Tọa đàm phổ cập bơi an toàn, phòng chống đuối nước với chủ đề: 'Làm sao để trẻ em biết bơi?'

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.200 km, có trên 2.300 sông, kênh, rạch và một số lượng lớn suối, ao, hồ… tạo nên điều kiện tự nhiên lý tưởng về phát triển du lịch, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nhưng cũng là môi trường tiềm ẩn nguy cơ gây đuối nước cho người dân, trong đó phần lớn là những trẻ em và trẻ vị thành niên.

Về trách nghiệm của nhà trường, tôi cho rằng, nhà trường có vai trò quan trọng trong công tác giáo dục, đào tạo cho trẻ em phát triển toàn diện, trong đó giáo dục thể chất và hoạt động thể thao ngoại khóa giúp các em nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc, thể lực, hoàn thiện nhân cách. Môn bơi được hệ thống giáo dục của tất cả các quốc gia đều đặc biệt ưu tiên, bởi dạy môn bơi còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc giáo dục cho học sinh các kỹ năng sinh tồn để các em biết tự bảo vệ chính mình, xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, an toàn, lành mạnh.

Việc đưa môn bơi lội vào trường học tiểu học nhằm từng bước phổ biến, hướng dẫn cho các em kiến thức, kỹ năng bơi ban đầu hướng tới phát triển kỹ năng bơi an toàn và thực hành thành thục kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Bởi vậy, tạo điều kiện cho trẻ em học bơi an toàn, phòng chống đuối nước trong các trường tiểu học, trung học cơ sở là trách nhiệm của nhà trường, của ngành Giáo dục và Đào tạo. Trong điều kiện các đơn vị, trường học còn khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, bể bơi như hiện nay, gia đình, nhà trường có trách nhiệm phối hợp, liên kết đưa con em đi học bơi ở bất kỳ cơ sở hoạt động bơi lội, trung tâm văn hóa, thể thao nào trên địa bàn miễn sao các em được học môn bơi, học kỹ năng phòng chống đuối nước.

Gia đình có vai trò quan trọng đối với việc khuyến khích trẻ em học bơi an toàn, phòng chống đuối nước. Bởi vì, một trong những nguyên nhân chính là do trẻ em chưa biết bơi an toàn và do thiếu ý thức cảnh giác, thiếu sự quan tâm của gia đình trong việc quản lý, giáo dục các con về vấn đề này. Vì vậy, để phòng, chống đuối nước cho trẻ em, bên cạnh việc hướng dẫn cho trẻ em hiểu biết về sự nguy hiểm của môi trường nước dễ gây ra chết ngạt, cảm lạnh, chấn thương, gia đình còn có trách nhiệm tạo điều kiện tốt nhất cho con em mình được học bơi để có khả năng sinh hoạt trong môi trương nước được tự tin và an toàn. Cụ thể, các bậc phụ huynh bố trí đưa đón con đi bơi, đầu tư học phí cho con học bơi, gương mẫu tích cực học bơi, thường xuyên động viên, khuyến khích cho con luyện tập môn bơi.

Để xây dựng một môi trường bơi an toàn cho mọi lứa tuổi học sinh, chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước. Về chương trình chính khóa, chúng tôi đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với môn bơi nằm trong chương trình giáo dục thể chất. Chúng tôi cũng ban hành và xây dựng để đào tạo bơi lội trong một số hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống và phối hợp với Tổng cục Thể dục Thể thao để tổ chức đào tạo giáo viên, học sinh nhằm mang lại kỹ năng bơi an toàn cho các em. Trong năm 2021 chúng tôi sẽ rà soát lại để có một chương trình dạy bơi vừa an toàn, vừa phòng tránh tai nạn thương tích phù hợp với học sinh từng vùng miền.

(13/11/2020 18:21)

Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng

Trong những năm qua, Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em của ngành Văn hóa, thể thao và Du lịch nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các Bộ, ngành liên quan, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng nhằm hướng tới mục tiêu giúp người dân và trẻ em phòng chống tai nạn đuối nước, có môi trường sống lành mạnh, an toàn. Thực hiện quy định trong Luật Thể dục, thể thao năm 2018, đặc biệt là qua 5 năm thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành đều triển khai kế hoạch, (đề án) Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước hoặc triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em trên địa bàn; Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội; Tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi hằng năm tăng nhanh, tỷ lệ đuối nước trẻ em giảm rõ rệt từ con số khoảng trên 3.000 trẻ em giảm dần xuống khoảng dưới 2.000 trẻ em trong độ tuổi dưới 16 trong năm 2018 và 2019. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai Chương trình như: Nhận thức của một số gia đình, cộng đồng về nguy cơ và tác hại của tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em còn hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện TDTT và bể bơi, hướng dẫn viên ở vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng sâu vùng xa rất khó khăn, trong khi đó trẻ em ở các vùng này thiếu sự quản lý, trông coi giám sát của gia đình; Kế hoạch triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em của một số tỉnh/thành còn chung chung, chưa cụ thể, chưa được quan tâm đầu tư các nguồn lực đúng mức...; Cơ sở vật chất, sân bãi, nhà tập, dụng cụ phục vụ cho các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí của thanh thiếu nhi, học sinh còn rất thiếu.

Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng đề ra nhiều giải pháp triển khai Chương trình cho giai đoạn 2021- 2030 từ góc độ quy định pháp luật đến các giải pháp về quản lý và thực tiễn thực hiện. Qua đó, giúp việc triển khai Chương trình phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đảm bảo an toàn, nâng cao sức khỏe và phòng chữa một số bệnh tật cho trẻ em, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực thế hệ trẻ Việt Nam.

Một lần nữa, trân trọng cảm ơn các vị khách quý đã tham gia Tọa đàm ngày hôm nay và mong được gặp lại trong lần đối thoại lần sau.

Xin trân trọng cảm ơn!

ĐBND; Ảnh: Duy Thông

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dang-dien-ra-toa-dam-pho-cap-boi-an-toan-phong-chong-duoi-nuoc-voi-chu-de-%E2%80%9Clam-sao-de-tre-biet-boi%E2%80%9D