Tổ chức Tết trồng cây, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị về tổ chức 'Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ' và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch trồng cây phân tán, trồng rừng tập trung, phát triển lâm sản ngoài gỗ; nông lâm kết hợp; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nâng cao giá trị đa dụng của rừng ở địa phương.

Sau 3 năm thực hiện Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025", với sự nỗ lực tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đến nay cả nước đã trồng được gần 770 triệu cây

Sau 3 năm thực hiện Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025", với sự nỗ lực tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đến nay cả nước đã trồng được gần 770 triệu cây

Việc tổ chức triển khai "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp, đồng thời tăng cường huy động xã hội hóa, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, tham gia trồng cây, trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Quản lý chặt chẽ giống cây trồng lâm nghiệp; chú trọng phát triển các loài cây trồng lâm nghiệp bản địa đa mục đích; ưu tiên sử dụng cây giống mô, hom chất lượng cao; kết hợp trồng cây lâm sản ngoài gỗ để nâng cao giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.

Đẩy mạnh trồng cây xanh lâu năm phân tán ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu văn hóa - lịch sử, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp;…

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này; theo dõi, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả 5 năm thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh.

Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, thực hiện công tác điều tra rừng theo quy định tại Điều 33 Luật Lâm nghiệp và Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư, xây dựng cơ sở dữ liệu và hồ sơ quản lý rừng, đảm bảo kịp thời cung cấp số liệu chính xác, đầy đủ, cập nhật về diện tích và chất lượng rừng phục vụ công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước về lâm nghiệp ở các cấp…

Huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đầu tư, nguồn vốn xã hội hóa; lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình đầu tư công và các Chương trình, đề án khác giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo để thực hiện thành công Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050, Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Sau 3 năm thực hiện Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025", với sự nỗ lực tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đến nay cả nước đã trồng được gần 770 triệu cây, đạt 121% so với kế hoạch; phong trào xã hội hóa trồng cây, trồng rừng ngày càng được các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân quan tâm, ủng hộ.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác phát triển rừng và trồng cây xanh còn gặp một số khó khăn, thách thức như: Diện tích đất chưa trồng rừng chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; công tác quản lý quy hoạch, duy trì diện tích đất cho trồng cây xanh đô thị chưa được quan tâm đúng mức; diện tích đất cây xanh đô thị hiện nay thấp hơn nhiều so với các quy chuẩn về quy hoạch đô thị; phát triển cây xanh ở một số địa phương còn manh mún, chưa được quy hoạch thống nhất, đồng bộ.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý trực tiếp cây xanh với các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế; vốn đầu tư cho công tác phát triển rừng còn hạn chế, phân bổ còn chậm, mức hỗ trợ trồng cây, trồng rừng còn thấp so với yêu cầu thực tiễn.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/to-chuc-tet-trong-cay-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-bao-ve-phat-trien-rung-302416.html