TP Hồ Chí Minh đề xuất giải pháp xử lý pin thải từ 400.000 xe điện

TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu xây dựng một trung tâm tái chế pin xe điện với công suất khoảng 3.000 tấn/năm, có khả năng thu hồi đến 95% kim loại quý. Kế hoạch này nhằm giải quyết bài toán xử lý pin thải từ đề án chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện, dự kiến triển khai từ năm 2026.

TP Hồ Chí Minh đưa ra giải pháp xử lý pin thải từ 400.000 xe điện.

TP Hồ Chí Minh đưa ra giải pháp xử lý pin thải từ 400.000 xe điện.

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh) đã chia sẻ các giải pháp xử lý pin thải từ 400.000 xe điện sau khi thành phố triển khai đề án chuyển đổi xe xăng sang xe điện vào năm 2026.

Theo đề án, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đề xuất thành phố khuyến khích và đặt mục tiêu xây dựng một trung tâm tái chế pin. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thành phố sẽ xem xét các cơ chế hỗ trợ như cho vay ưu đãi hoặc sử dụng quỹ bảo vệ môi trường để tài trợ cho các dự án đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ông Hải cho biết, trong pin xe điện chứa nhiều kim loại quý như niken, coban, mangan… nên việc thu hồi và tái chế là vô cùng cần thiết. "Công nghệ tái chế pin hiện đã phát triển ở mức cao, khả năng thu hồi lên đến 90 - 95% vật liệu (kim loại quý) trong pin xe điện", ông Hải nhấn mạnh.

Trên thực tế, Việt Nam đã có nhà máy sản xuất pin xe điện đặt tại Hà Tĩnh. Nhà máy này cũng đã ký kết hợp tác với Li-Cycle, một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới về tái chế pin. Nội dung hợp tác bao gồm việc cung ứng, tái chế pin và nghiên cứu đầu tư hệ thống tái chế ngay tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang quan tâm đến các giải pháp kéo dài tuổi thọ pin, hoặc tái sử dụng chúng sau khi hiệu suất giảm để làm hệ thống dự trữ điện cho nhà máy, năng lượng mặt trời.

Đề án chuyển đổi xe của TP Hồ Chí Minh tập trung chủ yếu vào khoảng 400.000 shipper và tài xế xe ôm công nghệ. Theo khảo sát, đây là nhóm có mức phát thải khí nhà kính cao nhất, với quãng đường di chuyển trung bình hằng ngày từ 80 - 120 km, cao gấp 3 - 4 lần so với người dân thông thường.

Dự kiến từ tháng 1/2026, TP Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu áp dụng các chính sách ưu đãi, đồng thời ngừng cấp mới phù hiệu (ngừng ký hợp đồng mới) cho tài xế xe máy xăng tham gia các nền tảng gọi xe công nghệ. Những tài xế đã đăng ký trước thời điểm này vẫn được tiếp tục hoạt động nhưng cần có lộ trình chuyển đổi sang xe điện.

Về mặt khung pháp lý, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định các đơn vị sản xuất pin phải đóng phí tái chế. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp tự xây dựng nhà máy tái chế đạt chuẩn, họ có thể được nợ lại khoản phí này nhưng phải chịu trách nhiệm thu gom và xử lý pin sau sử dụng. Các đơn vị không trực tiếp sản xuất vẫn phải đóng phí môi trường để Nhà nước dùng nguồn này hỗ trợ cho các cơ sở tái chế đạt chuẩn.

Ông Hải kỳ vọng, trong 10 năm tới, TP Hồ Chí Minh sẽ hình thành được trung tâm tái chế pin hiện đại, góp phần giảm thiểu rủi ro ô nhiễm và phát triển môi trường xanh.

Để giảm thiểu rủi ro, Viện cũng đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sớm xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc thu gom, xử lý pin cũ đồng thời áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật ngay từ đầu để đảm bảo quy trình minh bạch và được giám sát chặt chẽ.

Tin, ảnh: Lưu Niệm/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tp-ho-chi-minh-de-xuat-giai-phap-xu-ly-pin-thai-tu-400000-xe-dien-20250725075306846.htm