Tính thuế TNCN: Mức giảm trừ gia cảnh cần nâng lên 17-18 triệu/tháng, áp dụng ngay

Chuyên gia góp ý nên tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 17-18 triệu đồng/tháng, thay vì phương án cao nhất 15,5 triệu đồng Bộ Tài chính đề xuất. Đồng thời, chính sách này cần áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2025.

Theo tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định.

Phương án 1: Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng CPI theo quy định. Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 5,3 triệu đồng/tháng.

Phương án 2: Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và tốc độ tăng GDP bình quân đầu người. Có thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 15,5 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 6,2 triệu đồng/tháng.

Kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh cao hơn

Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Nguyễn Văn Được, Trưởng ban chính sách Hội Tư vấn và Đại lý thuế TPHCM, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, trong số 2 phương án mà Bộ Tài chính đề xuất, phương án 2 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế lên 15,5 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc lên 6,2 triệu đồng/tháng là phù hợp, gần thực tiễn hơn.

Theo ông Được, phương án đưa ra đã có thay đổi hơn so với các lần sửa đổi luật thuế trước đây, cho thấy sự cầu thị của Bộ Tài chính khi không chỉ dựa vào CPI mà còn dựa vào các yếu tố kinh tế - xã hội khác để đưa ra mức giảm trừ gia cảnh tiệm cận hơn so với cách tiếp cận trước đây.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Ngọc Tú, Giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng cho rằng, không chỉ tính toán trên CPI, các phương án của Bộ Tài chính còn tính đến tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và tốc độ tăng GDP bình quân đầu người cho thấy sự đổi mới, thể hiện sự cầu thị rất tích cực, lắng nghe ý kiến của chuyên gia, dư luận xã hội của cơ quan soạn thảo.

Chuyên gia kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 17-18 triệu đồng/tháng và áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2025. Ảnh: Nam Khánh

Chuyên gia kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 17-18 triệu đồng/tháng và áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2025. Ảnh: Nam Khánh

Phương án nâng giảm trừ gia cảnh lên 15,5 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 6,2 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc, theo ông Tú, tuy chưa đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của người nộp thuế, nhưng đã phần nào đáp ứng.

“Nếu mức giảm trừ gia cảnh được đưa lên mức 17-18 triệu đồng/tháng sẽ phù hợp hơn cho người nộp thuế, để áp dụng cho năm 2025 và 2026 sẽ kịp thời động viên, tạo động lực thúc đẩy người nộp thuế, cũng như bù đắp thiệt thòi trước đây cho họ, tạo niềm tin vào việc sửa luật thuế thu nhập cá nhân”, ông Tú kiến nghị.

Cũng theo vị chuyên gia, đợt điều chỉnh này mang tính chất tạm thời, cục bộ, khi áp dụng luật thuế mới sẽ có mức giảm trừ gia cảnh khác, khi đó, cần xem xét toàn diện hơn, cần căn cứ từng vùng miền và nhiều yếu tố khác.

Tương tự, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cũng cho rằng, nên chọn phương án 2 trong hai phương án đề xuất điều chỉnh của Bộ Tài chính, tức là tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 15,5 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc lên 6,2 triệu đồng/tháng để đảm bảo đời sống cho người làm công ăn lương lẫn người phụ thuộc trong khi chưa có quy định cho phép khấu trừ nhiều chi phí thiết yếu khác như y tế, giáo dục.

Nên áp dụng ngay cho kỳ tính thuế năm 2025

Theo ông Nguyễn Văn Được, từ sau Covid-19, dù kinh tế có sự phục hồi nhưng thu nhập của người dân còn hạn chế, trong khi giá cả tăng lên, do đó, nên áp dụng mức giảm trừ gia cảnh ngay cho kỳ tính thuế thu nhập năm 2025, được quyết toán năm 2026 để thể hiện sự quan tâm, lắng nghe, hỗ trợ người dân thông qua chính sách thuế.

“Về mặt dài hạn, Luật Thuế thu nhập cá nhân cần phải điều chỉnh quy định, thay vì chờ CPI tăng đến 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh như cách tính từ trước đến nay, nên quy định khi chỉ số giá tiêu dùng tăng từ 5 - 10% sẽ giao cho Chính phủ quyết định điều chỉnh nhằm linh hoạt chính sách hơn, thay vì phải chờ như quy định trước đây”, ông Được đề xuất thêm.

TS Nguyễn Ngọc Tú cũng đề xuất, mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh mới nên áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2025, chứ không áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026 như ý kiến của Bộ Tài chính.

Đây cũng là kiến nghị của Luật sư Trương Thanh Đức. Theo ông, nghị quyết điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cần được thực hiện ngay cho kỳ tính thuế năm 2025.

Theo vị luật sư, nếu tháng 10 thông qua thì cũng còn vài tháng mới đến kỳ quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2025 nên việc áp dụng luôn là hợp lý, không thể kéo dài đến kỳ tính thuế năm 2026.

Hơn nữa, theo ông Đức, việc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới này chỉ là tạm thời, bởi sau khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân khi tính toán mức giảm trừ gia cảnh nên quy định phù hợp theo vùng, miền và cho phép khấu trừ các chi phí thiết yếu trong đời sống của người dân, nhất là chi phí cho y tế và giáo dục.

Tại bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Quốc phòng đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên 17,3 triệu đồng/tháng; nâng mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 6,9 triệu đồng/tháng.

Lý do, mức lương cơ sở tại thời điểm ban hành là 1,49 triệu đồng/tháng, đến nay (tháng 12/2024) mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, tăng 57,05%.

Hay, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 18 triệu đồng/tháng (216 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 8 triệu đồng/tháng.

Lý do, mức lương cơ sở đã tăng 2,03 lần (từ 1,150 triệu đồng năm 2013 lên 2,340 triệu đồng), do đó đề nghị điều chỉnh tăng mức giảm trừ phù hợp với tỷ lệ tăng của mức lương cơ sở.

Nguyễn Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tinh-thue-tncn-muc-giam-tru-gia-canh-can-nang-len-17-18-trieu-thang-2424496.html