Tổng Bí thư: Pháp luật không chỉ để trừng trị mà còn để giáo dục, cảm hóa

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, pháp luật không chỉ để trừng trị, mà còn để giáo dục, cảm hóa, bảo vệ và khai mở lối đi cho sự hướng thiện.

Ngày 21-7, VKSND Tối cao tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân (26-7-1960 - 26-7-2025), đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động và Đại hội Thi đua yêu nước ngành KSND lần thứ VII.

Vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

Tham dự Lễ kỷ niệm có: Tổng Bí thư Tô Lâm; ông Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Viện trưởng VKSND Tối cao; ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nguyên Viện trưởng VKSND Tối cao; ông Lê Minh Trí, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao, nguyên Viện trưởng VKSND Tối cao...

Ông Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND Tối cao dự và chủ trì buổi lễ.

 Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho VKSND Tối cao. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho VKSND Tối cao. Ảnh: TTXVN

Tại buổi lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho tập thể VKSND Tối cao.

Nhân dịp này, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm sát” cho các cá nhân có công lao đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành KSND, tuyên dương 9 tập thể điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong công tác.

Trong diễn văn tại buổi lễ, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu rõ trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ Kiểm sát luôn gìn giữ và phát huy những phẩm chất cao quý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Những phẩm chất này là kim chỉ nam, là động lực để ngành KSND không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, luôn xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, góp phần giữ vững kỷ cương, pháp chế, bảo vệ công lý và xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Ghi nhận những đóng góp to lớn trong suốt 65 năm xây dựng và phát triển, ngành KSND đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 3 Huân chương Hồ Chí Minh (các năm 1985, 1990, 2020); Huân chương Sao vàng (năm 2010); Huân chương Độc lập Hạng Nhất (năm 2015); nhiều Danh hiệu Anh hùng Lao động; nhiều Huân chương, Cờ và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

 Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Hoạt động công tố phải đúng pháp luật, đúng người, đúng tội

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận và biểu dương những thành quả to lớn mà ngành KSND đã đạt được trong suốt 65 năm qua.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm sát trong thời gian tới là rất quan trọng, là một trong những trụ cột bảo vệ công lý trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; là một thành tố quan trọng trong xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Để thực hiện tốt sứ mệnh quan trọng của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị công tác của ngành Kiểm sát phải luôn bám sát và phục vụ thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đất nước trong kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc.

Từ việc nhận thức đầy đủ, sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay, Tổng Bí thư chỉ rõ cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành trong sạch, vững mạnh, hiện đại, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả mô hình VKSND 3 cấp sau sắp xếp, tinh gọn.

Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn sâu, đạo đức trong sáng, kỷ luật nghiêm minh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai.

Tổng Bí thư yêu cầu không ngừng đổi mới tư duy, biện pháp công tác để thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

 Các đại biểu chụp hình lưu niệm. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu chụp hình lưu niệm. Ảnh: TTXVN

Trong hoạt động công tố phải bảo đảm đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, chú trọng chống oan sai, bỏ lọt tội phạm...

Hoạt động kiểm sát không chỉ là thực thi pháp luật, mà còn là thực thi công lý với tinh thần nhân văn; pháp luật không chỉ để trừng trị, mà còn để giáo dục, cảm hóa, bảo vệ và khai mở lối đi cho sự hướng thiện.

Mỗi quyết định truy tố, không truy tố, kháng nghị hay kiến nghị... đều liên quan đến số phận của một con người, vì vậy phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng cả lý và tình, bảo đảm công lý được thực thi, người bị xử lý “tâm phục, khẩu phục”, qua đó củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với nền tư pháp đất nước.

Trong kiểm sát hoạt động tư pháp, phải bảo đảm mọi hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng pháp luật; bảo đảm quyền lực tư pháp được kiểm soát chặt chẽ; bảo đảm phòng chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực ngay chính từ các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần tăng cường áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng các biện pháp phi tố tụng (hòa giải, đối thoại, thương lượng, thỏa thuận nhận tội...) nhằm chống lãng phí, giảm thiểu xung đột xã hội, tiết kiệm nguồn lực con người và vật chất, giảm chi phí tố tụng, chi phí xã hội.

Tổng Bí thư lưu ý tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, hiện đại hóa ngành Kiểm sát, hướng tới mô hình Viện kiểm sát điện tử; cắt bỏ thủ tục trung gian, nâng cao hiệu quả xử lý công việc, thời gian xử lý hồ sơ thủ công; tăng tính minh bạch trong quá trình thực thi nhiệm vụ; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong công tác kiểm sát; tiếp tục tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước ngành Kiểm sát...

Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống 65 năm vẻ vang, nêu cao tinh thần đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/tong-bi-thu-phap-luat-khong-chi-de-trung-tri-ma-con-de-giao-duc-cam-hoa-post861510.html