Tổ liên gia PCCC - 'cánh tay nối dài' của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp

Thời gian qua, hầu hết các địa phương trên địa bàn TP.HCM đồng loạt triển khai mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC (gọi tắt tổ liên gia). Nhiều vụ hỏa hoạn trong khu dân cư được ứng cứu kịp thời, hạn chế đáng kể thiệt hại. Lực lượng chữa cháy tại chỗ được xem như những 'cánh tay nối dài' của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp

“Nước xa không cứu được lửa gần”

Đã 3 tháng trôi qua, vụ hỏa hoạn xảy ra khi cả nhà đang ngủ vẫn là nỗi ám ảnh, sợ hãi đối với gia đình bà Võ Thị Tuyết Em ở xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè. Đó là rạng sáng ngày 15/3, ban thờ trên gác, trước dãy phòng ngủ của gia đình bỗng chập điện, bốc cháy.

Nhờ chuông báo cháy của Tổ liên gia, sự dũng cảm, nhiệt tình của hàng xóm mà 8 người trong gia đình bà Võ Thị Tuyết Em may mắn thoát nạn trong vụ hỏa hoạn hồi giữa tháng 3/2024. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Nhờ chuông báo cháy của Tổ liên gia, sự dũng cảm, nhiệt tình của hàng xóm mà 8 người trong gia đình bà Võ Thị Tuyết Em may mắn thoát nạn trong vụ hỏa hoạn hồi giữa tháng 3/2024. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Khi thức giấc ngửi thấy mùi khét thì khói lửa bắt đầu bốc lên ngùn ngụt từ phòng thờ, bà Tuyết Em chỉ kịp thoát thân và vội chạy ra bấm chuông báo cháy của Tổ liên gia khu phố, được lắp ngay trước cửa nhà. Tiếng chuông vang động khắp cả khu phố, mọi người trong nhà bật dậy chạy ra ngoài thoát nạn. Còn hàng xóm, láng giềng thì người cầm bình xịt, người thì xô nước, máy bơm, ống nước chạy đến dập lửa.

Nghĩ lại cảnh nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ, xe chữa cháy khó tiếp cận được nhanh, bà Võ Thị Tuyết Em xúc động nói thật may mắn khi có chuông báo cháy của Tổ liên gia, sự dũng cảm, nhiệt tình của hàng xóm, láng giềng. Nếu không có họ, có lẽ 8 người trong gia đình bà khó thoát nạn: “Gia đình tôi lúc đó chưa biết xử lý sao, thì cũng nhờ mấy anh em ở chòm xóm, họ nhiệt tình xông pha. Bất kể thứ gì có thể dập lửa là họ đem lại hỗ trợ. Do cháy ở trên gác, họ bất chấp hiểm nguy leo lên, leo xuống để dập lửa. Khi xe cứu hỏa đến là đám cháy đã dập tắt rồi. Đến bây giờ, tôi cũng không biết nói lời nào để cảm ơn những hành động của các anh em đã làm, giúp gia đình tôi”.

Không còn những bài học đau xót…

Không riêng vụ cháy nêu trên, qua nhiều vụ hỏa hoạn khác xảy ra trên địa bàn TP.HCM đã cho thấy rõ hiệu quả của mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC. Việc chữa cháy, cứu nạn cứu hộ ban đầu là một trong những yếu tố quyết định để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Với đô thị lớn, đông dân và có nhiều tuyến hẻm nhỏ như TP.HCM, mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC đã thực sự phát huy hiệu quả khi nhiều vụ cháy nổ được kịp thời xử lý trước khi lực lượng PCCC chuyên nghiệp có mặt. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Với đô thị lớn, đông dân và có nhiều tuyến hẻm nhỏ như TP.HCM, mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC đã thực sự phát huy hiệu quả khi nhiều vụ cháy nổ được kịp thời xử lý trước khi lực lượng PCCC chuyên nghiệp có mặt. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Trước mối nguy cháy, nổ đang thường trực, để hoạt động của Tổ liên gia tại các địa phương ngày càng hiệu quả, thực chất, Công an TP.HCM tăng cường tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng xử lý các tình huống cháy, nổ. Nhờ thế, nhiều người dân đã hiểu biết cơ bản về PCCC và có sự chuyển biến rõ rệt, từ “sợ lửa” sang mạnh dạn xông vào khi có sự cố cháy, nổ tại cộng đồng dân cư.

Ông Nguyễn Hữu Tân, (45 tuổi) thành viên Tổ liên gia ấp 4, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM chia sẻ: “Kỹ năng lớn nhất qua những buổi tập huấn là tạo cho bản thân tôi và người dân là mạnh dạn tiếp cận. Tức là khi thấy cháy mình không phải tránh né hay sợ sệt nữa. Trước đó, tôi không nắm bắt và hiểu rõ về nguyên tắc, quy trình chữa cháy, cứ nghĩ cháy là chữa bằng nước, chứ không biết là loại cháy nào nên chữa bằng cái gì, cũng như cách thức sử dụng bình chữa cháy dạng khí CO2 và bình bột.”

Thời gian qua, TP.HCM cũng tổ chức những hội thi nghiệp vụ PCCC nhằm nâng cao hiểu biết, thực hành thuần thục các kỹ năng thiết yếu trong chữa cháy và cứu người, cứu tài sản cho các tổ liên gia.

Người dân trong Tổ liên gia an toàn PCCC của huyện Bình Chánh đang thực hành các kỹ năng chữa cháy (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Người dân trong Tổ liên gia an toàn PCCC của huyện Bình Chánh đang thực hành các kỹ năng chữa cháy (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Là thành viên của Tổ liên gia xuất sắc nhất đang ra sức tập luyện, để đại diện TP.HCM tham gia hội thi nghiệp vụ tổ liên gia an toàn PCCC cấp khu vực, chị Trần Thị Ngọc Nữ (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) ấp ủ kế hoạch lan tỏa những hiểu biết và kỹ năng thiết yếu mà bản thân đã được học ra cộng đồng.

“Là giáo viên dạy tiểu học, tôi thấy những kỹ năng này rất cần thiết cho các bạn nhỏ. Nếu như được tạo điều kiện thì có thể tôi sẽ tổ chức cho các em những khóa tập huấn tương tự thế này. Những kinh nghiệm này sẽ rất bổ ích cho các em và góp phần định hình được từ nhỏ cho các bạn khả năng cứu hộ cho chính mình khi có tình huống hỏa hoạn”- chị Nữ nói.

… khi có ứng phó ngay từ trong dân

Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - Công an TP.HCM, thời điểm “vàng” để chữa cháy là dưới 5 phút sau khi lửa bùng phát. Lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ là rất quan trọng và có tính quyết định.

Qua những đợt tập huấn, nhiều người dân đã hiểu biết cơ bản về PCCC và có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và kỹ năng xử lý khi có sự cố cháy, nổ tại cộng đồng dân cư. (Ảnh: PC07)

Qua những đợt tập huấn, nhiều người dân đã hiểu biết cơ bản về PCCC và có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và kỹ năng xử lý khi có sự cố cháy, nổ tại cộng đồng dân cư. (Ảnh: PC07)

Vì thế khi xảy ra cháy phải huy động tối đa lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Cụ thể là chỉ huy ở trong dân, lực lượng ở trong dân, phương tiện ở trong dân, vật tư hậu cần ở trong dân, lấy người dân là chủ thể trung tâm của công tác PCCC.

“Lực lượng PCCC tại chỗ và đặc biệt là người dân nếu chủ động trong công tác PCCC sẽ không xảy ra cháy. Và khi xảy ra cháyđã có lực lượng, phương tiện và phương án chủ động xử lý ngay từ ban đầu sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản cho Nhà nước, tính mạng và tài sản của người dân. Cho nên vị trí, tầm quan trọng của lực lượng PCCC tại chỗ là rất quan trọng và quyết định công tác phòng cháy, chữa cháy ở nơi sinh hoạt, sinh sống, công tác” - Đại tá Huỳnh Quang Tâm nói.

Cháy, nổ không chừa một ai. Với những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội,.. nếu không chữa cháy kịp thời, hậu quả của các vụ hỏa hoạn là rất lớn. Những bài học đau xót từ các vụ cháy vừa qua cho thấy tầm quan trọng của việc chủ động ứng phó ngay từ cơ sở, tận dụng thời điểm “vàng” để chữa cháy, bởi mọi đám cháy lớn đều bắt nguồn từ những tia lửa rất nhỏ.

Theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2024, tình hình cháy, nổ trên địa bàn TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp. Đã xảy ra 234 vụ cháy, làm 10 người chết, 4 người bị thương và thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 5 tỷ đồng.

Các vụ cháy chủ yếu diễn ra tại TP.Thủ Đức, Quận 12, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, phần là ở các khu nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh (131/234 vụ, tỷ lệ 56%) và công ty - doanh nghiệp (38/234 vụ, chiếm 16%). Nguyên nhân là do sự cố trong sử dụng thiết bị điện; vi phạm các quy định an toàn PCCC; bất cẩn trong sinh hoạt, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt...

Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/to-lien-gia-pccc-canh-tay-noi-dai-cua-luc-luong-chua-chay-chuyen-nghiep-post1100275.vov