Tổng tuyển cử Anh: Trước ngưỡng cửa mới

Cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn lần này có thể đánh dấu sự chuyển giao quyền lực quan trọng giữa hai chính đảng hàng đầu tại nước Anh.

Đương kim Thủ tướng Rishi Sunak (trái) và Lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer. (Nguồn:Independent)

Đương kim Thủ tướng Rishi Sunak (trái) và Lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer. (Nguồn:Independent)

Ngày 4/7, xứ sở sương mù sẽ bước vào kỳ bầu cử toàn quốc đầu tiên trong gần 5 năm qua. Trong thời gian này, London đã chứng kiến hàng loạt thay đổi lớn: Vua Charles III đăng quang, ba đời thủ tướng lên nắm quyền, lèo lái nước Anh qua nhiều biến động, dù đó là Brexit, dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, Israel-Hamas, cạnh tranh Mỹ-Trung và sự nổi lên của hàng loạt thách thức an ninh mới.

Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử lần này có thể đánh dấu một sự thay đổi quan trọng khác: Công đảng đối lập đang đứng trước cơ hội giành lại quyền lực từ đảng Bảo thủ sau 14 năm.

Xác suất nào cho kịch bản này?

Thách thức cho người cũ

Kịch bản Công đảng trở lại là có cơ sở khi nhìn vào những gì nước Anh đang đối mặt. Tờ Financial Times (Anh) nhận định, tăng trưởng kinh tế của nước này kể từ năm 2010 đã tụt lại so với xu hướng của lịch sử từ sau Thế chiến II. Gánh nặng kinh tế đạt kỷ lục trong 80 năm, nợ chính phủ ở mức cao nhất trong 6 thập kỷ qua. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, từ hệ thống y tế, giao thông công cộng tới hệ thống quản lý nước thải có dấu hiệu quá tải, trong khi năng lực quốc phòng lại chưa đáp ứng với sự thay đổi nhanh chóng, phức tạp của tình hình quốc tế.

Bên cạnh đó là nhiều vụ bê bối liên quan đến lãnh đạo đảng Bảo thủ thời gian qua, nổi bật trong đó là cựu Thủ tướng Boris Johnson. Người kế nhiệm ông, bà Liz Truss, cũng chỉ tại nhiệm 45 ngày trước khi phải nhường lại vị trí này cho ông Rishi Sunak. Tuy nhiên, liệu ông Sunak có thể ngồi lại trên chiếc ghế nóng sau ngày 4/7 hay không, vẫn là một điều khó nói. Thất bại nặng nề của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử địa phương đầu tháng Năm là minh chứng rõ nét cho khả năng ấy.

Thế nhưng, sẽ là thiếu khách quan khi phủ nhận những gì ông Sunak đã làm được. Cuối năm 2022, lạm phát ở Anh là 11% - giờ đây, con số này đã tụt xuống mức 2,3%, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây và đúng với điều ông từng cam kết. Song những lời hứa khác của đương kim Thủ tướng Anh như tăng trưởng kinh tế, giảm nợ, cải thiện dịch vụ khám chữa bệnh và ngăn dòng người di cư lại chưa đạt được kết quả như vậy.

Cơ hội cho người mới

Ở chiều ngược lại, cũng theo tờ Financial Times, Công đảng dưới thời ông Keir Starmer hiện đang có lợi thế trở lại lãnh đạo nước Anh. Năm năm trước, dưới thời ông Jeremy Corbyn, một chính trị gia có xu hướng cực tả, kịch bản này được coi là viển vông. Song giờ đây, với sự lãnh đạo của ông Starmer, Công đảng đã dần thoát ra khỏi chủ nghĩa can thiệp lỗi thời và chuyển mình thành một chính đảng lãnh đạo đáng tin cậy, cùng lập trường trung dung hơn.

Ông Starmer và người phụ trách Tài chính đã làm việc miệt mài để hợp tác, lấy lại lòng tin của giới doanh nghiệp và Khu Tài chính London. Cách tiếp cận này ít mang tính “ý thức hệ” hơn so với chính phủ của đảng Bảo thủ và được giới doanh nghiệp hoan nghênh. Công đảng cũng đưa vấn đề khôi phục tăng trưởng vào tâm điểm chương trình nghị sự.

Sự ổn định, tính dễ dự đoán và năng lực mà đảng này hứa hẹn là những điều còn thiếu trong nền quản trị nước Anh nhiều năm qua. Đây là những nhân tố cần thiết để giúp London thu hút đầu tư. Các cam kết cải cách hệ thống quy hoạch và trao nhiều quyền hơn cho các khu vực nhằm tháo gỡ hạn chế đối với tăng trưởng, năng lực xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng là những điều kinh tế Anh đang cần.

Tuy nhiên, bức tranh không phải toàn là màu hồng cho Công đảng. Việc đảng này miễn cưỡng nói về việc xây dựng quan hệ thương mại với EU sẽ “chặn đứng” một con đường khác để thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, nếu cầm quyền, Công đảng sẽ sớm phải đối mặt với bài toán khó về cắt giảm mạnh mẽ chi tiêu công, thay đổi các quy định tài chính hoặc đòn bẩy thuế. Viện Nghiên cứu tài chính có trụ sở tại London (Anh) cảnh báo rằng các cam kết của Công đảng về tăng chi tiêu thực tế dành cho lĩnh vực y tế, giáo dục và quốc phòng sẽ đồng nghĩa với việc cắt giảm các dịch vụ công khác với tổng trị giá 9 tỷ Bảng Anh (11,41 tỷ USD)/năm vào năm 2028.

Thay đổi để tồn tại

Cuối cùng, không khó để thấy xu thế tìm kiếm sự thay đổi tại ở châu Âu đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong bầu cử Quốc hội Pháp ngày 30/6, đảng Mặt trận Quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen đã giành tới 34% số phiếu, theo sau là đảng cánh tả Mặt trận Bình dân Mới với 28%. Liên minh trung dung cầm quyền của đương kim Tổng thống Emmanuel Macron chỉ giành vỏn vẹn 20% số phiếu.

Dường như quyết định tổ chức bầu cử Quốc hội sớm đã không mang lại kết quả như nhà lãnh đạo Pháp tính toán. Quan trọng hơn, việc thay đổi cán cân quyền lực ở một trong những nước “đầu tàu” Liên minh châu Âu (EU) sẽ tác động không nhỏ tới lập trường của khối trong nhiều vấn đề then chốt như xung đột Nga-Ukraine, xung đột Israel-Hamas, quan hệ với Mỹ và Trung Quốc hay các vấn đề an ninh phi truyền thống như chống người di cư bất hợp pháp hay chống biến đổi khí hậu, v.v.

Ông Sunak, với quyết định tổ chức bầu cử toàn quốc sớm hơn gần 6 tháng so với dự kiến, rõ ràng không muốn đi vào “vết xe đổ” của Tổng thống Pháp. Song xét cho cùng, trong bối cảnh Công đảng có ưu thế, câu chuyện “đi hay ở” của đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh giờ sẽ nằm cả ở lá phiếu của gần 4 triệu cử tri xứ sở sương mù.

Ngày 4/7, cử tri Anh sẽ bỏ phiếu lựa chọn 650 nghị sĩ cho Hạ viện trong một vòng duy nhất - ứng viên nào đạt kết quả bỏ phiếu cao nhất sẽ giành chiến thắng, ngay cả khi không đạt quá bán. Đảng nào có đủ số phiếu vượt mức quá bán sẽ được Vua Charles III đề nghị thành lập chính phủ. Nếu không có đảng nào đạt được mức này, Thủ tướng đương nhiệm sẽ tiếp tục nắm quyền đến khi nào các bên đạt được thỏa thuận thành lập liên minh, hoặc thành lập chính phủ thiểu số, hoặc từ chức.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-tuyen-cu-anh-truoc-nguong-cua-moi-277312.html