'Tôi muốn độc giả khi đọc sách của mình không chỉ nhìn thấy thiên nhiên đẹp đẽ'
Đó là chia sẻ của nhà văn Đỗ Quang Tuấn Hoàng.

Nhà văn Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Hạnh phúc vì giá trị văn hóa Việt được chia sẻ với bạn đọc quốc tế
+ Chào nhà văn Đỗ Quang Tuấn Hoàng. Xin chúc mừng anh đã có buổi giao lưu thành công trong khuôn khổ Ngày hội đọc sách quốc tế và thư pháp thành phố Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc) vừa qua. Cảm xúc của anh như thế nào khi cuốn sách "Vắt qua những ngàn mây" được phát hành bản tiếng Trung và giới thiệu với đông đảo bạn đọc nơi đây?
Với tôi, đó là một niềm vui lớn và cũng là một cơ hội quý giá. Cuốn sách này được hình thành từ những hành trình tại nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam, nơi tôi tìm đến để lắng nghe, quan sát và ghi lại những mạch nguồn văn hóa bản địa.
Khi ấn bản tiếng Trung do Chibooks thực hiện được Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây (Trung Quốc) mua bản quyền và phát hành tại nước bạn vào tháng 11/2024, tôi rất mừng vì giá trị văn hóa ấy không chỉ được chia sẻ trong nước mà còn đến với bạn đọc quốc tế.
Đặc biệt hơn, khi đứng cùng sân khấu với 2 nhà văn nổi tiếng Trung Quốc là Dương Khắc và Từ Tắc Thần, tôi cảm nhận rõ ràng hơn sứ mệnh kết nối văn hóa giữa các dân tộc qua văn chương.

Nhà văn Đỗ Quang Tuấn Hoàng cùng dịch giả Nguyễn Lệ Chi, đại diện Chibooks, tại Ngày hội đọc sách quốc tế và thư pháp thành phố Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc)
+ Anh thấy độc giả Trung Quốc đón nhận cuốn sách của mình như thế nào?
Trong quá trình tiếp xúc với các đồng nghiệp và độc giả Trung Quốc, tôi thấy họ đặc biệt quan tâm đến những bài mà tôi viết về các dân tộc ở Việt Nam giáp biên giới với tỉnh Quảng Tây như: Chuyện ngựa và người (về chợ ngựa của người Mông ở Lào Cai), Ba trăm năm giòn vang tiếng búa (về làng rèn của người Nùng An ở Cao Bằng), Lên Mẫu Sơn uống trà Shan tuyết (về vùng trà và văn hóa trà của người Dao, người Tày ở Lạng Sơn)…
Điều này là dễ hiểu vì người ta sẽ quan tâm đến những gì ở gần người ta nhất.
Trước hết là về địa lý, núi liền núi, sông liền sông. Thứ hai, tỉnh Quảng Tây có 34 dân tộc, là địa phương có đông thành phần dân tộc nhất ở Trung Quốc. Phong tục, tập quán có nhiều điểm tương đồng nên họ quan tâm tìm hiểu kỹ càng. Điều ấy càng thôi thúc tôi nghiên cứu những đề tài xuyên biên giới về lĩnh vực nhân học.
Họ cũng rất quan tâm đến việc nếu người ở Quảng Tây sang các tỉnh biên giới của Việt Nam du lịch, làm ăn và ngược lại, thì có dễ dàng hòa nhập không? Có thể thấy, việc tăng cường nghiên cứu, hiểu biết lẫn nhau giữa các tộc người, các quốc gia là vô cùng quan trọng.
+ Cuốn sách "Vắt qua những ngàn mây" được đánh giá là một tác phẩm du ký giàu cảm xúc nhưng cũng đầy chất khảo cứu. Đâu là điểm khác biệt anh muốn hướng đến?
Tôi không chỉ đi để ngắm cảnh hay ghi lại cảm xúc cá nhân. Tôi đi để gặp gỡ, để tìm hiểu, để lắng nghe. Ở mỗi vùng đất, tôi đều tìm đến những con người đang gìn giữ tri thức, từ đó hiểu thêm về bản sắc văn hóa nơi đó.
Tôi muốn bạn đọc khi đọc sách của mình không chỉ nhìn thấy thiên nhiên đẹp đẽ mà còn cảm nhận được sức sống văn hóa bền bỉ của cộng đồng dân cư. Cuốn sách là nhật ký hành trình nhưng cũng là bản đồ cảm xúc và kho lưu trữ văn hóa của tôi dành cho quê hương.

Bìa sách “Vắt qua những ngàn mây” bản tiếng Trung
+ Trong buổi giao lưu, anh đã giới thiệu tác phẩm "Hương rừng Cà Mau" của nhà văn Sơn Nam tới bạn đọc Trung Quốc. Vì sao anh chọn cuốn sách này?
Sơn Nam là một tượng đài trong dòng văn học Nam Bộ. "Hương rừng Cà Mau" không chỉ là những câu chuyện đặc sắc mà còn là một "lối vào" để hiểu về văn hóa miệt vườn, văn hóa sông nước của miền Tây Nam Bộ Việt Nam.
Điều tôi yêu thích nhất là cách ông kết hợp nhuần nhuyễn lối viết "trong văn chương có khảo cứu, trong khảo cứu có văn chương", viết mà như ghi chép lịch sử sống, kể mà như dẫn dắt người đọc đi sâu vào tầng văn hóa dân gian. Tôi nghĩ bạn đọc Trung Quốc, với sự quan tâm tới văn hóa Việt, sẽ tìm được nhiều giá trị từ tập truyện ấy.
Cần đam mê, kỳ công để khai thác được "vàng" từ sách
+ Anh từng nói có thể đi nhiều lần nhưng không có gì đọng lại thì cũng coi như chưa đi. Với anh, điều gì tạo nên một chuyến đi "đúng nghĩa"?
Một chuyến đi "đúng nghĩa" với tôi là khi nó để lại được chi tiết, nhân vật hoặc cảm xúc đủ sâu để mình viết ra và người khác đọc vào cũng thấy được điều gì đó. Tôi đã từng đến một nơi vài lần mà không viết được gì cả, nhưng đến lần thứ ba hoặc thứ tư, bất chợt có một khoảnh khắc hiện lên khiến tôi "bắt được vàng".
Lúc ấy, viết đến như một lẽ tự nhiên. Mỗi vùng đất đều có điều đặc biệt, quan trọng là ta có đủ tinh tế và kiên nhẫn để chạm vào nó không.
+ Khi giao lưu với độc giả Trung Quốc, anh chia sẻ về sứ mệnh của mình trong nghề văn là "đãi cát tìm vàng" để gìn giữ văn hóa truyền thống. Anh có thể nói rõ hơn về triết lý này?
Tôi quan niệm rằng văn hóa sẽ bị mai một nếu chúng ta không gìn giữ nó như một tài sản quý giá, nhưng nếu quá chạy theo cơ chế thị trường, biến nó thành công cụ kiếm tiền vô cảm, thì nó cũng sẽ bị hủy diệt.
Vì vậy, việc "đãi cát tìm vàng" nghĩa là đi sâu vào những điều tưởng chừng nhỏ bé, âm thầm nhưng có giá trị lâu dài, như tiếng khèn người Mông, tri thức canh tác của người Dao, hay sự thích nghi của người Chăm ở miền nắng gió…
Những con người ấy, với tình yêu và trách nhiệm, đã làm nên những di sản sống động. Tôi muốn viết ra, ghi lại và truyền đi tinh thần ấy.
+ Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ yêu sách và muốn theo nghề viết? Điều gì theo anh là quan trọng nhất trong hành trình đọc - viết?
Tôi vẫn thường nói rằng đọc sách là một thú vui ít tốn kém mà lợi ích rất nhiều. Nhưng cũng giống như khai khoáng, cần bền bỉ, đam mê, kiên nhẫn và kỳ công thì mới khai thác được những "vảy vàng" trong những trang sách.
Có thể đó là chi tiết đắt giá của nhân vật giúp bạn khai mở trí tuệ, thay đổi cuộc đời; đó có thể là một cách làm ăn hay để bạn học theo mà phát triển kinh tế; có khi chỉ đơn giản là sự ngân nga đầy chất thơ của câu chữ... Tóm lại, chúng ta có thể tìm được rất nhiều niềm vui và lợi ích từ việc đọc sách, miễn là phải xem đó là món ăn hằng ngày.
Nhà văn Đỗ Quang Tuấn Hoàng sinh năm 1979 tại Ứng Hòa, Hà Nội. Cuốn du ký "Vắt qua những ngàn mây" của anh được Chibooks và NXB Văn học phát hành năm 2019, bản tiếng Trung được NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây phát hành năm 2024. Trước đó, anh đã xuất bản nhiều cuốn sách như Theo dấu chân Người tình (2019), Đi bán đam mê - Những câu chuyện khởi nghiệp (2018), Sài Gòn có lá me bay (2017)…
Còn muốn theo nghề viết, bạn cần có phương pháp làm việc khoa học, làm tư liệu tốt, nghiên cứu đa ngành về lĩnh vực mình muốn viết. Tiếp đó phải trải nghiệm thực tế nhiều với tâm hồn rộng mở và sự tò mò chân thành.
Bạn nên luôn có một cuốn sổ, bút ở bên mình để khi nhặt được một chi tiết hay, một câu nói đặc sắc, một ý tưởng lạ... thì có thể ghi ngay lại. Quan trọng nhất vẫn là phải viết mỗi ngày, làm việc khoa học chứ đừng chờ cảm hứng.
Không có cách nào khác ngoài cách thẩm thấu cuộc sống - nghiên cứu - viết - sửa chữa... Đó là hành trình vô tận, nhọc nhằn nhưng đầy niềm vui.
+ Xin cảm ơn anh!