Tôn vinh những nỗ lực của người làm báo

Qua 5 mùa giải được tổ chức, đến nay Giải báo chí Hải Triều của tỉnh Thừa Thiên Huế đã lan tỏa rộng và thu hút nhiều cây bút của các cơ quan báo chí trong cả nước gửi bài dự thi. Đây có thể coi là một nơi tôn vinh hiệu quả đối với những nỗ lực của hội viên, nhà báo, từ đó tạo ra động lực giúp họ có những tác phẩm báo chí thật sự có chất lượng tham gia các giải toàn quốc, Giải Báo chí Quốc gia.

Lãnh đạo tỉnh trao giải thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Nhất năm 2023. Ảnh: Lê Thọ

Lãnh đạo tỉnh trao giải thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Nhất năm 2023. Ảnh: Lê Thọ

Giải báo chí mang dấu ấn địa phương

Từ năm 2019, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chủ trương đưa giải thưởng báo chí của địa phương lên tầm khu vực, các tác phẩm đạt giải xứng đáng là những tác phẩm hay, có sức lan tỏa không chỉ trong tỉnh mà vươn ra phạm vi cả nước. Cuộc tọa đàm khoa học lấy ý kiến đổi tên Giải báo chí tỉnh Thừa Thiên Huế được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 18/9/2019 với sự tham gia của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nhà khoa học, nhà báo lão thành.

Có 13 tên các nhà báo được đưa ra để giới thiệu lấy ý kiến, gồm: Đạm Phương Nữ Sử, Bửu Đình, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Cửu Thạnh, Hải Triều, Trần Thanh Mại, Phạm Bá Nguyên, Thanh Tịnh, Nguyễn Khoa Bội Lan, Tôn Thất Dương Kỵ, Hải Thanh, Thanh Hải, Ngô Duy Đàm. Sau nhiều lượt ý kiến đóng góp tâm huyết, các đại biểu đã đồng thuận lấy tên nhà báo Hải Triều làm tên cho giải thưởng.

Ngày 8/5/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ký quyết định số 1129/QĐ-UBND ban hành điều lệ Giải báo chí Hải Triều, tiếp đó ngày 16/3/2021Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định số 567/QĐ-UBND bổ sung, sửa đổi Điều lệ Giải báo chí Hải Triều nâng tầm giải thưởng, tăng mức tiền thưởng lên so với mặt bằng của các tỉnh, thành trong khu vực; qua 4 mùa Giải, ngày 15/1/2024 Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ký quyết định số 177/QĐ-UBND tiếp tục bổ sung, sửa đổi Điều lệ Giải báo chí Hải Triều. Tính đến nay, qua 5 lần tổ chức, Giải Báo chí Hải Triều ngày càng tăng số lượng tác phẩm, lan tỏa và thu hút nhiều cây bút của các tờ báo lớn trong cả nước tham dự.

Lan tỏa, tạo “sức bật” trong chất lượng

Năm 2024, giải báo chí Hải Triều được tổ chức lần thứ 5 và đã nhận được gần 100 tác phẩm thuộc 4 nhóm, gồm: Truyền hình, báo in - phát thanh, báo điện tử, ảnh - phóng sự ảnh. Qua sơ khảo, ban tổ chức đã chọn được 95 tác phẩm đáp ứng đúng theo điều lệ tham dự giải; ngoài 2 cơ quan báo chí địa phương có số lượng tác phẩm tham gia nhiều (Đài PT-TH và Báo Thừa Thiên Huế), giải năm nay còn quy tụ nhiều tác phẩm từ những nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương, văn phòng thường trú đóng trên địa bàn…

 Các phóng viên tác nghiệp tại sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra các dự án tại Huế. Ảnh: Lê Thọ

Các phóng viên tác nghiệp tại sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra các dự án tại Huế. Ảnh: Lê Thọ

Theo đánh giá của Ban giám khảo, Giải báo chí Hải Triều năm nay tăng về số lượng và chất lượng. Đề tài phong phú, có nhiều góc nhìn báo chí, một số tác phẩm nổi bật, có chất lượng báo chí cao; các tác phẩm báo điện tử và báo hình nổi trội hẳn, do tác giả đầu tư rất kỹ từ việc tìm tòi đề tài, thu thập thông tin cho đến cách thức thể hiện đa ngôn ngữ, đa phương tiện. Vì vậy, việc cạnh tranh của các tác phẩm báo điện tử diễn ra mạnh mẽ hơn. Điểm đáng ghi nhận là có nhiều tác phẩm nêu một số tồn tại, bất cập của địa phương, đưa ra giải pháp để chính quyền tham khảo, xử lý. Nhiều tác phẩm tích cực, nêu được những điểm mạnh, điểm mới của tỉnh, làm nền tảng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; nhiều tác phẩm giới thiệu con người, văn hóa Huế, không chỉ là vẻ đẹp của một vùng đất, mà thông qua đó, quảng bá về du lịch.

Với thể loại báo hình, nhiều tác phẩm được tác giả lựa chọn đề tài độc đáo, luôn mang tính thời sự, tác phẩm được thực hiện rất công phu, một số tác phẩm được tác giả thâm nhập và thực hiện trực tiếp tại hiện trường nên hình ảnh rất sinh động, âm thanh rõ ràng. Đối với thể loại báo in, đây là thể loại mà nhiều tác phẩm dự thi được các tác giả thực hiện nhiều kỳ, nhiều đề tài được tác giả chọn rất hay và thiết thực, đưa ra những vấn đề căn cơ, nhiều góc độ. Nhiều bài viết đã được tác giả đầu tư công sức, thời gian để điều tra, thu thập thông tin, thể hiện tinh thần lao động sáng tạo, tinh thần dấn thân của các nhà báo. Với báo điện tử, đây là thể loại mà nhiều tác phẩm được tác giả thực hiện dưới dạng Longform và E-Magazine được vận dụng tối đa, tạo được sự bổ trợ phong phú cho tác phẩm, hình thức thể hiện hấp dẫn.

Trong số 95 tác phẩm dự giải hợp lệ, trong đó nhiều tác phẩm dài 3 đến 5 kỳ, Ban Giám khảo thống nhất chọn ra 54 tác phẩm vào chung khảo. Các tác phẩm vào vòng chung khảo đều là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung, hình thức thể hiện; có hiệu quả tác động xã hội tốt, có tính phát hiện, phản biện, biểu dương và xây dựng; tác phẩm nhiều kỳ chiếm tỷ lệ cao với những đề tài được đầu tư công phu, bài bản, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan báo chí; thể hiện tinh thần lao động sáng tạo, tinh thần dấn thân của các nhà báo.

Với 54 tác phẩm vào chung khảo, hội đồng chung khảo đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được: 3 giải nhất, 6 giải nhì, 9 giải ba và 17 giải Khuyến khích để trao Giải báo chí Hải Triều lần thứ V – năm 2024. Đây là những tác phẩm nổi trội nhất, có nội dung tư tưởng tốt, có tính phát hiện và tính chiến đấu cao, có sáng tạo trong cách thể hiện, nhất là sử dụng được những công nghệ làm báo trong thời kỳ chuyển đổi số.

Hải Triều, tên thật là Nguyễn Khoa Văn, sinh ngày 1/10/1908 (theo gia phả họ Nguyễn Khoa thì ông sinh ngày 1/6 năm Bính Ngọ, nhằm ngày 21/7/1906) tại làng An Cựu, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên trong một gia đình trí thức. Ông là nhà báo, nhà lý luận phê bình văn học, nhà lý luận tiên phong trong nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Chí Thức

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/ton-vinh-nhung-no-luc-cua-nguoi-lam-bao-142119.html