Tông chết người đi bộ, lái xe Phương Trang có phải chịu trách nhiệm?

Theo luật sư, tài xế phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự nếu không chấp hành quy định về điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Rạng sáng 12/7, tài xế Trần Thái H. (40 tuổi, quê Khánh Hòa) điều khiển xe khách Phương Trang di chuyển trên Quốc lộ 1, hướng TP.HCM đi Đồng Nai. Đến trước Bến xe Miền Đông mới (thuộc TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), xe này tông trúng người đàn ông ngoài 50 tuổi đi bộ dọc theo dải phân cách trong làn ôtô.

Cú tông mạnh khiến nạn nhân văng xa hàng chục mét, tử vong tại chỗ. Cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ vụ việc.

Trường hợp này, tài xế H. có thể phải chịu trách nhiệm ra sao?

 Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Công an TP.HCM.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Công an TP.HCM.

Luật sư Hà Kim Tâm - Giám đốc Công ty Luật Onekey

Đây là vụ việc có tính chất phức tạp, nhận được nhiều bình luận thể hiện quan điểm trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng cần tiếp tục củng cố hồ sơ, chứng cứ, xác định yếu tố lỗi của các bên và đưa ra phương án giải quyết phù hợp.

Theo ảnh chụp hiện trường, vụ va chạm xảy ra khi người đi bộ đi ở làn trong cùng bên trái, dọc theo dải phân cách. Trong khi đó, đây là làn đường dành riêng cho ôtô di chuyển với tốc độ cao.

Các Điều 9 và 32 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ. Người đi bộ phải đi trên vỉa hè, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì phải đi bộ sát mép đường. Như vậy, việc người đi bộ di chuyển tại làn dành cho ôtô là vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ.

Đối với lái xe Phương Trang, theo thông tin hiện có, có thể thấy người này đã cho xe di chuyển đúng hướng, đúng làn đường. Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra tai nạn, hệ thống đèn chiếu sáng của ôtô đảm bảo tiêu chuẩn cho việc quan sát chướng ngại vật phía trước.

Bởi vậy, nếu tài xế tập trung, làm chủ tốc độ và chú ý quan sát thì đủ khả năng tránh được việc va chạm với người đi bộ.

Trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục khai thác lời khai của tài xế, làm rõ nhiều vấn đề như việc người này có quan sát thấy người đi bộ trước khi xảy ra tai nạn hay không; khoảng cách giữa phương tiện và nạn nhân ở thời điểm tài xế phát hiện người đi bộ (nếu có) là bao xa; tài xế đã đảm bảo đúng quy định về tốc độ không hay người này đã lựa chọn phương án tối ưu để xử lý nhằm tránh va chạm hay chưa...

Theo Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản.

Như vậy, nếu đủ căn cứ chứng minh anh H. thực hiện không đúng quy tắc giao thông đường bộ như thiếu tập trung, quan sát, không làm chủ tốc độ hay chủ quan, không lựa chọn phương án xử lý tối ưu để tránh tai nạn và đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới chết người, tài xế này có thể bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Ngoài ra, nếu bị truy cứu, tài xế này còn phải bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cho nạn nhân và gia đình theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015.

Tài xế chỉ được miễn trách nhiệm dân sự hoặc hình sự nếu đây được coi là trường hợp bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về bị hại. Việc người đi bộ đi sai làn đường là vi phạm hành chính, không phải yếu tố miễn trách nhiệm đối với tài xế xe khách.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tong-chet-nguoi-di-bo-lai-xe-phuong-trang-co-phai-chiu-trach-nhiem-post1335570.html