TP. Hồ Chí Minh: Phát triển kinh tế ban đêm để thu hút khách du lịch

TP. Hồ Chí Minh là một trong số ít các địa phương hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm. Kinh tế đêm đang góp phần làm nên sức sống của các đô thị, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, tăng nguồn thu ngân sách cho thành phố. Vì vậy, thời gian tới TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều giải pháp để khai thác tiềm năng phát triển loại hình kinh tế không khói này.

Phố Bùi Viện, quận 1, điểm du lịch ban đêm nổi tiếng tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Phố Bùi Viện, quận 1, điểm du lịch ban đêm nổi tiếng tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Thực tế trong thời gian qua mô hình phát triển kinh tế ban đêm tại TP. Hồ Chí Minh nhộn nhịp nhất với nhiều hoạt động như phố đi bộ (phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện), phố ẩm thực, chợ đêm ở một số quận, huyện, và sự bùng nổ của hệ thống cửa hàng tiện lợi.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa, hiện nay, phát triển kinh tế ban đêm được xác định là một giải pháp chiến lược để thúc đẩy sự phục hồi cho ngành du lịch sau đại dịch. Xu hướng hiện nay của khách du lịch đang có chiều hướng giảm về tần suất đi du lịch nhưng lại gia tăng thời gian tham gia trong một chương trình du lịch (tour).

Vì thế, ngoài việc phát triển các sản phẩm du lịch cho du khách tham quan, trải nghiệm ban ngày thì địa phương cũng muốn phát triển thêm các sản phẩm, các hoạt động về đêm. Đây cũng là cách để thúc đẩy gia tăng chi tiêu của du khách trong thời gian lưu trú.

Kinh tế ban đêm góp phần phát triển nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chổ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, ông Hòa cũng cũng cho biết, kinh tế ban đêm của TP. Hồ Chí Minh hiện vẫn còn hạn chế và đơn điệu, chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt là chưa phát triển được thương hiệu hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Đây là một trong những lý do khiến doanh thu du lịch và mức chi tiêu của khách du lịch đến một địa phương chưa cao. Du khách, đặc biệt là khách quốc tế cảm thấy thiếu hấp dẫn vì không có nhiều lựa chọn để vui chơi, thư giãn về đêm.

Theo ông Hòa, việc phát triển kinh tế ban đêm TP. Hồ Chí Minh sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết cần có cơ chế, chính sách khác biệt, phù hợp với kinh tế ban đêm để từ đó quản lý đồng bộ, toàn diện. Trong đó, cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm (tập trung quy định về khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên; thời gian, giấy phép, tiêu chuẩn hoạt động...). Tăng cường liên kết phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ.

“Thành phố chủ trương, vận dụng nguồn lực nguồn lực xã hội hóa (lấy thu bù chi, hạn chế sử dụng nguồn ngân sách) thông qua các hoạt động quảng cáo, truyền thông trên các màn hình LED lớn tại các điểm công cộng hoặc phát triển các loại hình dịch vụ đặc trưng, độc đáo để tăng nguồn thu. Đây cũng là “công cụ” để tăng cường tuyên truyền, công tác quản lý, hỗ trợ tích cực cho các lực lượng chuyên trách trong việc quản lý các khu phố, khu vực phát triển kinh tế ban đêm” - ông Hòa thông tin.

TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về hệ thống di sản, di tích phong phú, là cơ sở để hình thành nhiều chương trình du lịch hấp dẫn, đa dạng. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch văn hóa luôn là sản phẩm hấp dẫn đối với du khách. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, có khoảng 56% khách quốc tế chủ yếu tìm hiểu về giá trị văn hóa - lịch sử, trong khi đó khách nội địa tìm hiểu về giá trị văn hóa - lịch sử chiếm khoảng 28%.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-phat-trien-kinh-te-ban-dem-de-thu-hut-khach-du-lich-132414.html