Tính thiết thực của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

BHG - Nhằm phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, năm 1986 BCH TƯ Đảng khóa VI quyết định lấy ngày 18.11.1930 (Ngày Đảng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất) để làm Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN). Quá trình củng cố, mở rộng về tổ chức và hoạt động của MTTQVN cần vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của từng vùng, từng địa phương, do đó công tác Mặt trận phải hướng về cơ sở, để xây dựng khối đại đoàn kết từ cá nhân, gia đình, khu dân cư đến các cấp từ xã đến tỉnh.

Tiết mục hát Then của người dân thôn Nà Ác, xã Phú Linh (Vị Xuyên) tại Ngày hội Đoàn kết toàn dân tộc.

Tiết mục hát Then của người dân thôn Nà Ác, xã Phú Linh (Vị Xuyên) tại Ngày hội Đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày 1.8.2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT- MTTW về việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” và quyết định lấy ngày 18.11 hàng năm làm ngày tổ chức Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư. Từ đó đến nay, hàng năm MTTQVN đã đề ra chương trình, nội dung và các hình thức hoạt động phong phú, đa dạng phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Do đó, từ những thôn, bản ở nông thôn miền núi vùng sâu, xa đến các tổ dân phố nơi thành thị đều tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, tập trung được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Nội dung chương trình Ngày hội gồm phần lễ và phần hội.

Phần Lễ, sau khi chào cờ, giới thiệu đại biểu và thông qua nội dung chương trình làm việc. Lãnh đạo Ban mặt trận thôn, tổ khu phố sẽ phổ biến các văn bản chỉ đạo của cấp trên (Nếu có); ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam; phối hợp với thôn, tổ khu phố và các đoàn thể tôn vinh những cá nhân và gia đình, đoàn thể có thành tích trong các hoạt động giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn và các cá nhân có nghĩa cử đẹp trong việc chia sẻ sử dụng nguồn nước một cách hài hòa, hiến đất và tích cực tham gia làm đường bê tông vì lợi ích chung của cộng đồng. Biểu dương những hộ làm tốt việc xây dựng nhà sạch vườn đẹp, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; các già làng, người có uy tín và Tổ hòa giải có thành tích; các cháu và gia đình có con em vượt khó học giỏi; công bố danh sách gia đình văn hóa...

Phần hội: Tùy theo điều kiện cụ thể của từng nơi mà tổ chức vui chơi văn nghệ, múa hát tập thể (cây nhà lá vườn - tự biên tự diễn), với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương và chơi các môn thể thao như kéo co, đánh yến, bóng chuyền... tạo khí thế sôi nổi, động viên các tầng lớp nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh trật tự ở địa bàn dân cư… Sau khi kết thúc buổi lễ có tổ chức liên hoan gặp mặt từ sự đóng góp của các hộ dân trong thôn hoặc tổ dân phố.

Hoạt động của Ngày hội năm trước ở các thôn, bản, tổ dân phố là cơ sở và nguồn lực tinh thần tạo ra những chuyển biến mới, tích cực hơn về mọi mặt cho năm sau. Do đó, hoạt động này đã thực sự trở thành Ngày hội của toàn dân tộc, tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân: MTTQ được nghe những phản ánh của người dân trong cuộc sống và những ý kiến, nguyện vọng của họ. Góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo ra một môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng với Nhân dân. Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa thiết thực trong đời sống của người dân trong các khu dân cư. Do vậy, hằng năm cấp ủy và chính quyền, Ủy ban MTTQ nhất là cấp cơ sở cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn các thôn, bản, tổ dân phố làm tốt công tác chuẩn bị về nội dung chương trình, trang trí khánh tiết bảo đảm trang trọng nhưng không phô trương hình thức, lãng phí. Làm cho Ngày hội diễn ra đồng bộ trên địa bàn xã, phường ngày càng phong phú và đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức tổ chức, nhưng vẫn phải bảo đảm ngày càng bài bản, an toàn và hiệu quả.

Bài, ảnh: Đinh Minh Tung (Phú Linh - Vị Xuyên)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202211/tinh-thiet-thuc-cua-ngay-hoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-e3520d2/