Tỉnh Tiền Giang bị 'tố' gây khó khăn, 19 doanh nghiệp FDI cầu cứu Thủ tướng

Trong khi nhiều tỉnh phía Nam đã bắt đầu cho phép doanh nghiệp hoạt động từ đầu tháng 10, thế nhưng, tới nay tỉnh Tiền Giang vẫn tiếp tục lấy mô hình sản xuất '3 tại chỗ', gây khó khăn cho doanh nghiệp.

19 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vừa có đơn thư cầu cứu, gửi Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn trong việc mở lại sản xuất.

19 doanh nghiệp FDI cầu cứu Thủ tướng

Trong thư cầu cứu, các doanh nghiệp bày tỏ, hiện đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã ngừng sản xuất từ ngày 15/7/2021 đến nay vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có. 80% người lao động tại 19 doanh nghiệp dù đã được tiêm 1 mũi vaccine đủ 14 ngày nhưng vẫn chưa được quay trở lại nhà máy.

Trong khi nhiều tỉnh phía Nam đã bắt đầu cho phép doanh nghiệp hoạt động từ đầu tháng 10, thế nhưng, tới nay tỉnh Tiền Giang vẫn tiếp tục lấy mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo quan điểm của tỉnh Tiền Giang “sản xuất phải an toàn - an toàn mới sản xuất”. Cần đến khi 100% người lao động tiêm mũi 2 vaccine, đủ 14 ngày và người nhà được tiêm đủ vaccine, thì mới đủ an toàn để có thể cho doanh nghiệp hoạt động trở lại theo hướng bình thường mới.

Vào ngày 1/10, cộng đồng doanh nghiệp có viết thư kêu cứu gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phản hồi cụ thể, cũng như không thấy có thay đổi tích cực nào.

Trong khi đầu tháng 10/2021, nhiều tỉnh, thành phía Nam đã có phương án hoạt động và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, người lao động các vấn đề cần làm khi sản xuất trở lại.

Tỉnh Tiền Giang vẫn giữ quan điểm tiếp tục lấy mô hình sản xuất “3 tại chỗ” làm trọng tâm, kèm theo các yêu cầu xét nghiệm phức tạp hơn quy định của Bộ Y tế, gây khó khăn cho người lao động, cũng như lãng phí tài chính của doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Nghị quyết 128/NQ- CP quy định rất rõ việc xét nghiệm và đi lại của người dân từ khu vực cấp độ 1 đến cấp độ 4, Bộ Y tế cấp thẻ xanh để đi lại cho người dân đã tiêm 1 mũi vaccine.

Tiền Giang cũng đã phân vùng 2 trên địa bàn toàn tỉnh từ đầu tháng 10/2021, rất nhiều cơ sở kinh doanh mua bán đã được phép hoạt động bình thường, người dân đã đi lại tự do trong tỉnh nhưng lại không thể đi làm, doanh nghiệp vẫn phải đóng cửa, thiệt hại kéo dài.

Trước thực trạng trên, 19 doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có giải pháp tháo gỡ, đồng thời đề nghị được xem xét: Không bắt buộc sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ cho phép người lao động đang sinh sống tại vùng 1-3 đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đủ 14 ngày được sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và xe đưa đón quay lại nhà máy sản xuất vào ngày 1/11/2021, doanh nghiệp sẽ cung cấp danh sách và phương án phòng chống dịch, cam kết của doanh nghiệp và người lao động.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị không giới hạn thời gian giới nghiêm, từ 19 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau, đối với người lao động trong quá trình đến nhà máy làm việc.

Đồng thời, chỉ test nhanh kháng nguyên, không bắt buộc xét nghiệm Realtime PCR mẫu đơn cho người lao động trước ngày đầu tiên quay lại làm việc, sau đó doanh nghiệp sẽ thực hiện xét nghiệm hàng tuần theo quy định của Bộ Y tế; cho phép doanh nghiệp ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vaccine quay lại Tiền Giang làm việc.

Phải nhanh chóng mở cửa kinh tế

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong thời gian vừa qua, một số địa phương có hiện tượng chống dịch cực đoan, bằng việc đưa ra rất nhiều quy định chẳng giống ai, giấy phép con, gây ra rất nhiều khó khăn trong việc hồi phục và phát triển kinh tế.

Trước những khó khăn nêu trên, tại các tọa đàm, hội nghị, nhiều chuyên gia kinh tế đã đề nghị các địa phương, nhất là những tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hồi phục.

Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhấn mạnh: Phải kiên định mở cửa nền kinh tế, khắc phục nỗi “sợ hãi” từ cả phía người dân, người lao động lẫn chính quyền các cấp.

TS Cung nhận định, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam bước sang giai đoạn bình thường mới. Các yếu tố bên ngoài đang rất thuận lợi, kinh tế thế giới phục hồi tương đối nhanh, nhất là ở các thị trường trọng điểm, đối tác lớn của Việt Nam.

Ở trong nước cũng có nhiều yếu tố để hy vọng đại dịch không còn trầm trọng như giai đoạn vừa qua, vì độ bao phủ vaccine đang lớn dần và dịch bệnh cũng được kiểm soát tốt hơn.

“Điều chúng ta cần hiện nay là một sự thay đổi lớn, một thể chế vượt trội để thúc đẩy các nhân tố mới cho quá trình phục hồi kinh tế. Vượt qua được lúc khó khăn này cũng chính là tích lũy được kinh nghiệm để cải cách thể chế trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Nếu không kịp thời có một chương trình thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện ở cấp quốc gia, kinh tế có thể suy giảm đến quá ngưỡng có thể phục hồi. Khi đó, quá trình phục hồi kinh tế sẽ rất chậm và đau đớn”, nguyên Viện trưởng CIEM cảnh báo.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tinh-tien-giang-bi-to-gay-kho-khan-19-doanh-nghiep-fdi-cau-cuu-thu-tuong-post162534.html