TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT VỀ VĂN HÓA

Hiện nay, trên mạng xã hội đang tồn tại một video hài dài khoảng 8 phút nói về chuyện người dân tộc thiểu số với người Kinh. Dù mang danh là thể loại hài hước nhưng rất khó cười vì màn kịch vụng về, lối diễn lố, lời thoại tục, hóa trang thô, nội dung phi lô gích và có ý miệt thị, chia rẽ tinh thần đoàn kết giữa dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, kênh YouTube A Hy TV với hơn 700 nghìn lượt người theo dõi mà có gần chục video hài hước có nội dung phản cảm, bôi nhọ, bóp méo truyền thống văn hóa tốt đẹp của một số dân tộc thiểu số, như: “Đi ngắm hoa dã quỳ bắt gái bản về làm vợ và cái kết có 102”, “Anh thô lỗ gặp chị vô duyên”, “Chuyện tình anh Tộc và cô hàng xóm xinh đẹp”... Chỉ sau khi đại diện Ủy ban Dân tộc gửi công văn đề nghị cơ quan chức năng Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý kênh A Hy TV, thì đại diện trang mạng này mới lên tiếng xin lỗi bà con dân tộc thiểu số và công chúng!

Câu chuyện xúc phạm bản sắc văn hóa, miệt thị cộng đồng dân tộc thiểu số không phải bây giờ mới xảy ra. Đầu năm 2018, dư luận bày tỏ phẫn nộ khi một người đã đăng trên facebook của mình những lời dè bỉu màu da, miệt thị sắc tộc, xúc phạm cô gái người dân tộc Ê Đê H’Hen Niê ngay sau khi đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.

 Đồng bào dân tộc Mường (Ngọc Lặc) trong ngày lễ hội. Ảnh minh họa (Nguồn: baothanhhoa.vn)

Đồng bào dân tộc Mường (Ngọc Lặc) trong ngày lễ hội. Ảnh minh họa (Nguồn: baothanhhoa.vn)

Mỗi dân tộc thiểu số là một thành viên bình đẳng trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, vì thế, bất cứ một biểu hiện, hành vi miệt thị nào đối với đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ vi phạm đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta mà còn làm tổn thương lòng tự trọng của đồng bào. Nhận thức chung là vậy, nhưng trên thực tế vẫn có nơi, có một bộ phận người dân trong xã hội một phần do ý thức chủ quan, phần khác do thiếu hiểu biết thấu đáo về phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của đồng bào nên có lúc vẫn thể hiện sự miệt thị một cách vô duyên, vô tâm!

Sự miệt thị dễ thấy nhất là nhái giọng, chêm từ, pha tiếng, giễu cợt lời ăn tiếng nói hằng ngày của bà con người dân tộc thiểu số. Ngạn ngữ có câu “Chửi cha không bằng pha tiếng” như muốn nhắc nhở, cảnh tỉnh mọi người không được phép mang sự khác biệt của văn hóa cư dân bản địa, văn hóa vùng miền để chế nhạo, cạnh khóe hay làm trò cười, vì đây là một hành vi rất thiếu văn hóa, từ đó tạo ra khoảng cách giữa người với người và giữa các dân tộc, thậm chí có thể gây nên những xung đột về văn hóa.

Trong văn hóa ứng xử, người ta hay nói đến sự khoan dung. Ở nghĩa sâu sắc nhất, khoan dung nghĩa là chấp nhận sự đa dạng, khác biệt để cùng chung sống trong hòa bình, chia sẻ, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, phát triển. Cách đây 25 năm, UNESCO đã lấy ngày 16-11 hằng năm là Ngày Quốc tế Khoan dung, với sự tham gia của 185 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Theo đó, các quốc gia cam kết “Tôn trọng, chấp nhận và hiểu đúng sự đa dạng, phong phú các nền văn hóa của thế giới, những hình thức tự biểu hiện và những khả năng thể hiện cá tính của con người”. UNESCO cũng khuyến nghị, các quốc gia, các dân tộc cần công nhận một thực tế là con người khác nhau về hình dáng bên ngoài, địa vị, lời nói, cách ứng xử và các giá trị, song đều có quyền được sống trong hòa bình và duy trì cá tính của riêng mình.

Vì vậy, tôn trọng lời ăn tiếng nói, trang phục của đồng bào; trân quý những phong tục, tập quán, nghi thức... đã làm nên tâm hồn, tính cách các dân tộc thiểu số là chúng ta không chỉ tôn vinh văn hóa khoan dung trong cộng đồng mà còn góp phần thực hiện tốt quan điểm của Đảng và Nhà nước ta: “Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”.

BẢO NHƯ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/ton-trong-su-khac-biet-ve-van-hoa-616238