Tôi yêu… loa phường!

Tuần đầu cách ly xã hội, 'loa phường' giúp tôi thấm thêm nhiều…

Cách đây khoảng hai chục năm, tôi đã nghe một số anh em lái xe và hướng dẫn viên du lịch nói rằng du khách nước ngoài rất dị ứng với loa truyền thanh ở Lào Cai. Trên một số tạp chí du lịch xuất bản ở nước ngoài (ngày đó internet chưa phổ biến), “khách Tây” đánh giá điểm du lịch Sa Pa, Bắc Hà… rất đẹp, nguyên sơ, hấp dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, địa chỉ ăn, chơi, ngủ, nghỉ và thường kèm thêm khuyến cáo “điểm trừ” lớn là hệ thống “loa phường” gây ồn ào, rất phiền toái. Thậm chí ngày đông tháng giá, mới 5 giờ sáng họ đã “được” gọi dậy bởi “loa phường”.

Từ đó, tôi thường cóp nhặt những thông tin liên quan đến “loa phường”.

Không ít lần công tác Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác, tôi thường được nghe tiếng ọ ẹ phát ra từ hệ thống “loa phường” giữa dòng người xe hối hả ngược xuôi với đủ thứ âm thanh hỗn độn.

Mỗi dịp về quê, hễ sáng sớm và chiều tà là loa ở làng trên xóm dưới tứ phía oang oang, loạn xạ, cả từ xã bên vọng đến. Nhất là những chương trình do địa phương “tự biên tự diễn”, nơi này giọng nam, nơi kia giọng nữ nhưng giống nhau ở chỗ đọc ngắc ngứ, có người còn ngọng, nghe không “thủng” được bao nhiêu. Tuy nhiên, đến “giờ đài nói”, mọi người vẫn dỏng tai xem có thông báo gì mới không. Không ít người phải đến tận nhà “phát thanh viên” hỏi lại cho rõ, rằng khi nào lấy nước vào đồng, khi nào tiêm chủng, tiêm ở đâu…

Khi internet phổ cập, thế giới phẳng đã thay đổi thói quen của con người, nhất là dân đô thị. Người ta bội thực thông tin từ các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Vậy là tranh cãi: bỏ hay giữ “loa phường”?

Nhiều năm công tác tại địa bàn Lào Cai, tôi đã trực tiếp tác nghiệp trong nhiều sự kiện lớn, như đại hội đảng bộ các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp… và nhận thấy, hệ thống loa truyền thanh cơ sở đã góp phần rất lớn tạo không khí vui tươi, rộn rã của ngày hội.

Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, “loa phường” được dịp “lên ngôi” bởi ưu thế vượt trội so với những phương tiện truyền thông khác. Các hộ ở khu phố nơi gia đình tôi cư trú nhờ có loa phường thông tin liên tục mà từ trẻ nhỏ đến người già, từ cán bộ lãnh đạo cấp sở, ngành của tỉnh, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đến người buôn bán tự do hiểu biết rõ về dịch bệnh. Nhiều người có thể nói vanh vách đường lây nhiễm của virus Corona chủng mới, các biện pháp phòng, chống dịch; cập nhật tình hình dịch nơi này nơi khác, cả trên thế giới, đến các chỉ thị, quy định từ trung ương đến địa phương; việc xác minh những người đã từng đến khám - chữa bệnh, chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua, rồi việc chi trả lương hưu gộp 2 tháng… Tất cả những nội dung này đều được phát trên “loa phường”, mỗi ngày 2 buổi, nhiều thông tin phát lại nhiều lần, “đóng đinh” vào đầu người nghe. Hiệu ứng lan tỏa là cực lớn!

Vì dịch bệnh, những bất cập từ hình thức đến nội dung của “loa phường” như âm thanh to quá mức, địa điểm đặt không hợp lý… đã được bỏ qua. Điều đó chứng tỏ những giá trị riêng có của “loa phường” mà nhịp sống hối hả, tiện nghi thời 4.0 khiến nhiều người quên nó.

Tuy kết quả không ước lượng được bằng những con số, nhưng “loa phường” vẫn mang lại hiệu quả thiết thực đối với công tác lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, giúp người dân nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là với địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Loa phường” vẫn hữu ích nếu được thay đổi để phù hợp với đời sống hiện đại.

Đó là chú trọng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức chuyển tải thông tin, như tăng tính thời sự, tránh thông tin đơn điệu, khô khan, không có tương tác; bố trí cự ly những cụm loa phù hợp, âm lượng vừa phải. Thời lượng và khung giờ “mở máy” nên tương đối ổn định. Cán bộ quản lý, điều hành, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên “cấp phường” cần thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản. Cách viết tin, bài phải ngắn gọn, câu cú mạch lạc; đọc phải rõ ràng, truyền cảm, để “khách Tây” cũng chấp nhận được.

Hãy quan tâm phát huy vai trò, hiệu quả của “loa phường” từ thực tế những ngày cách ly xã hội để xóa đi cảm giác bị “thập diện mai phục” cho người dân.

Tôi yêu “loa phường”!

Phạm Đức

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-de-cung-ban-luan/toi-yeu-loa-phuong-z89n20200414080355913.htm