TP. HCM: Làm việc theo hình thức dạy trực tuyến, giáo viên được tính chế độ nào?

Sở GD-ĐT TP. HCM vừa có văn bản về việc hướng dẫn chế độ làm việc đối với giáo viên trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 14/10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. HCM vừa có văn bản về việc hướng dẫn chế độ làm việc đối với giáo viên trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 (năm học 2021-2022). Theo đó, chế độ làm việc của giáo viên cùng với các chế độ chính sách khác liên quan, vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT.

Giờ dạy online của cô Lê Thị Khánh Trang, giáo viên bộ môn Sử, Trường THCS Lý Thường Kiệt, quận Bình Tân. Nguồn ảnh: Trang tin điện tử Đảng bộ TP. HCM

Bài liên quan

TP.HCM: Đề xuất cho học sinh 2 trường đầu tiên đi học lại từ ngày 20/10

Không thể để giáo viên nghỉ việc chỉ vì lý do nhà trường “phi giáo dục”, “dối trá”

100% giáo viên, nhân viên ở các cơ sở giáo dục phải được tiêm vaccine Covid-19

Dạy trực tuyến nếu giáo viên không có động lực kết quả sẽ bằng không

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, trong học kỳ I (năm học 2021-2022), Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục cho học sinh phổ thông học trực tuyến. Qua đó, giáo viên thực hiện các công việc như: dạy học, giáo dục học sinh, kiểm tra đánh giá học sinh,… thông qua các công cụ trực tuyến như Internet, truyền hình.

Khi xác định chế độ làm việc của giáo viên, các cơ sở giáo dục cần căn cứ vào tình hình thực tế việc tổ chức dạy học, giáo dục của nhà trường và các hoạt động cụ thể của giáo viên.

Cụ thể, hiệu trưởng các trường cần trao đổi với tổ/nhóm chuyên môn để xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy. Từ đó, xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (trong đó có cả các tiết quy đổi).

Trong đó, số tiết thực dạy là số tiết giáo viên thực hiện trên thời khóa biểu trực tuyến (livestream) cộng với số tiết dạy học trên hệ thống quản lý học tập (LMS) của nhà trường.

Nếu giáo viên được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học qua Internet, truyền hình được dùng chung cho nhiều nhóm/lớp, nhiều cấp học, dạy phụ đạo cho học sinh,… thì hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào điều kiện cụ thể và tính chất công việc, nhằm tính toán, quy đổi thành số tiết dạy phù hợp với giáo viên.

Đồng thời, việc quy đổi tiết dạy học trực tuyến để xác định tổng số tiết dạy của giáo viên phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Trưởng phòng GD-ĐT (đối với cấp mầm non, tiểu học, THCS) hoặc Giám đốc Sở GD-ĐT (đối với cấp THPT) theo quy định.

Trước đó, như báo Nhà báo & Công luận đã đưa tin, không chỉ phụ huynh mà các giáo viên cũng cảm thấy vô cùng áp lực khi dạy và học trực tuyến.

Anh Lý Tuấn Thiện (27 tuổi, giáo viên tại trường trung học phổ thông Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TP. HCM) cho biết, lượng công việc dạy và học hiện nay “gấp đôi” lúc trước.

Trước đây, anh Thiện chỉ hoàn thành những công việc cơ bản của một giáo viên như lên giáo án, đi dạy ở trường,… Nhưng giờ đây, anh phải đảm nhiệm thêm nhiều việc khác như quay video, soạn để cương để học sinh ôn lại sau mỗi buổi học, chuẩn bị chương trình trình chiếu sao cho sinh động, phù hợp với việc học online để thu hút các em.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tp-hcm-lam-viec-theo-hinh-thuc-day-truc-tuyen-giao-vien-duoc-tinh-che-do-nao-post161468.html