Tôi phụng dưỡng cha mẹ nhưng em gái nuôi lại được thừa kế nhiều hơn
Là con trai trưởng, tôi sống cùng và phụng dưỡng cha mẹ già suốt nhiều năm, thế nhưng cuối cùng phần thừa kế tôi được hưởng lại ít hơn em gái nuôi.
Năm nay tôi 47 tuổi. Sau khi mẹ mất 3 năm trước, vợ chồng tôi tiếp tục thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng cha già U80. Càng có tuổi, cha tôi càng khó tính và đối xử khắc nghiệt với con cháu hơn.
Cha tôi là mẫu đàn ông độc đoán, chỉ làm theo ý mình, không chấp nhận bất cứ điều gì trái ý và luôn nói rằng phận làm con trai thì phải báo hiếu, phải chăm sóc mà không được có suy nghĩ kể công. Bất kỳ lúc nào có điều gì không vừa lòng, cha lại gọi điện mách với em gái tôi, mặc dù em chỉ là con nuôi và không trực tiếp chăm sóc.

(Ảnh minh họa: OldCare)
Thời trẻ do sức khỏe không tốt, cha mẹ chỉ sinh một mình tôi rồi nhận nuôi thêm em ấy, khi đó mới 5 tuổi. Lớn lên cùng nhau, chúng tôi thân thiết, yêu thương như mọi cặp anh em khác, bố mẹ không hề có sự phân biệt con đẻ hay con nuôi. Tuy nhiên, khi chúng tôi lớn lên, cha mẹ lại trở nên thiên vị em gái một cách rõ rệt.
Sau khi em gái lập gia đình, tôi nhận nhiệm vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Là con trai trưởng, tôi hiểu mình có nghĩa vụ này, chưa từng nghĩ đến chuyện đùn đẩy hay tỵ nạnh. Bao nhiêu năm, cha mẹ từ khỏe mạnh đến già yếu, rồi mẹ qua đời, cha ngày càng mắc nhiều bệnh và trở nên cáu gắt, khó chịu, tôi và vợ luôn tận tâm báo hiếu, lo mọi việc lớn nhỏ. Cha ốm, tôi đưa đi bệnh viện, lo từng bữa ăn, từng viên thuốc. Em gái sống với nhà chồng ở xa, mỗi năm chỉ về vài lần dịp lễ Tết.
Về tiền bạc, chi phí chăm sóc cha chiếm phần không nhỏ trong thu nhập của vợ chồng tôi; mặc dù cha có lãi tiết kiệm và lương hưu nhưng tôi chưa bao giờ hỏi đến. Vợ tôi cũng hiểu báo hiếu là bổn phận nên không bao giờ oán thán nửa lời.
Đầu năm nay, cha làm di chúc, trong đó có nội dung phân chia thừa kế để chuẩn bị cho ngày ông không còn trên cõi đời này nữa. Theo đó, gia đình tôi được nhận căn nhà đang ở rộng 60m² trong ngõ nhỏ nội thành; còn em gái nuôi được mảnh đất rộng 200m² ở quê và phần lớn tiền tiết kiệm của cha.
Tôi bần thần nhiều ngày. Tôi không giận em gái mình. Chúng tôi có mối quan hệ hòa thuận, em vẫn thỉnh thoảng gửi quà cho cả nhà và quan tâm đến 2 đứa con của tôi. Tôi cũng biết căn nhà này cũng đáng quý. Tôi tự nhủ cha chia như vậy có lẽ vì trong lòng ông, tôi là anh, là con trai nên mạnh mẽ vững chãi, không đòi hỏi gì. Tuy nhiên, có lẽ ông quên mất rằng người mạnh mẽ cũng có lúc mệt mỏi và cần được ghi nhận xứng đáng hơn, nên trong lòng rất buồn.
Tôi hiểu rằng báo hiếu cha mẹ là tự nguyện, không được oán than, kể công. Người Việt có truyền thống con trai gánh vác gia đình, nhận trách nhiệm với dòng họ, nhưng cũng vì thế mà con trai trưởng sẽ có quyền lợi nhiều hơn trong việc chia thừa kế. Con gái đi lấy chồng phải lo việc nhà chồng, hưởng lộc nhà chồng là chính.
Có lẽ cha tôi thương con gái út thiệt thòi vì phải làm con nuôi từ nhỏ, hoặc có lẽ trong quá trình sống chung, nhiều lần tôi làm mất lòng ông. Người ta nói "xa thơm, gần thối" trong trường hợp này có lẽ không sai.
Em gái cũng thấy ngại khi biết cha di chúc cho mình thừa kế phần tài sản lớn hơn và ngỏ ý sẵn sàng cho tôi một phần tiền tiết kiệm; khoản tiền sau khi bán đất cũng sẽ chia cho các cháu một ít. Tôi lập tức từ chối. Nhà tôi không quá khá giả nhưng đủ tài chính để sống thoải mái. Tôi không muốn em cảm thấy có lỗi, chưa kể em có đến 3 đứa con đều còn nhỏ hơn con tôi. Vấn đề ở đây không phải là tiền, tôi chỉ thấy chạnh lòng thôi.
Tôi vẫn chăm sóc cha chu đáo nhưng trong lòng không thấy thoải mái như xưa. Có phải lòng tôi hẹp hòi không? Mong các anh chị cho tôi lời khuyên để thoát khỏi tâm lý tiêu cực này.