Tòa án nhân dân tối cao ban hành kế hoạch triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình vừa ký ban hành Quyết định 187/QĐ – TANDTC, quyết định ban hành Kế hoạch triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Các Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (quochoi.vn)

Các Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (quochoi.vn)

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 ngày 16/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Để đảm bảo triển khai thi hành Luật kịp thời, thống nhất và hiệu quả, Chánh án TANDTC ban hành Kế hoạch triển khai thi hành với mục đích, xác định nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc TANDTC, TAND các cấp, giữa TANDTC và các cơ quan, bộ, ngành có liên quan nhằm đảm bảo triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; Nâng cao nhận thức về Luật, trách nhiệm triển khai thi hành Luật.

Theo đó, TANDTC thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật tại TANDTC do 01 Phó Chánh án TANDTC làm Trưởng ban và các thành viên là đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan; Ban Cán sự Đảng các TAND cấp tỉnh đề xuất Tinh ủy, Thành ủy bổ sung nhiệm vụ chỉ đạo việc triển khai thi hành Luật tại địa phương cho Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tinh, thành phố mình.

TANDTC yêu cầu Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học chủ trì, phối hợp với Văn phòng, Vụ Tổng hợp, Học viện Tòa án và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Luật và văn bản quy định chi tiểt thi hành Luật.

Tạp chí Tòa án, Báo Công lý, Văn phòng phối hợp với Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học và các trường Luật và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật trên ấn phẩm do cơ quan, đơn vị mình chủ biên và các phương tiện thông tin đại chúng khác.

TAND các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị truyền thông cùng cấp tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật và văn bản quy định chỉ tiết thi hành Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức biên soạn, in ấn tài liệu phục vụ việc phổ biến, quán triệt về mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, những nội dung cơ bản của Luật, đề cương giới thiệu Luật; Sổ tay nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Tài liệu hỏi đáp và các tài liệu khác phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Học viện Tòa án chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan biên soạn, chỉnh lý hệ thống giáo trình về hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

TANDTC đề nghị: VKSNDTC tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung của Luật và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật trong ngành mình; MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cho các hội viên và quần chúng nhân dân.

Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và truyền thông, UBND các cấp và cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật bằng hình thức phù hợp với từng đối tượng, điều kiện, tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học thực hiện việc chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật về trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án trình Chánh án TANDTC xem xét, ký ban hành.

Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Vụ Thi đua - Khen thưởng và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư quy định quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cấp thẻ, thu hồi thẻ, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên tại Tòa án trình Chánh án TANDTC xem xét, ký ban hành.

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư quy định chi tiết về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên trình Chánh án TANDTC xem xét, ký ban hành.

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học phối hợp với Cục Kế hoạch - Tài chính là đầu mối phối hợp với đơn vị cùng cấp thuộc Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng dự thảo các văn bản quy định chi tiết về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tham mưu đề xuất việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới đảm bảo phù hợp với quy định của Luật.

TANDTC đề nghị: Chính phủ triển khai nghiên cứu, ban hành quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp và việc quản lý, sử dụng chi phí quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật; Bộ trưởng Bộ Tài chính triển khai nghiên cứu, ban hành quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

TANDTC yêu cầu TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh lựa chọn, đề xuất người đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm Hòa giải viên theo quy định của Luật để tập huấn, bồi dưỡng, bổ nhiệm làm Hòa giải viên.

Học viện Tòa án chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học và các đơn vị có liên quan xây dựng tài liệu bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại cho Hòa giải viên tại Tòa án; Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với những người được tuyển chọn để bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án phải tham gia bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm theo quy định của Luật và bồi dưỡng định kỳ cho Hòa giải viên tại Tòa án; Cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

TAND cấp tỉnh xem xét, bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án theo quy định của Luật và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật của TANDTC.

Cục Kế hoạch - Tài chính có nhiệm vụ: Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nghiên cứu, xây dựng Đề án trang bị cơ sở vật chất phục vụ triển khai thi hành Luật trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; lập dự toán kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội quyết định; Chủ trì, phối hợp với Văn phòng và các đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát và hướng dẫn việc thực hiện các quy định về cơ sở vật chất, kinh phí trong quá trình triển khai thi hành Luật.

TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện sắp xếp, bố trí diện tích phòng làm việc phù hợp và các điều kiện cơ sở vật chất khác theo Đề án trang bị cơ sở vật chất phục vụ thi hành Luật tại Tòa án nhân dân các cấp do Chánh án TANDTC phê duyệt.

Vụ Thi đua - Khen thưởng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung tiêu chí thi đua, khen thưởng đối với Tòa án, Thẩm phán, công chức Tòa án và Hòa giải viên tại Tòa án phù hợp với quy định của Luật.

Vụ Hợp tác quốc tế có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học và các đơn vị có liên quan trong hợp tác quốc tế về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tổ chức các hoạt động nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và các quốc gia về hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Tâm Phúc

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/toa-an/toa-an-nhan-dan-toi-cao-ban-hanh-ke-hoach-trien-khai-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-51284.html