Tổng quan các nghiên cứu có liên quan đến hệ thống kiểm soát nội bộ của các tác giả ở Việt Nam
HỒ TUẤN VŨ (Khoa Kế toán - Trường Đại học Duy Tân)
TÓM TẮT:
Hệ thống kiểm soát nội bộ (HTKSNB) có tác động tích cực đến độ tin cậy của thông tin cung cấp và hiệu quả hoạt động của các đơn vị. Bài viết này, tác giả hệ thống hóa, phân tích và đánh giá các nghiên cứu đã được thực hiện có liên quan đến HTKSNB, sự hữu hiệu và các nhân tố tác động đến sự hữu hiệu của HTKSNB ở Việt Nam.
Từ khóa: Hệ thống kiểm soát nội bộ, sự hữu hiệu, nhân tố tác động, Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Xuất phát từ nhu cầu về thông tin tài chính minh bạch từ các đối tượng quan tâm ngày càng gia tăng trong nền kinh tế thị trường, đòi hỏi phải có một nền tảng lý thuyết căn bản về kiểm soát nội bộ (KSNB) hoàn chỉnh để làm cơ sở cho việc quản lý doanh nghiệp ở nước ta. Tháng 1/1994, Chính phủ đã xây dựng ban hành quy chế về kiểm toán độc lập. Tiếp sau đó, vào tháng 7/1994, Chính phủ tiếp tục thành lập bộ máy kiểm toán nhà nước trực thuộc Chính phủ. Vào tháng 10/1997, Bộ Tài chính đã xây dựng và ban hành quy chế kiểm toán nội bộ được áp dụng cho các tổng công ty, tập đoàn và các doanh nghiệp nhà nước.
Các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam cũng được xây dựng và ban hành ngay sau đó. Theo đó, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 400 “Đánh giá rủi ro và KSNB” đã hình thành định nghĩa về HTKSNB. Tháng 12/2012, Bộ Tài chính đã ban hành và chuẩn hóa lại 37 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam theo thông lệ quốc tế ở Thông tư 214. Trong đó, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 315 về “Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị kiểm toán và môi trường của đơn vị”. Trong Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2005 cũng đã xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước thì phải xây dựng, duy trì hoạt động hệ HTKSNB thích hợp và có hiệu quả. Đối với lĩnh vực ngân hàng, từ năm 1998 đến năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác KSNB như: Quyết định số 03/1998/QĐ-NHNN3; Quyết định số 36/2006/QĐ-NHNN, Thông tư số 44/2011/TT-NHNN. Việc nghiên cứu về KSNB ở các trường đại học cũng được rất nhiều tác giả quan tâm, cụ thể: Giáo trình kiểm toán của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (năm 2007), Giáo trình kiểm toán của Nguyễn Quang Quynh (năm 2006), giáo trình kiểm soát nội bộ của Trần Thị Giang Tân (năm 2012). Điều 39, Luật Kế toán 2015 đã đưa ra định nghĩa về HTKSNB và yêu cầu các đơn vị phải thiết lập một HTKSNB hữu hiệu để đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp.
Nhìn chung, ở Việt Nam, các nghiên cứu lý luận về KSNB vẫn chưa được quan tâm đầy đủ, các tác giả vẫn chủ yếu nghiên cứu KSNB như là công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ kiểm toán viên độc lập thực hiện cuộc kiểm toán BCTC. Chức năng KSNB chưa thực sự tách rời hoàn toàn khỏi kiểm toán nội bộ và nó cũng chưa được xem là công cụ hữu hiệu giúp ích cho quá trình quản lý hoạt động của doanh nghiệp.
2. Các nghiên cứu về KSNB tại các đơn vị cụ thể
Đề tài “Xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ với việc tăng cường quản lý tài chính tại Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam” của Ngô Trí Tuệ và cộng sự (2004) tập trung nghiên cứu, thiết kế và vận hành HTKSNB phù hợp với đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp.
Các luận án tiến sĩ nghiên cứu về HTKSNB nhưng không phải trong một doanh nghiệp cụ thể mà phạm vi nghiên cứu rộng hơn trong một ngành, bộ hoặc một tổng công ty. Trong các nghiên cứu này, các tác giả đã lập phiếu khảo sát các đơn vị để đánh giá được thực trạng HTKSNB trong các đơn vị thành viên, tìm ra các điểm giống nhau, khác nhau trong việc thiết kế và vận hành HTKSNB, từ đó đưa ra giải pháp hoàn thiện HTKSNB của toàn đơn vị. Có thể kể đến:
Nghiên cứu của Phạm Bính Ngọ (2011) về “Tổ chức HTKSNB trong các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ Quốc phòng” đã nêu được tổ chức KSNB theo đặc điểm của các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ Quốc phòng, đồng thời đã chỉ ra được kinh nghiệm của các nước quốc tế như: Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, Ba Lan, Hàn Quốc về tổ chức kiểm soát ngân sách trong các đơn vị quân đội. Tác giả cũng nêu rõ một số hạn chế trong KSNB tại các đơn vị như: nhận thức về HTKSNB của một số lãnh đạo chưa đầy đủ, phân cấp quản lý chưa đi đôi với quyền hạn và trách nhiệm, đội ngũ cán bộ có trình độ không đồng đều, hoạt động kiểm soát thiếu sự đồng bộ, hệ thống định mức không đầy đủ. Xác định nguyên nhân của hạn chế về HTKSNB như: cơ sở pháp lý về tổ chức hoạt động của HTKSNB chưa hình thành đồng bộ, trình độ hiểu biết HTKSNB còn hạn chế, công tác chỉ đạo và kiểm tra còn thiếu cụ thể và chưa rõ ràng. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện như: xác định mô hình tổ chức HTKSNB, tạo dựng môi trường kiểm soát khoa học và có hiệu lực, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra tài chính, hoàn thiện hệ thống thông tin và thủ tục kiểm soát. Tuy nhiên, đề tài còn chưa xác định được mối quan hệ giữa các nhân tố ảnh hưởng đến HTKSNB, chưa xây dựng được mô hình các nhân tố tác động đến hay các thang đo để đo lường các yếu tố trong HTKSNB.
Nghiên cứu của Nguyễn Thu Hoài (2011) về “Hoàn thiện HTKSNB trong các doanh nghiệp sản xuất xi măng thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam” đề cập tới HTKSNB trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời chỉ ra đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp sản xuất xi măng thuộc Tổng công ty Xi măng, trên cơ sở đó đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện HTKSNB như: ứng dụng hệ thống ERP, hoàn thiện hệ thống đánh giá rủi ro, tăng cường môi trường kiểm soát, hệ thống kế toán và thủ tục kiểm soát. Hạn chế của đề tài này là chưa nghiên cứu HTKSNB trong toàn ngành, chưa đánh giá được HTKSNB trên quan điểm định lượng để đề xuất các biện pháp hoàn thiện.
Nghiên cứu của Bùi Thị Minh Hải (2012) về “Hoàn thiện HTKSNB trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam” đã khái quát được lý luận chung về HTKSNB và tìm hiểu được một số kinh nghiệm của các nước quốc tế về tổ chức HTKSNB trong các doanh nghiệp may mặc. Ở phần thực trạng đã đánh giá được thực trạng HTKSNB trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam, lập được mẫu bảng câu hỏi điều tra các doanh nghiệp. Ở phần giải pháp đưa ra được sự cần thiết và các giải pháp hoàn thiện HTKSNB tại đơn vị. Tuy nhiên, trong phần lý luận chưa phân biệt được kiểm soát, KSNB, HTKSNB, chưa nghiên cứu rõ HTKSNB trên quan điểm hiện đại.
Nghiên cứu của Nguyễn Thị Lan Anh (2013) về “Hoàn thiện HTKSNB tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam” phân tích được thực trạng tổ chức HTKSNB của các tập đoàn kinh tế trên thế giới, như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; để xem kinh nghiệm tổ chức HTKSNB tại các tập đoàn kinh tế và áp dụng tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Đồng thời xây dựng được các nhóm giải pháp cụ thể như: (1) Hoàn thiện các yếu tố cấu thành HTKSNB gồm: môi trường kiểm soát, hệ thống thông tin, thủ tục kiểm soát; (2) Hoàn thiện quy chế quản lý người đại diện để kiểm soát người đại diện; (3) Hoàn thiện kiểm soát vốn tại tập đoàn: cơ chế giám sát, năng lực quản trị điều hành, cơ cấu vốn, minh bạch về tài chính, xây dựng phương án tài chính theo chủ trương tái cấu trúc tập đoàn; (4) Một số giải pháp tăng cường KSNB theo chủ trương tái cấu trúc tập đoàn như: kiểm soát việc đầu tư sâu vào ngành nghề kinh doanh chính; kiểm soát đầu tư vào sản phẩm mới; kiểm soát xây dựng kế hoạch phát triển thị trường; kiểm soát quá trình sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp; kiểm soát triển khai ứng dụng, đầu tư đổi mới công nghệ; kiểm soát cạnh tranh nội bộ.
Hà Xuân Thạch & Nguyễn Thị Mai Sang (2016) trong nghiên cứu về “Xác định ảnh hưởng của các thành phần trong HTKSNB tới chất lượng kiểm soát rủi ro trong các công ty xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh” đã xây dựng một mô hình tác động như sau:
Hình 1: Mô hình tác động của các nhân tố của KSNB tới chất lượng kiểm soát rủi ro
Nghiên cứu của các tác giả Phan Hùng An (2005), Hoàng Huy Hà (2006); Đinh Phà Minh (2006); Vũ Thúy Ngọc (2006); Nguyễn Đức Thảo và Trần Quốc Đạt (2006); Việt Dũng (2007); Phan Văn Tính (2007); Đào Văn Phúc và Lê Văn Hinh, (2012); Nguyễn Thị Hương Liên (2015) đều chỉ ra rằng HTKSNB trong các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam hiện nay đã có những điểm cải tiến, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế cụ thể như: nhà quản trị chưa thực sự quan tâm đến công tác kiểm soát, nhân lực cho công tác kiểm soát còn mỏng, công tác giám sát chưa đạt hiệu quả,... Đồng thời, các tác giả cũng đã xây dựng các mô hình kiểm soát hiện đại, hữu hiệu đáp ứng nhu cầu hội nhập trong giai đoạn mới như: áp dụng quản lý chất lượng ISO, kiểm soát gắn với quản lý rủi ro,...
Nghiên cứu của Võ Thị Hoàng Nhi và Lê Thị Thanh Huyền (2014) đã chỉ ra được thực trạng của HTKSNB trong các NHTM Việt Nam và đưa ra định hướng hoàn thiện HTKSNB của các NHTM Việt Nam bằng cách hoàn thiện các yếu tố trong mô hình 5 yếu tố tác động của tổ chức COSO.
Nguyễn Anh Phong và Hà Tôn Trung Hạnh (2010), dựa vào nguyên tắc của Basel II, đã chỉ ra có 5 nhóm yếu tố tác động đến hiệu quả của HTKSNB trong các NHTM bao gồm: (1) môi trường kiểm soát và giám sát của Ban lãnh đạo; (2) xác định và đánh giá rủi ro; (3) các hoạt động kiểm soát và phân công phân nhiệm; (4) thông tin và truyền thông; (5) giám sát hoạt động và sửa chữa sai sót.
Hình 2: Mô hình các yếu tố tác động đến hiệu quả của HTKSNB
Nghiên cứu của Nguyễn Tuấn & Đường Nguyễn Hưng (2015) đã đề xuất mô hình các nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động và rủi ro của các NHTM Việt Nam, bao gồm: môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, hoạt động kiểm soát, thông tin và truyền thông, giám sát. Các chỉ số được nhóm tác giả đo lường hiệu quả hoạt động và rủi ro của các NHTM bao gồm ROA và chỉ số Z-Score.
Hình 3: Mô hình tác động của KSNB đến hiệu quả hoạt động và rủi ro của các NHTM Việt Nam
Hồ Tuấn Vũ (2016) cho rằng có 7 nhân tố ảnh hưởng đến sự hữu hiệu của hệ thống KSNB trong các ngân hàng thương mại, bao gồm: môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, các hoạt động kiểm soát, thông tin và truyền thông, giám sát, thể chế chính trị, lợi ích nhóm.
Hình 6: Mô hình các nhân tố tác động đến sự hữu hiệu HTKSNB trong các NHTM Việt Nam
Qua đây, ta có thể hệ thống lại các nghiên cứu trong nước về HTKSNB như sau:
(1) Các nghiên cứu liên quan đến lý luận về KSNB, gồm: Nguyễn Quang Quynh (2006), Trần Thị Giang Tân (2012), Phạm Quang Huy (2014).
(2) Các nghiên cứu KSNB tại các đơn vị cụ thể, gồm: Ngô Trí Tuệ và cộng sự (2004), Phạm Bính Ngọ (2011), Nguyễn Thu Hoài (2011), Bùi Minh Hải (2012), Nguyễn Thị Lan Anh (2013), Hà Xuân Thạch và Nguyễn Thị Mai Sang (2016).
(3) Các nghiên cứu HTKSNB trong các ngân hàng thương mại, gồm: Phan Hùng An (2005), Hoàng Huy Hà (2006), Đinh Phà Minh (2006), Vũ Thúy Ngọc (2006), Nguyễn Đức Thảo và Trần Quốc Đạt (2006), Việt Dũng (2007), Phan Văn Tính (2007), Nguyễn Anh Phong và Hà Tôn Trung Hạnh (2010), Đào Văn Phúc và Lê Văn Hinh (2012), Võ Hoàng Nhu và Lê Thị Thanh Huyền (2014), Nguyễn Thị Hương Liên (2015), Nguyễn Tuấn và Đường Liên Hưng (2015), Hồ Tuấn Vũ (2016).
3. Kết luận
Bài viết đưa ra cái nhìn tổng quan các nghiên cứu về HTKSNB, các yếu tố cấu thành và ảnh hưởng đến sự hữu hiệu của HTKSNB, từ đó giúp cho các nhà nghiên cứu định hình được các hướng nghiên cứu tiếp theo của mình trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Alvin A. Arens & James K. Loebbecke, (2000).
Kiểm toán.
Hà Nội: NXB Thống kê.
Bộ môn Kiểm toán - ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, (2014).
Giáo trình kiểm toán.
NXB Kinh tế.
Bộ Tài chính, (2001).
Quyết định số 143/2001/QĐ-BTC ngày 21/12/2001, Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 400.
Bộ Tài chính, (2012).
Thông tư số 214/2012/TT-BTC ngày 06/12/2012, chuẩn mực kiểm toán số 315.
Bùi Thị Minh Hải, (2012).
Hoàn thiện HTKSNB trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam.
Luận án tiến sĩ kinh tế. Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Dương Xuân Ngọc và Lưu Văn An, (2003).
Thể chế chính trị thế giới đương đại.
Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia.
Đào Văn Phúc & Lê Văn Hinh, (2012). HTKSNB gắn với rủi ro tại các ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay,
Tạp chí Ngân hàng
, số 24, trang 20-26.
Đào Minh Phúc và Lê Văn Hinh, (2012). HTKSNB gắn với quản lý rủi ro tại các NHTM Việt Nam trong giai đoạn hiện nay,
Tạp chí Ngân hàng
, số 24, trang 20-25.
Đinh Phà Minh, (2006). Hoàn thiện hệ thống kiểm tra, kiểm toán nội bộ của các NHTM nhà nước,
Tạp chí Khoa học và Đào tạo ngân hàng
, số 51, trang 17-21.
Hà Xuân Thạch và Nguyễn Thị Mai Trang, (2016).
Nghiên cứu về ảnh hưởng của các nhân tố thuộc HTKSNB đến chất lượng kiểm soát rủi ro trong các công ty xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh.
Hội nghị quốc tế về kế toán và tài chính 2016.
Hoàng Huy Hà, (2006).
Bàn về cơ chế KSNB của các NHTM Việt Nam.
Kỷ yếu hội thảo khoa học Giải pháp phát triển hệ thống giám sát tài chính - ngân hàng hữu hiệu, Ngân hàng Nhà nước.
Hồ Tuấn Vũ, (2016).
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hữu hiệu của HTKSNB trong các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, (2006).
Quyết định số 36/2006/QĐ-NHNN ngày 01/8/2006 về Quy chế kiểm tra, KSNB của TCTD.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, (2006).
Quyết định số 37/2006/QĐ-NHNN ngày 01/8/2006 ban hành Quy chế kiểm toán nội bộ của các TCTD.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, (2011).
Thông tư số 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 quy định về HTKSNB và kiểm toán nội bộ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngô Trí Tuệ, (2004).
Xây dựng HTKSNB với việc tăng cường quản lý tài chính tại Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam.
Đề tài NCKH cấp bộ, Đại học Kinh tế quốc dân.
Ngô Văn Thạo và cộng sự, (2015).
Thực trạng xu hướng và giải pháp phòng, chống Lợi ích nhóm ở nước ta hiện nay,
Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.
Nguyễn Anh Phong & Hà Tôn Trung Hạnh, (2010). Nâng cao hiệu quả hoạt động KSNB của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh,
Tạp chí Phát triển kinh tế
, số 10, trang 41-48.
Nguyễn Anh Tuấn, (2006). Bàn về cơ chế KSNB trong các ngân hàng thương mại,
Tạp chí Phát triển kinh tế,
số 186, tháng 4/2006.
Nguyễn Quang Quynh và Ngô Trí Tuệ, (2014).
Giáo trình Kiểm toán tài chính.
Hà Nội: NXB ĐH Kinh tế quốc dân.
Nguyễn Quang Quynh, (2005).
Lý thuyết kiểm toán
. Hà Nội: NXB Tài chính.
Nguyễn Thị Lan Anh, (2013).
Hoàn thiện HTKSNB tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Luận án tiến sỹ kinh tế. Đại học Kinh tế quốc dân.
Nguyễn Thu Hoài, (2011).
Hoàn thiện HTKSNB trong các doanh nghiệp sản xuất xi măng thuộc Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam.
Luận án tiến sỹ kinh tế. Học viện Tài chính.
Nguyễn Tuấn & Đường Nguyễn Hưng, (2015). Tổng quan lý thuyết về tác động của KSNB đến hiệu quả hoạt động và rủi ro của các ngân hàng thương mại Việt Nam,
Tạp chí Công nghệ ngân hàng
, số 113, trang 50-62.
Phạm Bính Ngọ, (2011).
Tổ chức HTKSNB trong các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ Quốc phòng. Luận án tiến sỹ kinh tế.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Phạm Quang Huy, (2014). Bàn về COSO 2013 và định hướng vận dụng trong việc giám sát quá trình thực thi chiến lược kinh doanh,
Tạp chí Phát triển và hội nhập,
số 15(25), trang 29-33.
Phan Hùng An, (2005). Kiểm tra nội bộ các ngân hàng thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế,
Tạp chí Ngân hàng
, số 3, trang 11-16.
Phan Văn Tính, (2007). Bàn về việc xây dựng hệ thống kiểm tra, KSNB trong ngân hàng thương mại theo yêu cầu mới,
Tạp chí Ngân hàng,
số 8, trang 23-26.
Quốc hội Việt Nam, (2015).
Luật Kế toán Việt Nam số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015.
Trần Thị Giang Tân, (2012).
Kiểm soát nội bộ,
TP. Hồ Chí Minh: NXB Phương Đông.
Võ Thị Hoàn Nhi & Lê Thị Thanh Huyền, (2014). Hoàn thiện HTKSNB của các ngân hàng thương mại Việt Nam theo mô hình COSO,
Tạp chí Ngân hàng
, số 14, trang 22-27.
Victor Z. Bring và Herbert Witt, (2000).
Kiểm toán nội bộ hiện đại, đánh giá các hoạt động và hệ thống kiểm soát.
Hà Nội: NXB Tài chính.
Vũ Thúy Ngọc, (2006). HTKSNB của một ngân hàng thương mại hiện đại,
Tạp chí Ngân hàng
, số 9, trang 29-30.
AN OVERVIEW ON STUDIES DONE BY RESEARCHERS LIVING
IN VIETNAM ON THE INTERNAL CONTROL SYSTEM
• PhD. HO TUAN VU
Faculty of Accounting, Duy Tan University
ABSTRACT:
Internal control system has a positive impact on the reliability of information and the performance of organizations. This article is to systematize, analyze and evaluate studies done by researchers living in Vietnam on the internal control system, the effectiveness of the internal control system and the factors affecting the effectiveness of the internal control system .
Keywords: Internal control system, effectiveness, impact factor, Vietnam.