Tổng thống Trump bảo vệ các tập đoàn công nghệ Mỹ trên mặt trận quốc tế

Từng chỉ trích thung lũng Silicon, nay chính quyền Tổng thống Donald Trump lại trở thành 'lá chắn thép' cho các tập đoàn công nghệ Mỹ trên mặt trận quốc tế. Từ Google đến Meta, các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) đã tận dụng chính sách 'Nước Mỹ trên hết' để ứng phó với các loại thuế và quy định khắt khe từ Canada, EU hay Ấn Độ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo về vấn đề thuế quan, tại Nhà Trắng ngày 27/6/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo về vấn đề thuế quan, tại Nhà Trắng ngày 27/6/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Khi các cuộc tranh chấp thương mại toàn cầu ngày càng căng thẳng, một điều ít người ngờ tới lại đang diễn ra: chính quyền Tổng thống Trump, vốn có những tuyên bố chống lại các công ty công nghệ trong nước, lại đang trở thành "lá chắn thép" bảo vệ lợi ích của họ trên trường quốc tế. Theo tờ Wall Street Journal, bằng cách định vị lợi ích của mình là "Nước Mỹ trên hết", các tập đoàn công nghệ lớn đã khéo léo giành được sự ủng hộ của ông Trump, biến cuộc chiến thương mại thành một công cụ hiệu quả để ngăn chặn các quốc gia áp đặt thuế và quy định mới nhắm vào họ.

Việc chính quyền Trump sử dụng mối đe dọa về thuế quan và quyền tiếp cận nền kinh tế Mỹ để ngăn chặn các quốc gia áp đặt thuế, quy định và thuế quan mới đối với các công ty công nghệ Mỹ và sản phẩm của họ là một chiến lược rõ ràng. Theo những người am hiểu vấn đề, các biện pháp nhắm vào các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ vẫn là điểm mấu chốt trong các cuộc thảo luận với Brazil, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Minh chứng rõ ràng nhất cho sự tập trung này là việc Tổng thống Trump đột ngột chấm dứt các cuộc đàm phán thương mại với Canada vào tháng trước liên quan đến đề xuất đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số của nước này. Canada đã nhanh chóng bãi bỏ thuế trên để cứu vãn các cuộc đàm phán thương mại. Tương tự, vào tháng 3, Ấn Độ cũng đã bãi bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số sau các cuộc đàm phán với Mỹ. Indonesia cũng được cho là đã đưa ra những cam kết tương tự. Người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai khẳng định chính quyền Mỹ cam kết thực hiện lời hứa của Tổng thống Trump về việc "bảo vệ các công ty đổi mới của Mỹ khỏi các hành vi không công bằng ở nước ngoài".

"Nước Mỹ trên hết" hay "Công nghệ trên hết"?

Động thái tập trung bảo vệ các công ty công nghệ của Mỹ ở nước ngoài diễn ra sau chiến dịch kéo dài nhiều năm của các công ty này. Họ cảnh báo rằng những gì họ gọi là "thuế và quy định không công bằng" ở nước ngoài có thể hạn chế số tiền họ có thể đầu tư vào Mỹ. Nu Wexler, chuyên gia tư vấn quan hệ công chúng từng làm việc tại các công ty công nghệ lớn như Meta Platforms và Google, nhận định: "Các công ty đã làm rất tốt việc đưa chương trình nghị sự công nghệ lớn lên thành ưu tiên hàng đầu cho nước Mỹ".

Mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và các giám đốc điều hành công nghệ tuy phức tạp ở trong nước (với các thách thức về chống độc quyền và tác động của thuế quan), nhưng lại trở nên đồng điệu trên phương diện thương mại quốc tế. Nhiều giám đốc điều hành công nghệ, bao gồm cả CEO Meta Mark Zuckerberg và Sundar Pichai của Google, đã đến câu lạc bộ Mar-a-Lago của Tổng thống Trump ở Florida sau khi ông đắc cử lần thứ hai. Những người quen thuộc với cuộc thảo luận cho biết, việc hạn chế những chính sách mà họ cho là có hại ở nước ngoài luôn là chủ đề được thảo luận.

Everett Eissenstat, cựu Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, giải thích cách nhìn nhận của Tổng thống Trump: "Ông Trump coi đây là cách để các quốc gia khác chiếm đoạt doanh thu một cách không công bằng từ các công ty Mỹ". Khi EU áp đặt các khoản tiền phạt lớn đối với Google và các công ty công nghệ khác trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã gọi người phụ trách cạnh tranh của khối này khi đó là "bà trùm thuế thực sự ghét nước Mỹ". Mỹ cũng đã khởi xướng các cuộc điều tra về thuế kỹ thuật số tại các quốc gia như Pháp vào năm 2019, dù nỗ lực này đã bị đình trệ dưới thời chính quyền ông Joe Biden.

Các quốc gia từ lâu đã tìm cách phân bổ nhiều hơn lợi nhuận từ quảng cáo kỹ thuật số và hoạt động trực tuyến của Thung lũng Silicon vào lãnh thổ của mình. Nhiều nước đang tăng cường các quy định để gỡ bỏ thông tin sai lệch, thúc đẩy minh bạch và đảm bảo an toàn cho trẻ vị thành niên trên mạng, cùng với nỗ lực củng cố luật chống độc quyền. Tuy nhiên, Matt Schruers, Giám đốc điều hành của nhóm thương mại Hiệp hội Công nghiệp Máy tính và Truyền thông, cho biết: "Chính phủ Mỹ cuối cùng đã thừa nhận rằng có một đám cháy mà chúng ta phải dập tắt".

Mặc dù được ngành công nghệ hoan nghênh, một số người hoài nghi lại cho rằng chính quyền Mỹ đang đấu tranh cho một ngành công nghiệp vốn đã phát triển mạnh mẽ mà không cần sự hỗ trợ của họ, trong khi bỏ qua các phân khúc khác của nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi thuế quan hơn.

Thậm chí ngay cả khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp thuế 50% lên hàng hóa Brazil, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đã khởi xướng một cuộc điều tra thuế quan đối với Brazil theo một điều khoản của luật thương mại Mỹ nhắm vào "các hành vi thương mại không công bằng". Cuộc điều tra này bao gồm các hoạt động thương mại kỹ thuật số và thanh toán điện tử của Brazil, một động thái mới nhất được ngành công nghệ hoan nghênh.

Vụ việc thuế kỹ thuật số của Canada được coi là một ví dụ điển hình vì nó có thể khuyến khích các quốc gia khác thực hiện các biện pháp tương tự, ước tính gây thiệt hại khoảng 3 tỷ USD cho các công ty công nghệ Mỹ, bao gồm cả phần thuế có hiệu lực hồi tố đến năm 2022. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada vào cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Trump và Thủ tướng Canada Mark Carney đã bất đồng về thuế này. Dù hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận thương mại, Tổng thống Trump đã can thiệp ngay trước thời hạn, thể hiện rõ sự ưu tiên của ông đối với lợi ích của ngành công nghệ.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-trump-bao-ve-cac-tap-doan-cong-nghe-my-tren-mat-tran-quoc-te-20250727185207470.htm