TP Hồ Chí Minh: Ứng phó với dông lốc, gãy đổ cây xanh

Liên tiếp những ngày qua, dông lốc kèm gió giật mạnh đã quét qua các địa bàn thuộc TPHCM, làm nhiều cây xanh bị gãy nhánh, bật gốc, nhiều bảng hiệu quảng cáo, trụ điện và hệ thống cấp nước bị ảnh hưởng. May mắn không có thiệt hại về người, song tình trạng này đặt ra cảnh báo cấp thiết về ứng phó thiên tai đô thị trong mùa mưa.

Nhiều cây xanh ngã đổ

Dông lốc tiếp tục quét qua nhiều khu vực tại TPHCM như Bà Rịa, Vũng Tàu, Tam Thắng, Nhiêu Lộc, Bình Thạnh, Bình Thới… làm cây xanh gãy đổ, bảng hiệu bị gió hất tung. Riêng phường Vũng Tàu và Tam Thắng có khoảng 10 cây bật gốc, gây cản trở giao thông. Một cây sao đen cao 15m trên đường Lê Hồng Phong đổ chắn kín đường, làm vỡ hệ thống cấp nước. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng xử lý hiện trường, khắc phục sự cố.

Một số cây xanh lớn bất ngờ gãy nhánh, rơi cành trên đường Trường Sơn, khu vực Cư xá Bắc Hải, phường Hòa Hưng, TPHCM, ngày 20/7. Ảnh: TTXVN

Một số cây xanh lớn bất ngờ gãy nhánh, rơi cành trên đường Trường Sơn, khu vực Cư xá Bắc Hải, phường Hòa Hưng, TPHCM, ngày 20/7. Ảnh: TTXVN

Trước đó, trong hai ngày 20 và 21/7, mưa lớn kèm dông lốc, gió giật cấp 9 đã xảy ra trên diện rộng tại TPHCM. Trên đường Ông Ích Khiêm (phường Bình Thới), một cây lớn bật gốc ngày 20/7, chỉ vài giây sau khi bị gãy nhánh. Dù thời điểm đó có nhiều phương tiện qua lại, nhưng không có thương vong. Tại phường Nhiêu Lộc (quận Phú Nhuận cũ), cây đổ đè lên ô tô; phường Tân Mỹ (quận 7 cũ) và huyện Bình Chánh cũ cũng ghi nhận nhiều cây ngã đổ, trong đó có trường hợp đè trúng phương tiện. Ở xã Củ Chi, cây đổ lên dây điện khiến một đoạn đường bị phong tỏa do mất điện.

Không chỉ nội đô, các khu vực từng thuộc Bình Dương cũ (nay thuộc TPHCM) như Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, Tân Đông Hiệp, Dĩ An… cũng chịu thiệt hại nặng do mưa dông. Nhiều cây xanh bật gốc, mái tôn, bảng hiệu bị thổi bay; có nơi trụ điện gãy, gây mất điện diện rộng. Theo ông Lê Đình Quyết – Trưởng phòng Dự báo (Đài KTTV Nam Bộ), nguyên nhân là ảnh hưởng gián tiếp của bão số 3 khiến gió Tây Nam mạnh lên, hình thành vùng hội tụ gió. Ghi nhận trưa 20 – 21/7, nhiều nơi ở TPHCM có gió giật tới 23m/s (cấp 9). Dù lượng mưa không lớn, nhưng gió mạnh kết hợp mưa dông khiến nhiều cây không trụ vững, bị đổ ngã.

Hạn chế thiệt hại do dông lốc, mưa lớn

Những ngày qua các cơ quan chức năng TPHCM cũng đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để phòng chống tác động, thiệt hại do dông lốc trong mùa mưa, trong đó có nguy hiểm trực chờ từ cây xanh gãy đổ trên đường phố.

Mùa mưa tại TPHCM thường bắt đầu từ khoảng tháng 5 và kéo dài đến tháng 10, trong đó cao điểm mưa nhiều rơi vào các tháng 7, 8 và 9. Trong thời điểm này, các trận mưa xuất hiện thường xuyên, đi kèm dông lốc và gió giật mạnh như những gì đã ghi nhận trong các ngày 20 và 21/7 vừa qua. Ngoài ra, chưa kể mưa lớn kết hợp tình trạng triều cường hàng tháng cũng gây ra tình trạng kẹt xe và ngập úng thường xuyên tại các khu vực vùng trũng của TPHCM. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết trong mùa mưa, TPHCM đang chủ động triển khai hàng loạt biện pháp ứng phó nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối cho người dân, đặc biệt tại các khu vực dễ tổn thương như vùng ven, nhà tạm và các tuyến giao thông đường thủy.

Theo ông Nguyễn Phước Lộc – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, lãnh đạo thành phố đã làm việc với các đơn vị chức năng để nắm bắt tình hình thiệt hại do mưa lớn, dông lốc xảy ra những ngày qua. Đồng thời, chỉ đạo công tác ứng phó. Theo Đại tá Trần Văn Quyết – Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TPHCM, chỉ trong những ngày qua, mưa dông đã làm tốc mái 49 căn nhà, sập 1 nhà, đổ 73 cây xanh, khiến hư hại nhiều phương tiện. Ngay sau đó, hơn 1.100 cán bộ, chiến sĩ đã được huy động cùng người dân khắc phục hậu quả. Cùng với việc rà soát các điểm xung yếu như bờ bao, đê điều, nhà tạm bợ, các lực lượng chức năng cũng phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ các hộ dân khó khăn, neo đơn. Lực lượng vũ trang TPHCM tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong phương châm “3 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Rút kinh nghiệm từ bão số 3 Yagi năm 2024, hiện nay TPHCM đã chủ động phương án hành động nhanh, chính xác, đồng bộ, đảm bảo an toàn tính mạng người dân là ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, các đơn vị đảm bảo thông tin cảnh báo sớm và trang bị đầy đủ các phương tiện cứu nạn như áo phao, thuốc men, lương thực, nơi tránh trú an toàn cho người dân khi cần thiết. Song song với các biện pháp trên đất liền, công tác kiểm tra an toàn giao thông đường thủy cũng được TPHCM tăng cường. Hiện nay, Cảng vụ Đường thủy nội địa đang phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TPHCM) và Chi cục Đăng kiểm số 6 để tiến hành kiểm tra thực tế tại các bến thủy nội địa, trong đó có tuyến buýt đường sông số 1 và bến phà Cần Giờ – Vũng Tàu.

Ghi nhận tại các bến thủy nội địa, đại diện doanh nghiệp khai thác như Sài Gòn WaterBus và Công ty Quốc Chánh đều khẳng định đã kích hoạt các phương án ứng phó bão, không để tàu thuyền rời bến khi có mưa to gió lớn. Việc trang bị áo phao, hướng dẫn thoát hiểm và tuyên truyền an toàn cho hành khách được thực hiện nghiêm ngặt. Theo ông Trần Thanh Phong – Trưởng phòng Quản lý cảng, bến (Cảng vụ Đường thủy nội địa TPHCM), hiện nay đơn vị đã có văn bản triển khai công tác phòng chống bão, dông lốc đến tất cả các đơn vị, tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn tàu thuyền chở khách, nhất là tại các khu vực ven biển, vùng trũng thấp.

Với tinh thần chủ động, khẩn trương, TPHCM đang kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống thiên tai từ cấp cơ sở đến thành phố.

Lê Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tp-ho-chi-minh-ung-pho-voi-dong-loc-gay-do-cay-xanh-10311119.html