TP.HCM: Bố trí nguồn vốn để thực hiện hiệu quả đề án xây dựng các huyện thành quận

Qua 3 năm thực hiện (1/1/2021 - 30/6/2023) đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh), bên cạnh những kết quả đạt được ban đầu đã xuất hiện nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, trong đó cần tập trung bố trí nguồn vốn đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của 5 huyện gồm Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn và Cần Giờ.

Theo Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM, qua rà soát số liệu hiện trạng tiêu chuẩn đô thị, tiêu chuẩn đơn vị hành chính của 5 huyện thì cả 5 huyện này đều chưa đủ tiêu chuẩn, tiêu chí để nâng cấp thành quận. Do đó, để đảm bảo điều kiện, cơ sở cho việc “Chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021 - 2030”, UBND Thành phố đã chủ trương và chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện nghiên cứu xây dựng đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030.

Qua 3 năm thực hiện, từng huyện đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia rà soát, thống kê số liệu hiện trạng năm 2020 và cập nhật một số số liệu năm 2021, năm 2022 để cùng sở, ngành, đơn vị tư vấn và địa phương đối chiếu với hệ thống các tiêu chí quy định về phân loại đô thị và phân loại đơn vị hành chính đô thị, phân chia đến tận địa bàn từng xã.

Quá trình thực hiện đề án, UBND TP.HCM đã chủ trì, tổ chức 9 cuộc họp với các sở, ngành và UBND 5 huyện để chỉ đạo, theo dõi tiến độ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đến nay, đề án nhánh “Con người đô thị” do Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố và đề án nhánh “Quản lý nhà nước” do Sở Nội vụ chủ trì đã hoàn thành và được Hội đồng tư vấn nghiệm thu Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ thẩm định, nghiệm thu. Đối với 3/5 đề án nhánh còn lại và 5/5 đề án đầu tư - xây dựng của 5 huyện, đến nay đã hoàn thành các nội dung cơ bản và đang hoàn thiện.

Vào ngày 7/6/2023 vừa qua, Ban cán sự đảng UBND Thành phố đã có Tờ trình số 647-TTr/BCSĐ trình Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về dự thảo đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 – 2023.

Cần bố trí nguồn vốn để thực hiện hiệu quả đề án xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM. Trong ảnh: Tô Ký - trục đường lớn nối huyện Hóc Môn với huyện Củ Chi.

Cần bố trí nguồn vốn để thực hiện hiệu quả đề án xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM. Trong ảnh: Tô Ký - trục đường lớn nối huyện Hóc Môn với huyện Củ Chi.

Theo UBND TP.HCM, việc xây dựng đồng thời các đề án nhánh và đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) của 5 huyện là cách làm mới, chưa có tiền lệ và chưa có các quy định của pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện. Vì vậy, nội dung các đề án nhánh sẽ thiếu tính đồng bộ, có nhiều cách hiểu và yêu cầu chưa thống nhất. Do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, UBND 5 huyện và đơn vị tư vấn.

Trong khi đó, các đề án nhánh và đề án nói trên thực hiện trong bối cảnh Thành phố đang triển khai xây dựng quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Dẫn tới có sự lúng túng ban đầu khi xây dựng các luận chứng khoa học, định hướng chuyển đổi loại đơn vị hành chính đô thị đối với 5 huyện.

Việc đề xuất và triển khai các dự án đầu tư - xây dựng trên địa bàn 5 huyện nhằm cải thiện và đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về phân loại đô thị và loại đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2021 - 2030 dự báo có nhiều khó khăn do nhu cầu vốn lớn, trong khi khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước của Thành phố còn hạn chế.

Mô hình chuyển đổi lên đơn vị hành chính quận đối với 5 huyện là rất khó đạt được giai đoạn từ nay đến năm 2030 do quy định bắt buộc các huyện phải đạt theo tiêu chí của đô thị loại đặc biệt, đồng thời phải có đủ 100% các xã đủ tiêu chí để chuyển đổi sang phường. Hơn nữa, hầu hết các địa phương như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh đang còn diện tích đất nông nghiệp khá nhiều.

Do vậy mô hình thành phố thuộc Thành phố là phương án được lựa chọn của cả 5 huyện. Điều này sẽ đáp ứng mục tiêu chuyển các đơn vị hành chính huyện thành đơn vị hành chính cấp đô thị, nhưng vẫn giữ lại một số khu vực nông nghiệp ngoại thành của đơn vị hành chính mới trực thuộc.

Từ những khó khăn nêu trên, UBND TP.HCM cho rằng cần quy hoạch, bố trí vốn đầu tư để kịp thời triển khai đề án liên quan đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội,... Trước mắt, Thành phố ưu tiên bố trí kinh phí đối với công tác lập quy hoạch phân khu cho các huyện, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể để thuận lợi triển khai, trong đó có khâu chuẩn bị nguồn lực và phân kỳ đầu tư.

Theo ước tính, nhu cầu tổng vốn đầu tư cho 5 huyện giai đoạn 2021 - 2030 là rất lớn, khoảng 242.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ hội thu lại giá trị gia tăng từ đất nếu khai thác tốt, theo ước tính có thể đạt khoảng 528.000 tỷ đồng trên địa bàn 5 huyện trong 10 năm tới. Vì vậy, Thành phố cần ưu tiên đầu tư các dự án, đề án mang tính động lực trước, làm đòn bẩy nhằm phát triển lan tỏa ra các khu vực khác trên địa bàn 5 huyện ngoại thành.

Đồng thời vận dụng cơ chế chính sách khai thác tối đa giá trị gia tăng từ đất trong quá trình đầu tư, phát triển trên địa bàn các huyện, thông qua phương thức điều tiết và nguồn thuế, phí và mô hình điều tiết phù hợp. Thành phố cũng sẽ tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa cấp trên và cấp dưới, gắn với quyền hạn và trách nhiệm; khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Thành Đồng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-bo-tri-nguon-von-de-thuc-hien-hieu-qua-de-an-xay-dung-cac-huyen-thanh-quan-157836.html