TP.HCM: Ngành công nghiệp hỗ trợ thiếu vốn, thiếu mặt bằng và cơ chế ưu đãi
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM tổ chức chiều ngày 24.7, ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM (HEPZA), cho biết công nghiệp hỗ trợ tại thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai hoạt động trên tiến trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đại diện HEPZA cho biết, được xác định là một trong những ngành có vai trò then chốt tại TP trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại khu chế xuất (KCX) lâu nay đã đạt được những tiến bộ nhất định. “Trong các KCX, khu công nghiệp (KCN) do HEPZA phụ trách, giai đoạn 2021 đến nay đã có 211 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1.532,75 triệu USD, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng cơ cấu đầu tư sản xuất – kinh doanh tại các khu”, ông Hà thông tin.
Cũng theo ông Hà, cơ cấu các doanh nghiệp này được thể hiện cụ thể gồm 71 dự án CNHT với tổng vốn 216,17 triệu USD thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp trong nước đầu tư 140 dự án CNHT với tổng vốn 1.316,58 triệu USD. Điều này cho thấy khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang đóng vai trò ngày càng rõ nét trong lĩnh vực CNHT.
Các ngành CNHT có mức độ thu hút đầu tư cao gồm cơ khí (43 dự án), điện tử (14 dự án), nhựa – cao su, phần mềm, dệt may phụ trợ, dịch vụ công nghiệp, với tổng vốn đầu tư cao và tiềm năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.

Realtime Robotics với khoảng 50 kỹ sư người Việt, đặt trụ sở tại Khu công nghệ cao TP.HCM, đã tạo nên kỳ tích trong làng công nghệ khi không chỉ nghiên cứu, sản xuất thành công máy bay không người lái (drone) mà còn xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh minh họa. Ảnh: RtR
Tuy nhiên, hiện các DN ngành CNHT đang gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất phù hợp, đặc biệt là cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, thị trường và tiêu chuẩn quốc tế cũng là thách thức lớn, gây trở ngại, hạn chế cho khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về mặt chính sách, ông Hà cho biết hiện vẫn đang thiếu các cơ chế ưu đãi mang tính đặc thù cho doanh nghiệp nội địa hoạt động trong các lĩnh vực kỹ thuật cao, công nghệ lõi.
Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân trong nước, Thành phố và HEPZA đang triển khai các nhóm giải pháp chiến lược. Trong đó có việc quy hoạch và phát triển phân KCN hỗ trợ trong các KCN mới như KCN Phạm Văn Hai. Hiện KCN này đã triển khai xây dựng mô hình nhà xưởng cao tầng, phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một chương trình thí điểm chuyển đổi mô hình 5 KCN – KCX hiện hữu gồm Tân Thuận, Tân Bình, Hiệp Phước, Cát Lái và Bình Chiểu theo hướng công nghiệp công nghệ cao, xanh và thân thiện môi trường, giảm dần các ngành thâm dụng lao động và tài nguyên.
Thêm vào đó, Ban cũng triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW và 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, tập trung đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân và công nghiệp hỗ trợ, nhằm tạo nền tảng pháp lý và động lực phát triển bền vững.
Việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp CNHT cũng được chú trọng. Việc này gồm cơ chế ưu đãi đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi công nghệ, cải thiện môi trường sản xuất, và xem xét gia hạn thời gian hoạt động cho các khu đang chuyển đổi, bảo đảm điều kiện thu hút nhà đầu tư mới.
“Chúng tôi tin rằng, với định hướng chính sách đúng đắn, cùng sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền TP, các sở ngành và cộng đồng doanh nghiệp, ngành CNHT TP.HCM sẽ từng bước khẳng định vị thế – không chỉ là mắt xích sản xuất, mà là động lực nâng tầm năng lực công nghiệp quốc gia”, ông Hà nói.