Trách nhiệm của người bán đồ ăn chứa chất kịch độc?

Tuần qua, câu chuyện được nhiều người quan tâm nhất là việc gần 10 người ở các tỉnh bị ngộ độc do sử dụng pate Minh Chay (Cty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới, trụ sở ở huyện Đông Anh, Hà Nội). Sở NN&PTNT Hà Nội vừa có báo cáo về việc kiểm tra, xử lý vi phạm của Cty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới, DN sản xuất pate Minh Chay nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum type B.

Theo báo cáo, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội phối hợp UBND huyện Đông Anh đã kiểm tra tại Cty này và lấy 3 mẫu sản phẩm là ruốc nấm heri, pate Minh Chay và muối vừng Bát Bảo để xét nghiệm. Tại buổi kiểm tra, đoàn liên ngành đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm. UBND huyện Đông Anh đã ban hành quyết định xử phạt hành chính Cty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới số tiền 17,5 triệu đồng.

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Được biết, hơn 7.000 sản phẩm pate Minh Chay đã bán ra thị trường từ ngày 1-7 đến 22-8. Tính đến chiều 1-9, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, Hà Nội, đã tiếp nhận hơn 10 trường hợp từng ăn pate Minh Chay tới khám. Trong số đó có 2 người có dấu hiệu nặng. Đáng bàn, Việt Nam chưa có kinh nghiệm điều trị trước đó, thuốc giải độc hiếm và đắt đỏ, nỗi lo công tác điều trị sẽ gặp khó nếu gặp phải số lượng lớn bệnh nhân. Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, BV Xanh Pôn, Hà Nội, botulinum - chất độc được tìm thấy trong pate Minh Chay, sẽ giết chết một người trưởng thành với liều 0,004 μg/kg.

Luận ra, vì tính chất nghiêm trọng, CQCA đã vào cuộc xác minh, làm rõ vụ việc. Một luật sư cho hay, cùng với quá trình điều trị cho các bệnh nhân thì cơ quan chức năng cũng sẽ xác định nguyên nhân ngộ độc của các nạn nhân là gì. Trong trường hợp, cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy cơ sở kinh doanh có hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng thì sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm" theo Điều 317 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Để xem xét xử lý hình sự đối với các cá nhân đơn vị, tổ chức kinh doanh thực phẩm thì cơ quan tố tụng phải chứng minh cơ sở này có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm và hậu quả gây thiệt hại đến tính mạng hoặc sức khỏe của người tiêu dùng. Theo quy định của pháp luật thì hậu quả được xác định là nghiêm trọng khi xảy ra một trong các tình huống sau đây: Gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50 - 100 triệu đồng. Ngoài ra, hậu quả chết người cũng là hậu quả được xác định là nghiêm trọng.

Có thể thấy, đây không phải vụ ngộ độc thực phẩm thông thường. Hơn 20 người từ các địa phương đã bị đe dọa tính mạng. Có những người sau nhiều ngày điều trị vẫn còn phải thở máy, vẫn phải vật lộn chiến đấu với tử thần, bởi chất độc họ ăn phải thuộc hàng nguy hiểm nhất thế giới. Chất kịch độc nằm trong sản phẩm được Nhà nước quản lý chất lượng, được cấp phép, có nhãn mác xuất xứ, hoàn toàn không phải hàng trôi nổi. Với tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc, nhiều ý kiến bày tỏ, CQCA cần khởi tố vụ án để làm rõ các sai phạm.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/trach-nhiem-cua-nguoi-ban-do-an-chua-chat-kich-doc-208702.html