TP.HCM lên phương án sắp xếp hơn 1.000 trụ sở sau sáp nhập
Sau quá trình sáp nhập địa giới hành chính, TP.HCM hiện đang triển khai kế hoạch sắp xếp lại hơn 1.000 trụ sở làm việc và cơ sở sự nghiệp nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý, đồng thời tránh lãng phí tài sản công.
Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM diễn ra chiều 24/7, đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho biết, sau sáp nhập địa giới, toàn thành phố hiện có 1.087 trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, đơn vị, bao gồm cả khu vực trước đây thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong giai đoạn đầu của quá trình sắp xếp bộ máy hành chính, các cơ quan, đơn vị sẽ tiếp tục hoạt động tại nhiều địa điểm khác nhau.
Phương án này nhằm bảo đảm tính liên tục trong công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức và người dân trong việc đi lại, sinh hoạt, đồng thời không làm gián đoạn quá trình cung cấp dịch vụ công.
Tại các địa phương được sáp nhập, như Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ, phần lớn các cơ quan chức năng từng làm việc tập trung tại trung tâm hành chính cấp tỉnh. Trong khi đó, TP.HCM từ trước đến nay vận hành theo mô hình trụ sở riêng biệt cho từng đơn vị chuyên môn.

Sau sáp nhập, các cơ quan đầu mối sẽ tập trung hoạt động tại TP.HCM mới. Trong thời gian chuyển tiếp, toàn bộ hệ thống trụ sở hiện có sẽ tiếp tục được sử dụng nhằm bảo đảm hoạt động ổn định và duy trì các dịch vụ công thiết yếu cho người dân.
Riêng các trụ sở tại Trung tâm hành chính của hai tỉnh cũ sẽ được phân bổ cho một số cơ quan chuyên môn để phục vụ công tác xử lý công việc tồn đọng. Khi tổ chức bộ máy hoàn chỉnh và vận hành ổn định, từng đơn vị sẽ trình phương án sắp xếp lại phù hợp.
Ngày 16/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2025/NĐ-CP về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Theo Nghị định này, TP.HCM sẽ tiến hành rà soát tổng thể toàn bộ tài sản hiện có, xác định phần thừa - thiếu so với tiêu chuẩn quy định.
Trên cơ sở đó, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch xử lý tài sản dôi dư theo chỉ đạo tại Công văn số 4520/UBND-KT của UBND TP.HCM, nhằm tránh lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách công.
Việc xử lý tài sản nhà, đất dôi dư sẽ được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên: điều chuyển cho đơn vị còn thiếu, bố trí phục vụ lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa cộng đồng, hoặc thu hồi và giao cho đơn vị chức năng quản lý, khai thác đúng quy định pháp luật.
Việc sắp xếp lại hệ thống trụ sở sau sáp nhập không chỉ là bước đi quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu bộ máy hành chính mà còn là cơ hội để TP.HCM hiện đại hóa hệ thống quản trị công, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng tài sản công và hướng đến nền hành chính tinh gọn, hiệu quả.