Tọa đàm về triển khai bộ quy chế quản lý, đào tạo tại trường chính trị

Cụm Thi đua các trường chính trị khu vực Đồng bằng sông Hồng tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề 'Kinh nghiệm trong triển khai thực hiện bộ quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị hiện nay'.

Sáng 19/6, tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội, Cụm Thi đua các trường chính trị khu vực Đồng bằng sông Hồng tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Kinh nghiệm trong triển khai thực hiện bộ quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng ban hành kèm theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại các trường chính trị hiện nay”.

T.S Nguyễn Kim Pha - Hiệu trưởng Trường Chính trị Tô Hiệu, Cụm trưởng Cụm thi đua; PGS.TS Phạm Minh Anh - Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội, Phó Cụm trưởng Cụm thi đua chủ trì Tọa đàm.

Dự Tọa đàm có lãnh đạo Vụ các Trường chính trị; Ban Thi đua - Khen thưởng, Nhà xuất bản lý luận chính trị - Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo, phụ trách công tác thi đua, khen thưởng của 10 trường chính trị trong Cụm.

T.S Nguyễn Kim Pha - Hiệu trưởng Trường Chính trị Tô Hiệu, Cụm trưởng Cụm thi đua phát biểu khai mạc Tọa đàm

T.S Nguyễn Kim Pha - Hiệu trưởng Trường Chính trị Tô Hiệu, Cụm trưởng Cụm thi đua phát biểu khai mạc Tọa đàm

Báo cáo đề dẫn Tọa đàm do TS. Nguyễn Kim Pha - Hiệu trưởng Trường Chính trị Tô Hiệu, Cụm trưởng Cụm thi đua khẳng định, Đảng ta luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và xác định đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc thường xuyên, liên tục, cấp bách, lâu dài của Đảng. Một phần nhiệm vụ đó được giao cho các trường chính trị cấp tỉnh.

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các tỉnh ủy, thành ủy, sự hướng dẫn chuyên môn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, sở, ngành, địa phương trên địa bàn các tỉnh/thành phố; các trường chính trị, trong đó có các trường trong Cụm Đồng bằng Sông Hồng đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Quy mô đào tạo, bồi dưỡng không ngừng tăng lên, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng có sự chuyển biến rõ nét; loại hình đào tạo, bồi dưỡng được đa dạng hóa; công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng được chú trọng đổi mới; công tác xây dựng đội ngũ giảng viên được quan tâm đúng mức; điều kiện cơ sở vật chất từng bước được cải thiện, nâng cấp… Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của các địa phương. Song trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đã và đang đặt ra những vấn đề cần tập trung giải quyết.

Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của các trường chính trị, cần thiết phải hoàn thiện thể chế để tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các trường chính trị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là trong bối cảnh Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 về trường chính trị chuẩn, nhiều nội dung liên quan đến thể chế đào tạo, bồi dưỡng của các trường chính trị cũng phải hoàn thiện để đáp ứng các yêu cầu về xây dựng trường chính trị chuẩn.

Ngày 21/12/2021, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, TP trực thuộc T.Ư kèm theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG.

Bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng gồm 5 quy chế con: (1) Quy chế Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị; (2) Quy chế Quản lý hoạt động bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (3) Quy chế Giảng viên của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (4) Quy chế Nghiên cứu khoa học của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (5) Quy chế Thanh tra đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đại biểu tham luận tại Tọa đàm.

Đại biểu tham luận tại Tọa đàm.

Bộ Quy chế được ban hành gồm hệ thống các điều khoản được trình bày chặt chẽ, dễ hiểu, dễ áp dụng với tính bao quát cao, tạo ra được bộ khung pháp lý tương đối đầy đủ cho hoạt động quản lý đào tạo ở các trường chính trị tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Trên cơ sở bộ Quy chế đó, các trường đã chủ động thực hiện và cụ thể hóa một số nội dung bằng các văn bản hướng dẫn cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng trường một cách có hiệu quả.

Đến thời điểm này, bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng đã được các trường triển khai thực hiện 2 năm rưỡi và đem lại nhiều kết quả quan trọng trong quá trình tổ chức triển khai công tác quản lý các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện bộ Quy chế, các trường chính trị cũng gặp không ít những khó khăn, những vấn đề cần tháo gỡ.

Ban tổ chức Tọa đàm nhận được 10 bài viết của các tác giả của 10 Trường chính trị trong Cụm, tại buổi Tọa đàm có 6 tham luận và các ý kiến thảo luận, trao đổi và tập trung vào 3 nội dung chính: Tầm quan trọng của việc thưc hiện bộ quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng ban hành kèm theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG. Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm của các trường trong triển khai thực hiện bộ quy chế. Đề xuất các biện pháp để tiếp tục triển khai có hiệu quả bộ quy chế tại các trường chính trị hiện nay.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, PGS.TS Phạm Minh Anh - Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội, Phó Cụm trưởng Cụm thi đua đã khẳng định, các tham luận đều phân tích, đánh giá thực trạng, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng; đúc kết được những kinh nghiệm quý, những cách làm hay, sáng tạo tại trường mình. Đồng thời đề xuất những giải pháp khá toàn diện với những biện pháp cụ thể trong tổ chức triển khai thực hiện gắn với điều kiện của mỗi trường nhằm thực hiện tốt hơn Bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới.

PGS.TS Phạm Minh Anh - Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội, Phó Cụm trưởng Cụm thi đua phát biểu kết luận Tọa đàm.

PGS.TS Phạm Minh Anh - Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội, Phó Cụm trưởng Cụm thi đua phát biểu kết luận Tọa đàm.

Có thể nhận thấy, các tham luận được trình bày và ý kiến phát biểu tại diễn đàn này đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, trình bày ngắn gọn, giàu tính thực tiễn; với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, dân chủ và có tính xây dựng cao, điều đó đã thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm của lãnh đạo các trường trong cụm thi đua.

"Những thông tin trao đổi, chia sẻ tại Tọa đàm hôm nay sẽ là những thông tin bổ ích, góp phần quan trọng giúp các trường thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao; nhất là khi các trường đang trong quá trình xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư" - PGS.TS Phạm Minh Anh khẳng định.

Thanh Hương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/toa-dam-ve-trien-khai-bo-quy-che-quan-ly-dao-tao-tai-truong-chinh-tri.html