Tô màu cho cuộc sống

Toàn cảnh Gamcheon - Ảnh: CTV

Ngày thứ hai ở Busan (Hàn Quốc), con gái tôi nói mẹ ơi, mẹ có muốn đến một cái làng màu mè ở đây không. Tôi tò mò hỏi màu mè là sao con, có gì hay không? Thì cứ đi sẽ biết, con nghĩ mẹ sẽ thích. Vậy là đi!

Từ trung tâm Busan, hai mẹ con đi qua mấy trạm tàu điện ngầm (subway), chuyển hai chuyến xe buýt là đến làng Gamcheon. Đến đây, tôi mới ngộ ra rằng câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” không phải lúc nào cũng đúng, vì ở đây màu sơn, nước sơn đã làm nên giá trị cuộc sống. Và tôi sẽ tiếc biết mấy nếu bỏ qua nơi này!

Xuống xe buýt, hai mẹ con chọn một quán cà phê ngay đầu làng để uống nước, ăn nhẹ. Không ngờ đây lại là chỗ ngắm cảnh tuyệt vời. Từ balcon tầng trên của quán cà phê, chúng tôi nhìn thấy toàn bộ ngôi làng nhỏ bên dưới với những mái nhà nhỏ xíu như những ô màu không đều cạnh, chồng xếp lên nhau, rất ngẫu hứng, giống như ai đó đang chơi xếp hình rồi bỏ ngang, không chịu dọn dẹp. Những ngôi nhà đang tựa vào núi và tựa vào nhau, có mái và tường sơn những màu rực rỡ.

Gần một ngày lang thang ở Gamcheon chắc chắn không đi hết và cảm nhận đủ về nơi này, nhưng Gamcheon đã dạy cho tôi bài học về sự quý trọng con người và giá trị của nghệ thuật. Nghệ thuật đã làm đổi thay Gamcheon, nhưng điều quan trọng đằng sau những sắc màu, hình vẽ lấp lánh, là chất lượng cuộc sống đã được nâng lên đáng kể.

Trong ánh nắng buổi sáng gần trưa, những màu sắc càng lấp lánh, càng tương phản vui mắt. Chỉ có một con đường lớn như một dải lụa buộc sơ sài quanh ngôi làng. Tôi hình dung làng Gamcheon này cũng giống như những ngôi làng bích họa khác mà tôi từng biết: Như trên một đoạn đường tại khu phố cổ Melaka của Malaysia, người ta vẽ tranh trên tường các ngôi nhà và nó trở thành một điểm check-in của nhiều du khách; như con đường gốm sứ hay phố Phùng Hưng của Hà Nội, làng biển Tam Thanh ở Quảng Nam… Vẽ tranh trên đường hay tường nhà đang là “hot trend” của nhiều nơi. Nhưng Gamcheon của Busan không hoàn toàn như vậy. Nó đem đến cho tôi rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ.

Ý nghĩ thứ nhất là ta có thể hóa giải cuộc sống bằng những việc thật giản dị. Theo tài liệu, vào thập niên 50 của thế kỷ trước, Gamcheon là nơi ở của những người tị nạn, những người nghèo khổ, những người đơn chiếc trôi dạt đến đây từ cuộc chiến tranh Triều Tiên. Vì nghèo, nên họ chỉ dựng tạm những ngôi nhà gỗ nhỏ xíu, gắn tạm bợ vào các sườn đồi để trú ngụ. Những người dân sống ở đây thường phải vào trung tâm thành phố làm đủ nghề, đủ việc để mưu sinh. Sau chiến tranh, những khó khăn, bất tiện trong cuộc sống thường nhật như thiếu nước, thiếu điện vẫn chưa được cải thiện, nên nhiều người đã lần lượt rời bỏ làng. Cuối thế kỷ XX, trong khi TP Busan phát triển rất nhanh và trở thành đô thị lớn thứ hai của Hàn Quốc, chỉ sau thủ đô Seoul, thì khu ổ chuột Gamcheon vẫn còn tồn tại.

Năm 2009, Bộ Du lịch Hàn Quốc đã triển khai dự án nghệ thuật để thay đổi diện mạo làng Gamcheon, mục đích là vừa không mất công xóa sổ nó, vừa có thể lấy nó nuôi nó. Và các nghệ sĩ tham gia dự án đã tô màu lên Gamcheon, biến ngôi làng nghèo cheo leo, bị bỏ rơi bên sườn đồi thành một điểm đến hấp dẫn, thú vị; thành một “đặc sản” của Busan, Hàn Quốc. Và chỉ mất một, hai năm, cuộc sống tại Gamcheon đã đổi thay kỳ diệu.

Thứ hai, nghệ thuật thị giác không phải chỉ để đánh lừa thị giác, mà phải đem đến nhiều xúc cảm, suy nghĩ. Mới đến Gamcheon, bạn có thể nghĩ đơn giản chỉ là chuyện vẽ vời, làm đẹp những ngôi nhà cũ, làm cho nó khác lạ đi so với trước. Nhưng sau khi nhìn bao quát những màu sắc sặc sỡ làm vui mắt, đi sâu vào những con đường nhỏ chênh vênh trong làng, bạn sẽ nghĩ khác.

Gamcheon vẫn còn những dấu vết nghèo khó, quen thuộc của thời xưa cũ, nhưng làng đã hướng đến sự kết nối với thế giới và cuộc sống văn minh, hiện đại. Người ta vẫn giữ những con đường với vô vàn bậc cấp vắt vẻo, ngoằn ngoèo, len lỏi qua các ngôi nhà, nhưng các con đường đã kết nối nhau, thông ra con đường lớn.

Đi trên những con dốc màu mè đó, người trẻ cũng thở hào hển, nhưng tôi vẫn thấy bên ngoài những ngôi nhà nhỏ, thỉnh thoảng có để một bình gas cũ, một vài chậu rau, hũ kim chi hay dưa muối. Hình ảnh này làm tôi nhớ đến má tôi, bà tôi và nhiều người đàn bà miền Trung nghèo khó của Việt Nam cả đời loanh quanh với những hũ mắm và những thứ rau củ, đậu đỗ để dành.

Con đường sách ở Gamcheon - Ảnh: CTV

Con đường sách ở Gamcheon - Ảnh: CTV

Trên một con dốc dài, tôi thấy đôi tân lang tân nương đang mặc đồ Hanbok truyền thống chụp hình cưới. Dưới chân họ, các bậc tam cấp có vẽ hình những cuốn sách. Con đường nhỏ trông giống như những chồng sách xếp rải dài thành bậc cấp với bìa hơi cũ, và đủ loại sách, đủ kích cỡ khác nhau bày lên đó, hai bên đường cũng vẽ nhiều chồng sách chất cao, nhìn rất tự nhiên, thú vị.

Này là bìa cuốn Harry Potter của J.K. Rowling, này là tên các tác phẩm văn chương hiện đại và cổ xưa của Hàn Quốc viết bằng tiếng Hàn. Điều ngạc nhiên là chỗ đông người xếp hàng chờ check-in nhất là nơi có bức tượng Hoàng tử bé đang ngồi trên bức tường cao nhìn ra những ngôi nhà nhấp nhô bên dưới và bên cạnh hoàng tử là con cáo nhỏ đáng yêu.

Con gái tôi nói hình như người Hàn rất yêu thích tác phẩm Hoàng tử bé của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry. Hay bức tượng này để nhắc mọi người nhớ đoạn thoại thú vị của nhân vật Hoàng tử bé và con cáo nhỏ chưa được cảm hóa, nhưng biết giải thích “Cảm hóa là: làm cho gần gũi hơn”?

Tôi cũng muốn có bức ảnh kỷ niệm này nhưng vì quá đông người chờ nên chỉ chụp được tấm hình từ bên dưới. Thú vị là không chỉ các trò nhỏ tuổi teen, mà các bậc phụ huynh cũng muốn chụp hình chỗ này. Có những nhóm người tuổi cỡ 50, 60 mặc đồng phục học sinh thế kỷ trước, đứng tạo dáng chụp hình tại đây. Ai cũng vui và hứng khởi đến mức quên mất cảm giác tuổi tác và sự khó chịu vì phải đợi.

Có hai du khách người Pháp đứng nói chuyện với nhau và kiên nhẫn chờ tới lượt để chụp hình. Lần đầu tiên, tôi nhận ra giá trị của một tác phẩm văn chương hiện hữu giản dị mà sâu sắc như vậy.

Thứ ba, cái đẹp làm cho cuộc sống đẹp hơn, con người tử tế hơn. Ý này mượn từ lời của một nhân vật trong tiểu thuyết Chàng ngốc của nhà văn Nga Dostoevxki (Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới), vì khi đến Gamcheon, dạo quanh làng, nhìn ngắm những tác phẩm nghệ thuật mà các họa sĩ sắp đặt, vẽ vời tại đây sẽ cảm nhận cuộc sống đáng yêu hơn bao giờ hết.

Đáng yêu vì ta được sống, được thưởng thức các giá trị của cuộc sống và cảm nhận rằng con người có thể dời non lấp bể và con người cũng có thể làm cuộc sống thú vị hơn từ những cái đã cũ, tưởng phải bỏ. Đi bộ len lỏi trên những con đường nhỏ được sơn màu, rất nhiều khách du lịch dường như đều cố gắng giữ lịch sự, tử tế nhất có thể.

Một phần vì đường hẹp, phải đi bộ và leo dốc nên không còn sức để cười đùa, nói to; một phần vì đây vẫn là nơi ở của nhiều người già và những ngôi nhà quá bé nhỏ, sát cạnh nhau nên ai cũng giữ tĩnh lặng. Thấy tôi cắm đầu leo lên dốc, vừa đi vừa thở, chưa kịp nhìn thấy một cụ già đang chống gậy đi xuống, con gái tôi vội kéo mẹ nép vào nhường đường. Cụ già gật đầu tỏ vẻ cảm ơn. Tôi thích sự an yên, giản dị của ngôi làng màu mè này quá!

Gần một ngày lang thang ở Gamcheon chắc chắn không đi hết và cảm nhận đủ về nơi này, nhưng Gamcheon đã dạy cho tôi bài học về sự quý trọng con người và giá trị của nghệ thuật. Nghệ thuật đã làm đổi thay Gamcheon, nhưng điều quan trọng đằng sau những sắc màu, hình vẽ lấp lánh, là chất lượng cuộc sống đã được nâng lên đáng kể. Thời gian như cỗ xe vẫn mải miết chạy về phía trước.

Để phát triển, tiến bộ, con người đôi khi phải vứt bỏ nhiều thứ, thay đổi nhiều thứ. Nhưng nếu chúng ta có hàng trăm lý do để thay đổi, thì chúng ta cũng có hàng ngàn lý do để yêu thương cuộc sống, để lưu giữ ký ức lịch sử. Ở đâu chúng ta cũng cần một môi trường sống tốt, cần nâng cao giá trị con người, trong đó có năng lực thẩm mỹ, đúng không?…

NGUYỄN THỊ THU TRANG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/89/225560/to-mau-cho-cuoc-song.html