Tô Múa đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc

Với điều kiện khí hậu quanh năm mát mẻ, độ ẩm cao, đất đai màu mỡ, xã Tô Múa (Vân Hồ) đang có nhiều lợi thế trong phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của người dân bản Liên Hưng, xã Tô Múa (Vân Hồ).

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của người dân bản Liên Hưng, xã Tô Múa (Vân Hồ).

Hằng năm, xã Tô Múa đã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư, khuyến khích người dân phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn trồng các loại cây làm thức ăn phục vụ chăn nuôi, như: ngô, khoai, sắn, cỏ voi và các loại rau màu khác; hướng dẫn các hộ dân xây dựng chuồng trại kiên cố, các biện pháp vệ sinh và cách phòng trừ dịch bệnh cho trâu, bò nuôi nhốt chuồng; giúp đỡ, tư vấn người chăn nuôi lựa chọn, phát triển các loại con giống tốt để lai tạo, nhân giống; tạo điều kiện cho nông dân vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn để đầu tư chăn nuôi đại gia súc.

Theo thống kê, xã Tô Múa hiện có gần 3.000 con gia súc các loại, chủ yếu là trâu, bò được các hộ dân chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Gia đình anh Nguyễn Văn Cường, bản Liên Hưng, là một trong những hộ có số lượng gia súc lớn trong xã. Những năm gần đây, nhu cầu thị trường tiêu thụ thực phẩm sạch ngày càng tăng, nên gia đình anh Cường đã vay vốn, đầu tư xây dựng chuồng trại, mua giống bò tốt về lai tạo và chuyển đổi hơn 2 ha các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, ngô làm thức ăn để nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Anh Cường cho biết: Được tập huấn, học tập kinh nghiệm chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, nên thường xuyên duy trì nuôi từ 30-40 con trâu, bò, trong đó có 10 con bò sinh sản. Bên cạnh đó, tôi còn mua thêm trâu, bò về vỗ béo để bán, doanh thu từ 600-700 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 2 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Theo ông Hà Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Tô Múa thì điểm nổi bật của xã trong duy trì và phát triển đàn gia súc là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng đất nương, đồi để trồng cỏ voi và các loại phụ phẩm sau thu hoạch làm thức ăn cho đàn gia súc; hướng dẫn người dân lựa chọn con giống có chất lượng tốt, sức đề kháng dịch bệnh cao để phát triển chăn nuôi; vận động bà con thay đổi tập quán chăn thả rông và khuyến khích các hộ xây dựng mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện của gia đình để kiểm soát an toàn dịch bệnh. Năm 2020, xã đã chuyển đổi trên 20 ha đất đồi trồng cây kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để phục vụ chăn nuôi đại gia súc, nâng tổng diện tích trồng cỏ voi của xã lên 61 ha.

Năm 2021, xã Tô Múa tiếp tục chuyển đổi 67 ha cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc; khai thác nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ, khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, gắn với triển khai các biện pháp an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/to-mua-day-manh-phat-trien-chan-nuoi-dai-gia-suc-37501