mẫu hoa văn là rất quan trọng. Đó là việc trang trí hài hòa trong các đường viền hình vuông, bên ngoài là các mẫu hoa văn ghép vải, phần tâm là các mẫu hoa văn thêu chỉ được phối hợp nhiều màu sắc khác nhau, tạo nên sự mềm mại, độc đáo trong cách trang trí của mình.

Theo phong tục, trong đám cưới, anh em họ hàng thường tặng cô dâu, chú rể một đôi địu với ý nghĩa cầu chúc sự may mắn, yên lành và mong vợ chồng sớm sinh con. Vì vậy, chiếc địu luôn được làm rất cẩn thận và cầu kỳ, tỉ mỉ, tinh tế trong từng đường nét. Để chuẩn bị thêu, người phụ nữ chọn những loại vải hoa, có nhiều màu sắc khác nhau, sau đó cắt thành các mẫu hoa văn theo ý muốn rồi dùng kim khâu đính với phần thân địu. Các mẫu hoa văn trang trí trên địu của người La Chí có sự kết hợp hài hòa giữa các mẫu hoa văn ghép vải và hoa văn thêu chỉ.

Với sự tinh tế, nhẹ nhàng song không kém phần độc đáo, trang phục của người dân tộc La Chí góp phần làm cho sắc màu các dân tộc Việt Nam thêm phong phú, đa dạng và đầy màu sắc.

Hoàng Anh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/dan-toc-mien-nui/phong-tuc-tap-quan/tinh-te-trang-phuc-truyen-thong-cua-nguoi-la-chi-133339.html