TP Hồ Chí Minh tập trung kiểm soát các nguồn lây nhiễm Covid-19

Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là những ngày gần đây xuất hiện các ca F0 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây.

Công nhân làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 chờ lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch Covid-19.

Công nhân làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 chờ lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch Covid-19.

Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là những ngày gần đây xuất hiện các ca F0 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây.

Thực tế đó đòi hỏi thành phố và các ngành chức năng cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm sớm ngăn chặn đợt dịch này.

Dịch diễn biến phức tạp

Sáng 10-6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, trong 12 giờ qua, thành phố ghi nhận thêm 26 trường hợp nhiễm mới, trong đó, ngoài 13 trường hợp đã được cách ly hoặc nằm trong khu vực phong tỏa đã xác định chuỗi lây nhiễm thì 13 trường hợp còn lại liên quan một chuỗi lây nhiễm vẫn còn đang điều tra dịch tễ. Trong 20 trường hợp nhiễm Covid-19 công bố trưa 9-6 cũng có tám trường hợp vẫn chưa rõ nguồn lây. Ngoài việc phát hiện các ca nhiễm mới khi xét nghiệm mở rộng, nhiều trường hợp mắc Covid-19 được phát hiện khi bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện. Gần đây, một cư dân ngụ ở tầng 9, block A3, chung cư Ehome 3, quận Bình Tân, cảm thấy mệt mỏi, uể oải kéo dài nên đi khám bệnh. Kết quả test nhanh sàng lọc Covid-19 dương tính SARS-CoV-2 chưa rõ nguồn lây. Một số trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng được phát hiện tại các bệnh viện: Trưng Vương, Thống Nhất, huyện Bình Chánh…

Hiện nay, ổ dịch liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng, quận Gò Vấp là nguy hiểm nhất. Ðến thời điểm TP Hồ Chí Minh phát hiện ra chuỗi ca bệnh đã mất 13 đến 14 ngày, nghĩa là vi-rút đã lây qua bốn đến năm chu kỳ. Từ ổ dịch này, xuất hiện các chuỗi nhánh lớn, gồm: Khách sạn Sheraton, quận 1 (với 12 ca); chuỗi cửa hàng cà-phê Trung Nguyên 104 Phổ Quang (với 34 ca); Trường mầm non song ngữ Kid Town (với 26 ca); khu nhà trọ hẻm 80/59/80A Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp (với 22 ca)… Ðáng chú ý, có những trường hợp diện F5 đã trở thành F0 khi có tiếp xúc gần với các ca liên quan nhóm truyền giáo này. Chính vì thế, dù đã cơ bản kiểm soát được các chuỗi lây nhiễm lớn trên địa bàn, nhưng nguy cơ xuất hiện những chuỗi lây nhiễm mới chưa rõ nguồn lây ở thành phố là rất cao.

Ðến nay, TP Hồ Chí Minh đã có sáu ca nhiễm Covid-19 được phát hiện trong các khu chế xuất, khu công nghiệp đóng trên địa bàn thành phố cũng như tại công ty sản xuất có đông công nhân. Ðêm 8-6, lực lượng y tế đã phát hiện nữ công nhân làm việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (đóng tại quận Bình Tân) dương tính với SARS-CoV-2, nơi có gần 60 nghìn công nhân, được xem là doanh nghiệp có đông công nhân nhất thành phố nên công tác truy vết, khoanh vùng, tổ chức cách ly cùng các biện pháp chống dịch cao nhất lập tức được triển khai… Dự báo tình hình dịch bệnh sẽ vẫn phức tạp nên chính quyền thành phố, các đơn vị quản lý và các doanh nghiệp đang tăng cường cao nhất các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động cũng như không để đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa.

Trưa 10-6, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Ðức dẫn đầu đã có buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam sau khi phát hiện ca nhiễm tại đây. Lãnh đạo UBND thành phố đề nghị công ty tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, trước mắt truy tìm hết những đối tượng F1 nhằm không để sót người có nguy cơ lây nhiễm. Ðồng thời yêu cầu ngành y tế thành phố cần hoàn thiện các quy trình phòng, chống dịch Covid-19 trong doanh nghệp và tiếp tục hỗ trợ công ty PouYuen trong công tác truy vết.

Giải pháp cho các kịch bản tiếp theo

Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn thành phố và Chỉ thị 16 đối với quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc, quận 12 đã góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, để kiểm soát, ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, chính quyền thành phố cần có những biện pháp quyết liệt hơn, nhằm "đón đầu", chặt đứt tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh. Theo đó, thành phố đã đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm trong cộng đồng, nhưng có trọng điểm. Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng cho rằng trong cuộc đua chặn đứng các vòng lây nhiễm, chìa khóa mấu chốt là phải nhanh chóng truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần F1, các tiếp xúc gần của F1 là F2 để cách ly, làm xét nghiệm nhanh chóng để có bằng chứng truy vết tiếp tục. Trên thực tế, điều này gặp một số khó khăn khi các F0 khai báo chưa đầy đủ dẫn đến để sót các F1. Từ đó ngành chức năng không thể truy vết kịp các F2 nên để F2 lây tiếp cho người tiếp xúc với mình tạo thành chu kỳ lây nhiễm thứ ba và cứ thế tiếp tục. Các trường hợp lây nhiễm được phát hiện ở chu kỳ lây nhiễm thứ tư, thứ năm chủ yếu là các tiếp xúc tại nơi làm việc, nơi cư trú.

Ðể nhanh hơn vi-rút, chặt đứt các chu kỳ lây nhiễm tiếp theo bên cạnh nỗ lực của hệ thống phòng, chống dịch trong truy vết, ngành y tế cần sự chủ động của chính người dân. Khi nhận biết mình thuộc nhóm nguy cơ đã từng tiếp xúc với F0, F1 tại nơi làm việc, nơi cư trú, hoặc từng tới các địa điểm giám sát đã được công bố thì người dân cần chủ động liên hệ khai báo cho y tế địa phương. HCDC khuyến cáo người dân không nên đợi đến khi có triệu chứng bệnh thì mới khai báo vì có thể bản thân người đó đã kịp lây chuyền vi-rút qua người khác cho một chu kỳ mới. Nếu có nguy cơ tiếp xúc, đến từ khu vực nguy cơ hãy nhanh chóng chủ động và trung thực trong khai báo y tế. Ngoài ra, khi mầm bệnh đã xuất hiện và lây lan trong cộng đồng, người dân càng phải nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K.

Cùng với đẩy nhanh xét nghiệm trong cộng đồng, kêu gọi ý thức người dân, TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu triển khai các giải pháp cho các kịch bản phòng, chống dịch tiếp theo. Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết: Thành phố sẽ chuyển đổi một số công năng trên địa bàn thành cơ sở chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19. Trước mắt, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố và Bệnh viện huyện Củ Chi sẽ được chuyển đổi công năng thành bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 với công suất 900 giường bệnh. Sở Y tế tính đến việc áp dụng mô hình "bệnh viện tách đôi" để điều trị bệnh nhân Covid-19 khi tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp hơn. Ngoài ra, khi mầm bệnh đã lây lan ra cộng đồng, khả năng lây lan trong bệnh viện ngày càng hiện rõ hơn nếu như các đơn vị này thiếu cảnh giác, không thực hiện tốt công tác sàng lọc. Chính vì thế, các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc công tác sàng lọc, phát huy hiệu quả "buồng cấp cứu sàng lọc" kịp thời phát hiện, cách ly kịp thời người bệnh vào cấp cứu dương tính với Covid-19, không để các mầm bệnh xâm nhập vào bên trong. Thực hiện tốt sàng lọc, cấp cứu sàng lọc, bệnh viện sẽ là nơi phát hiện ca mắc mới có nguồn gốc trong cộng đồng để hệ thống dự phòng kịp thời truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có những diễn biến mới, đồng thời để bảo đảm vừa chống dịch an toàn, vừa sản xuất, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị các quận, huyện, sở ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện 789/CÐ-TTg 2021 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế. Trao đổi thống nhất với các tỉnh về vận tải hành khách, hàng hóa, thực hiện giãn cách xã hội nhưng không ngăn sông cấm chợ, không ảnh hưởng kinh doanh, thực hiện cách ly y tế đúng đối tượng. Thành phố cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thay đổi phương thức làm việc, không tiếp khách tại công sở, nhất là nhân rộng mô hình phòng, chống dịch hiệu quả tại các công sở nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn. UBND thành phố yêu cầu cơ quan chức năng hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, tổ chức tập huấn thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho người quản lý đơn vị, người sử dụng lao động và người lao động. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thiết lập phòng cách ly tạm thời để đáp ứng tình huống phát sinh trường hợp có yếu tố nghi ngờ nhiễm Covid-19; lập tổ an toàn Covid-19 để tuyên truyền, triển khai, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch tại các phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất...

MẠNH HẢO và QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tp-ho-chi-minh-tap-trung-kiem-soat-cac-nguon-lay-nhiem-covid-19--650151/