Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại châu Âu tiệm cận ngưỡng 400.000 người

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Rome, Ý - Ảnh: THX/TTXVN

* EU thông qua biện pháp giải ngân lập tức các quỹ đối phó dịch COVID-19

Theo số liệu tổng hợp của worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 31/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 784.381 ca mắc COVID-19, trong đó có 37.780 ca tử vong.

Số mắc bệnh COVID-19 trên toàn châu Âu tiếp tục tăng với tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại "Lục địa Già" đã lên tới gần 400.000 người, trong đó Ý đứng đầu với số ca nhiễm vượt 100.000 người trong ngày 30/3.

Là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của đại dịch COVID-19 tại châu Âu, Ý ghi nhận tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 lên tới 101.739 người, trong đó số ca tử vong đã tăng lên con số 11.591 ca. Như vậy, hiện Ý chỉ đứng sau Mỹ về số bệnh nhân nhiễm virus nguy hiểm này.

Điều đáng chú ý, cũng trong ngày 31/3, Ý thông báo số bệnh nhân COVID-19 bình phục tăng cao nhất trong 1 ngày, tăng thêm 1.590 ca trong 24 giờ, lên 14.620 ca đến nay.

Tại Lombardy, tâm dịch ở Ý, số ca nhiễm mới bắt đầu có dấu hiệu giảm dần. Cụ thể, trong ngày 30/3, địa phương này ghi nhận ca nhiễm mới là 1.154 ca, trong khi con số của ngày trước đó là 1.592 ca.

Cũng trong ngày 30/3, Bộ Y tế Ý thông báo lệnh phong tỏa trên cả nước được thực hiện từ ngày 10/3 sẽ tiếp tục kéo dài đến ít nhất ngày 12/4, tức thêm 9 ngày so với kế hoạch ban đầu.

Sau Ý, Tây Ban Nha hiện là quốc gia chịu tác động lớn thứ 2 của đại dịch COVID-19 ở châu Âu với số ca nhiễm là hơn 85.000 ca, cao hơn cả Trung Quốc - nơi khởi phát và từng là điểm nóng của đại dịch này. Với 6.549 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, tổng số ca nhiễm tại Tây Ban Nha đã lên tới 85.195 ca. Điều này đồng nghĩa với việc quốc gia châu Âu này đã vượt Trung Quốc về số mắc COVID-19.

Cũng trong 24 giờ này, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 812 ca tử vong, thấp hơn con số tử vong của hai ngày trước đó (838 ca trong ngày 29/3 và 832 ca trong ngày 28/3). Tuy nhiên, dấu hiệu khả quan hơn là số ca nhiễm mới tại Tây Ban Nha đang giảm dần so với con số các ca nhiễm trong ngày 29/3 (8.189 ca) và ngày 28/3 (7.871 ca). Trong ngày 30/3, Chính phủ Tây Ban Nha lần đầu tiên thông qua sắc lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước, trừ các hoạt động kinh tế thiết yếu cho đến ngày 9/4.

Tại Đức, quốc gia chịu tác động của COVID-19 lớn thứ 3 tại châu Âu, ghi nhận tổng cộng 57.298 ca tính đến hết ngày 30/3. So với một tuần trước đó, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 đã tăng gấp 2 lần. Hội đồng Chuyên gia kinh tế Đức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này có thể ở mức âm 2,8% trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, Pháp đã ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong vòng 2 giờ kể từ khi bắt đầu dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này, với 418 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong lên thành 3.024 người.

Theo cập nhật hàng ngày của chính phủ, tính đến nay, đã có 20.946 người ở Pháp nhập viện do mắc COVID-19, trong đó có 5.056 ca đang được chăm sóc tích cực. Đáng chú ý, số liệu tử vong ở Pháp mới chỉ tính đến những ca ở bệnh viện mà chưa kể đến những người tử vong tại gia hoặc trong các viện dưỡng lão.

Với tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 là 15.475 ca, Thụy Sĩ - một trong những điểm đến du lịch thu hút đông đảo du khách của thế giới, có thể tổn thất 6,4 tỉ Franc Thụy Sĩ (6,67 tỉ USD) doanh thu du lịch trong năm 2020. Hiện chính phủ nước này đã công bố gói hỗ trợ kinh tế lên tới 42 triệu Franc Thụy Sĩ trong thời kỳ dịch bệnh.

Trong diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại châu lục này, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố hướng dẫn cho phép việc đi lại tự do của lực lượng lao động lưu động trong lãnh thổ EU là những người hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ đối phó với dịch bệnh hiện nay, để đảm bảo họ có thể đến được nơi làm việc.

Theo đó, những người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cung cấp thực phẩm và các dịch vụ như trông trẻ, chăm sóc người cao tuổi và những nhân viên trong các ngành sản xuất hàng hóa thiết yếu được xác định thuộc nhóm đối tượng nói trên.Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU hiện có 1,5 triệu người sống ở một nước, song làm việc tại một nước khác, mà nhiều người trong số đó đang trực tiếp tham gia cuộc chiến chống đại dịch hiện nay.

Cùng ngày 30/3, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua 2 văn bản luật cho phép giải ngân nhanh chóng các quỹ từ ngân sách của EU để đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19. Với quyết định mới nhất này, châu Âu đã cùng lúc sửa đổi các quy tắc của Quỹ cấu trúc và đầu tư (ESI) và đồng thời cho phép mở rộng phạm vi của Quỹ đoàn kết của EU (FSE).

Sáng kiến đầu tư cho việc đối phó với COVID-19 sẽ cho phép các quốc gia thành viên được tiếp cận số tiền 37 tỉ euro từ các quỹ gắn kết cho mục đích nâng cao năng lực hệ thống y tế cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kích hoạt các chương trình thất nghiệp bán phần và giúp duy trì các dịch vụ thiết yếu. Khoảng 8 tỉ euro trong tổng số tiền trên đến từ khoản tài trợ trước đó nhưng chưa được sử dụng trong năm 2019 của Quỹ cấu trúc và đầu tư.

Biện pháp mới cho phép các quốc gia thành viên có thể chi những khoản chưa sử dụng để giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch thay vì hoàn trả cho ngân sách của EU. Một khoản bổ sung trị giá 29 tỉ euro cũng sẽ được ứng cho các khoản tín dụng đáo hạn trong năm.

Những khoản ngân sách trên được bố trí từ ngày 1/2/2020 và đã sẵn sàng để trang trải các chi phí phát sinh trong mục đích cứu người và bảo vệ công dân. Ngoài ra, các quốc gia thành viên cũng được quyền linh hoạt hơn trong việc chuyển đổi giữa các chương trình thuộc chính sách gắn kết nhằm điều chuyển các nguồn lực trong trường hợp cần thiết.

Hội đồng châu Âu cũng sửa đổi phạm vi áp dụng của Quỹ đoàn kết của EU để bổ sung các trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng, bên cạnh nội dung trước đó về thảm họa tự nhiên. Quyết sách mới sẽ giúp các quốc gia thành viên và các quốc gia trên đường gia nhập đáp ứng nhu cầu tức thời của người dân trong đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, EU đã đình chỉ việc áp dụng quy định về vị trí cất cánh và hạ cánh tại các sân bay của khối này. Đây được xem là một trong những biện pháp khẩn cấp nhằm hỗ trợ các hãng hàng không châu Âu đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Theo quy định trước đó, các hãng hàng không có thể mất vị trí hạ cánh hoặc cất cánh thuận lợi nếu họ hủy các chuyến bay trong thời gian dài. Quy định nêu rõ nếu việc sử dụng các vị trí ưu tiên trên không đạt tới tần suất 80%, các hãng hàng không sẽ bị mất các vị trí này trong năm tiếp theo.

Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 30/3, Hội đồng châu Âu - đại diện cho 27 quốc gia thành viên EU - đã thông báo đình chỉ việc áp dụng quy định trên cho đến ngày 24/10 tới, nhằm "giúp các hãng hàng không đối phó với sự sụt giảm nghiêm trọng trong tần suất giao thông hàng không”.

Cũng giống như tại châu lục khác, hàng không châu Âu đang phải đối mặt với những thiệt hại khổng lồ do dịch COVID-19 gây ra, trong bối cảnh các quốc gia đóng cửa đường biên giới và người dân được yêu cầu ở trong nhà đề phòng dịch bệnh lây lan. Nhiều hãng hàng không đã bắt đầu giảm giờ làm việc cho nhân viên, thậm chí dự kiến thu hẹp nhân sự để cắt giảm chi phí hoạt động.

Đây không phải là lần đầu tiên EU nới lỏng quy định đối với hàng không nội khối. Quyết định đình chỉ áp dụng quy định về vị trí cất cánh và hạ cánh cũng đã từng được đưa ra trong bối cảnh xảy ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2003 và sau khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/236954/tong-so-ca-nhiem-sars-cov-2-tai-chau-au-tiem-can-nguong-400-000-nguoi.html