Tổng thống Trump thăm Ấn Độ: Hai tính cách, một cơ hội lớn

Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lần này có thể sẽ không đi theo truyền thống, hướng tới triển vọng hơn là nhấn mạnh thực chất. Tương lai quan hệ Mỹ - Ấn Độ phụ thuộc vào việc giải quyết những bất đồng lớn ra sao.

Poster tại Ấn Độ trước chuyến thăm của Tổng thống Trump. (Nguồn: Live Mint)

Nhấn vào triển vọng hơn thực chất

Ngày 24/2, ông Donald Trump trở thành vị Tổng thống Mỹ thứ 4 liên tiếp tới thăm Ấn Độ. Trong 2 thập kỷ qua, quan hệ Mỹ - Ấn đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu với việc các chính quyền hai nước đặt trọng tâm vào các sáng kiến thực chất nhằm tăng cường hợp tác trong bối cảnh những thay đổi địa chính trị nhanh chóng.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lần này có thể sẽ không đi theo truyền thống và nhấn mạnh vào triển vọng hơn là thực chất. Tương lai quan hệ Mỹ - Ấn sẽ phụ thuộc vào việc hai bên cam kết thúc đẩy giải quyết những bất đồng lớn như thế nào.

Quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn đã tiến triển mạnh. Hai bên đã ký kết một trong những thỏa thuận quân sự mang tính nền tảng và khả thi. Thỏa thuận mới đây nhất là Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản (BECA) được kỳ vọng sẽ sớm trở thành hiện thực. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cũng đã trao cho Ấn Độ quy chế thương mại đặc biệt về công nghệ quốc phòng hiện đại, ngang tầm với các đồng minh truyền thống, và khởi động một cuộc tập trận mới với ba binh chủng, đưa Mỹ trở thành đối tác lớn nhất của Ấn Độ trong các cuộc tập trận quân sự chung.

Tuy nhiên, hai nước đã và đang trải qua con đường chông gai khi nói đến thương mại. Việc ông Trump chú trọng đến tình trạng thâm hụt thương mại đã khiến Ấn Độ trở thành một mục tiêu trong nhiệm kỳ của ông. Mỹ đã tăng thuế đối với thép và nhôm của Ấn Độ, đồng thời chấm dứt những ưu đãi thương mại trong khuôn khổ chương trình Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP). Ấn Độ cũng đã áp dụng các biện pháp bảo hộ: đưa ra những hạn chế về giá đối với các thiết bị y tế, tăng thuế liên tục kể từ năm 2018, đáp trả việc thu hồi GSP bằng cách tăng thuế hơn nữa và công bố các quy định mới về thương mại điện tử.

Tuy vậy, bất chấp những "đòn đánh" về bảo hộ, thương mại hàng hóa song phương đã tăng 5% trong năm 2019, đạt kỷ lục 92 tỷ USD. Đại diện thương mại của cả hai phía, những người đã đàm phán về một thỏa thuận kể từ năm 2018, đã không thể thu hẹp những bất đồng của họ cho dù đôi khi cơ hội đã ở ngay trước mắt, ví dụ khi ông Modi thăm Mỹ hồi tháng 9/2019.

Ý tưởng là quan trọng

Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi là một cơ hội để giải quyết các vấn đề thương mại trước khi chúng vượt khỏi tầm kiểm soát. (Nguồn: AFP)

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo lần này là một cơ hội để giải quyết các vấn đề thương mại trước khi chúng vượt khỏi tầm kiểm soát và làm ảnh hưởng đến quan hệ sâu rộng Mỹ - Ấn. Trước chuyến thăm của ông Trump, hai bên đã nhấn mạnh vào triển vọng, chứ không phải thực chất. Do đó, một tuyên bố về thương mại không còn được mong đợi và cũng sẽ không có sáng kiến quốc phòng mới nào trong chương trình nghị sự.

Về quốc phòng, khi Mỹ và Ấn Độ đặt Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào trọng tâm chiến lược địa chính trị, một cách để tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương là phải tập trung vào việc xây dựng năng lực ở các quốc gia Ấn Độ Dương. Mỹ và Ấn Độ có thể khởi động cuộc tập trận Hợp tác và Huấn luyện Ấn Độ Dương. Trọng tâm của việc hợp tác này sẽ là tăng cường khả năng cho các nước Ấn Độ Dương để đối phó với các vấn đề khu vực như cướp biển, buôn lậu và khủng bố.

Về thương mại, sự bất lực của Mỹ và Ấn Độ để đạt được ngay cả một thỏa thuận nhỏ cũng cho thấy cách thức khuôn khổ hiện nay giải quyết các vấn đề không hiệu quả. Diễn đàn chính sách thương mại đã không được tổ chức kể từ năm 2017. Cả Mỹ và Ấn Độ đã quay sang tập trung vào các thỏa thuận khu vực, chẳng hạn như Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Cuộc đối thoại 2+2 hằng năm, giống như cuộc đối thoại các Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, có thể khuyến khích cả hai đồng bộ hóa các sản phẩm thương mại và kinh tế quan trọng, và tạo không gian chia sẻ quan điểm về các vấn đề thương mại, công nghệ mới nổi và bảo vệ dữ liệu không chỉ ở mức độ song phương mà còn khu vực và toàn cầu. Mỹ và Ấn Độ cần suy nghĩ nhiều hơn về những ý tưởng mới để thúc đẩy mối quan hệ của họ tiến lên phía trước.

"Tình bạn" làm nên chất kết dính

Theo giới phân tích, trước chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Trump tới Ấn Độ, tại thủ phủ Ahmedabad của Gujarat (bang quê hương của ông Modi), các tấm biển lớn với dòng chữ "hai tính cách sôi nổi, một cơ hội trọng yếu" và "hai quốc gia hùng mạnh, một tình bạn vĩ đại" được trưng dọc thành phố. Điều đó cho thấy sự gắn kết giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn cũng như mong muốn từ cả hai phía trước chuyến thăm quan trọng.

Chuyên gia Michael Kugelman tại Trung tâm Wilson, đặt trụ ở ở Washington cho rằng: "Có rất nhiều điều ông Trump và ông Modi có cùng quan điểm và không ngạc nhiên khi những sự hội tụ này chuyển thành sức hấp dẫn nồng ấm giữa họ. Chính trị cá nhân là một phần chủ yếu trong ngoại giao quốc tế ngày nay. Ý tưởng đối thoại kín giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu thường đi từ bí mật tới các cuộc họp thượng đỉnh hào nhoáng và công khai".

Kể từ khi nắm quyền lực chính trị tại đất nước mình, ông Modi (năm 2014) và ông Trump (năm 2017), hai nhà lãnh đạo này đã thường bị đem ra so sánh với nhau. Ông Trump, 73 tuổi, và ông Modi 69 tuổi, cả hai đều thu hút được những đám đông người ủng hộ.

Ông Modi và ông Trump đã tìm cách sử dụng tình bạn của họ để thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai quốc gia, ngay cả khi họ đang phải vật lộn với những căng thẳng về thương mại và quốc phòng. Tuy nhiên, dù chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong phong cách và bản chất, vẫn có một số khác biệt đáng chú ý giữa hai nhân vật này.

Ông Modi là "người trong cuộc", lớn lên trong hàng ngũ của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) sau khi bắt đầu sự nghiệp chính trị còn ông Trump là một thương gia "ngoại đạo" về chính trị. Thế nhưng, rõ ràng, mối liên kết cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo này đã giúp thúc đẩy mối quan hệ đối tác. Cặp lãnh đạo Thủ tướng Modi và Tổng thống Trump có một chất kết dính mạnh mẽ và rõ ràng đã tạo điều kiện cho mối quan hệ song phương phát triển.

Giới phân tích nhận định, hai nhà lãnh đạo sẽ sử dụng chuyến thăm lần này của Tổng thống Trump để xây dựng hình ảnh với cử tri. Nhà ngoại giao kỳ cựu Ấn Độ Surendra Kumar nhận định: "Thành công của chuyến thăm... sẽ tác động tích cực đến chiến dịch tái tranh cử của ông Trump và những cử tri gốc Ấn tại Mỹ. Về phía Ấn Độ, thực tế là việc Thủ tướng Modi thể hiện sự nồng hậu, thân thiện và thân mật với nhân vật quyền lực đến từ nước Mỹ sẽ củng cố cho hình tượng của chính ông với những người ủng hộ ông".

Thu Hiền

(theo Reuters, East Asiaforum)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-trump-tham-an-do-hai-ti-nh-ca-ch-mot-co-hoi-lon-110190.html