TP.HCM: Một số cán bộ mong muốn tiếp tục công tác tại địa phương

Việc sắp xếp địa bàn công tác của cán bộ là bài toán an sinh, cân bằng giữa công việc và gia đình.

Chiều 9-7, Đoàn công tác của Thành ủy, UBND TP.HCM do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được chủ trì đã đi kiểm tra, làm việc với các xã, phường TP.HCM khu vực Bình Dương cũ.

Tại buổi làm việc có lãnh đạo các ngành, 36 phường xã (Bình Dương cũ) và một số công ty có vốn nhà nước.

 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được chủ trì đi kiểm tra, làm việc với các xã, phường TP.HCM khu vực Bình Dương cũ.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được chủ trì đi kiểm tra, làm việc với các xã, phường TP.HCM khu vực Bình Dương cũ.

Đề xuất mở thêm nguyện vọng cho cán bộ về địa phương

Về tổ chức bộ máy chính quyền hai cấp, hiện có 8/14 sở, ngành đã chuyển cán bộ, công chức về TP.HCM làm việc.

 Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch HĐND TP.HCM, phát biểu tại hội nghị.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch HĐND TP.HCM, phát biểu tại hội nghị.

Cụ thể, một đơn vị chuyển toàn bộ về trụ sở chính (Sở Xây dựng); bảy sở, ngành vẫn bố trí một bộ phận tại khu vực Bình Dương để tiếp nhận hồ sơ và phụ trách địa bàn (Sở GD&ĐT, Sở Tư pháp, VP UBND, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ); sáu sở, ngành chưa di chuyển (Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Thanh tra, Sở Ngoại vụ, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao).

Đa phần cán bộ, công chức chấp hành theo phân công. Tuy nhiên, một số cán bộ vẫn có nguyện vọng được công tác tại khu vực Bình Dương do khó khăn về thời gian di chuyển, chưa tìm được chỗ ở, chưa có nhà công vụ.

 Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM, hỏi thăm người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công ở Trụ sở UBND tỉnh Bình Dương cũ.

Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM, hỏi thăm người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công ở Trụ sở UBND tỉnh Bình Dương cũ.

Đặc biệt, những người trong độ tuổi từ 35–45, có con nhỏ, cha mẹ già cần chăm sóc gặp áp lực lớn về tâm lý và cuộc sống cá nhân. Đây không chỉ là vấn đề đi lại mà là bài toán về an sinh, cân bằng giữa công việc và gia đình.

Trong báo cáo cũng đề xuất, cần xem xét mở thêm một đợt đăng ký nguyện vọng được điều động về công tác tại địa phương cho cán bộ, công nhân viên có nhu cầu, nhằm ổn định tư tưởng, giúp đội ngũ yên tâm công tác và tiếp tục đóng góp cho bộ máy nhà nước.

Đáng chú ý, những ngày đầu vận hành Trung tâm phục vụ hành chính công phường xã mới, hệ thống đã bước đầu vận hành ổn định. Từ ngày 1-7 đến sáng ngày 4-7, đã tiếp nhận tổng số gần 18.000 hồ sơ.

Hệ thống dữ liệu còn chưa đồng bộ

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các phường xã đã nêu ra một số thuận lợi, khó khăn sau hơn 1 tuần vận hành chính thức chính quyền 2 cấp.

Các phường xã đều cho biết do đã vận hành thử nghiệm nên khi đi vào vận hành chính thức đã không bỡ ngỡ, bộ máy vận hành tốt. Đặc biệt là Trung tâm phục vụ hành chính công đã vận hành tốt, phục vụ tốt cho người dân đến giải quyết thủ tục hành chính, không để tồn đọng hồ sơ.

 Lãnh đạo các phường xã phát biểu, nêu những thuận lợi và khó khăn sau thời gian vận hành chính thức chính quyền hai cấp.

Lãnh đạo các phường xã phát biểu, nêu những thuận lợi và khó khăn sau thời gian vận hành chính thức chính quyền hai cấp.

Bên cạnh đó, một số phường xã trung tâm ở các huyện, thành phố trước đây được thừa hưởng trụ sở, cơ sở vật chất của chính quyền huyện, thành phố nên khá khang trang, đồng bộ.

Tuy nhiên, trong thời gian đầu vận hành vẫn còn một số khó khăn. Hầu hết các phường, xã đều có một số khó khăn giống nhau: Cơ sở vật chất một số phường xã còn chưa đáp ứng được nhu cầu, cần phải đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Đường truyền đôi khi còn chậm, cổng dịch vụ công quốc gia chưa đồng bộ về hộ tịch, đất đai… dẫn đến việc giải quyết hồ sơ còn chậm.

Bên cạnh đó, chi phí vận hành các dịch vụ cây xanh, các ngày lễ sắp tới, thay đổi tên các khu phố ấp chưa được hướng dẫn cụ thể.

Những vấn đề mà lãnh đạo các phường xã nêu ra đã được các ngành của UBND TP.HCM tiếp thu, trả lời và giải thích rõ ràng.

 Những vấn đề mà lãnh đạo các phường xã nêu ra đã được các ngành của UBND TP.HCM tiếp thu, trả lời và giải thích rõ ràng.

Những vấn đề mà lãnh đạo các phường xã nêu ra đã được các ngành của UBND TP.HCM tiếp thu, trả lời và giải thích rõ ràng.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị toàn thể cán bộ, lãnh đạo các phường xã xác định trách nhiệm của mình, mỗi cán bộ cần quyết tâm phấn đấu xây dựng thành phố, nỗ lực để đạt kết quả tốt được trong sứ mệnh mới.

 Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu kết luận hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu kết luận hội nghị.

“Chúng ta về chung một mái nhà TP.HCM, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, hiện tại hơn. Chính vì vậy, mỗi cán bộ chúng ta xác định trách nhiệm, phải quyết tâm phấn đấu xây dựng thành phố, nỗ lực để đạt kết quả tốt được trong sứ mệnh mới”, ông Được nhấn mạnh.

Ông Được nhấn mạnh thêm: “Chúng ta phải đoàn kết, toàn tâm, toàn lực cho công việc chung, làm hết việc chứ không hết giờ. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Trong bối cảnh mới phải có cách tiếp cận mới, địa bàn rộng nhưng công nghệ sẽ giúp chúng ta quản trị được tốt hơn, trong nguy có cơ”.

Bên cạnh đó, ông Được cũng cho biết qua đi khảo sát, kiểm tra một số phường xã thì thấy cán bộ ở đây chưa rành lắm về xử lý hồ sơ, thủ tục cho người dân. Ông Được đề nghị cần phải tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn để mỗi cán bộ phải hiểu, phải rành công việc của chính mình. Như vậy mới phát huy được vai trò, trách nhiệm và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Theo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp tại khu vực Bình Dương cũ, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh ước tăng 8,3%, cao hơn cùng kỳ năm 2024 (6,02%). Trong đó, khu vực công nghiệp – xây dựng giữ vai trò chủ lực với mức tăng 9,22%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,2%, cùng kỳ năm 2024 tăng 5,63%. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 45.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đã động thổ các khu công nghiệp lớn: Bắc Tân Uyên 1 (chuyên ngành cơ khí), khu Công nghệ thông tin tập trung, Cây Trường và Bàu Bàng mở rộng; Khu Tổ hợp giáo dục - đào tạo (đại học, đào tạo nghề, trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học); đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các khu, cụm công nghiệp mới như Vĩnh Lập, Tân Lập 1, Bình Dương Riverside… Hiện nay, Bình Dương có 29 KCN, 10 cụm CN, tỷ lệ lấp đầy trên 85%.

Ngoài ra, tất cả các công trình giao thông trọng điểm đi qua địa bàn Bình Dương đều được tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư, tổ chức khởi công đúng tiến độ (đường Vành đai 3, Vành đai 4 và cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành).

Trong đó, tuyến Vành đai 4 và tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là những dự án giao thông PPP lớn đầu tiên mà Bình Dương đóng vai trò chủ đầu tư trực tiếp, sử dụng nguồn vốn địa phương và doanh nghiệp PPP; thể hiện sự chủ động và khả năng tự chủ của địa phương trong việc phát triển hạ tầng.

Đáng chú ý, Bình Dương đã hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị Metro số 1 (Thành phố mới Bình Dương– Suối Tiên, TP.HCM), hiện đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị Metro số 2 và tuyến đường sắt Dĩ An – Bàu Bàng.

LÊ ÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-mot-so-can-bo-mong-muon-tiep-tuc-cong-tac-tai-dia-phuong-post859528.html