Trại hè cho thiếu nhi: Cần làm sáng những góc tối

Những năm gần đây, nhiều phụ huynh thường chọn trại hè để gửi gắm con em với mong muốn đây là môi trường ngoại khóa bổ ích cho trẻ vào dịp nghỉ hè.

Tuy nhiên, mới đây, thông tin về một đơn vị tổ chức trại hè bị “tố” về tình trạng nhà vệ sinh bẩn, bể bơi thiếu an toàn, cơ sở vật chất kém, trẻ bị bắt nạt, mất đồ... đã cho thấy nhiều “góc khuất” và là hồi chuông cảnh báo về chất lượng mô hình này. Báo Hànôịmới xin giới thiệu loạt bài “Trại hè cho thiếu nhi: Cần làm sáng những góc tối”, phản ánh những mặt trái về sự phát triển “nóng” của trại hè, đòi hỏi cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả.

Bài 1: Phát triển “nóng”, chất không đi đôi với lượng

Mùa hè hằng năm, các bậc phụ huynh lại phải đối mặt với câu hỏi, làm sao để con không phụ thuộc vào điện thoại, vừa được vui chơi, vừa học kỹ năng sống, lại an toàn và bổ ích. Trước nhu cầu ấy, trại hè xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội. Kết quả là sự đa dạng, phong phú về mô hình nhưng cũng kéo theo không ít lo ngại, giữa một rừng trại hè “nở rộ”, liệu chất lượng có thật sự tương xứng?

Trại hè “Làng Háo Hức” (tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên) bị “tố” điều kiện vệ sinh kém, không giống với quảng cáo.

Trại hè “Làng Háo Hức” (tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên) bị “tố” điều kiện vệ sinh kém, không giống với quảng cáo.

Đa dạng các mô hình

Vừa bước vào kỳ nghỉ hè năm nay, vợ chồng chị Nguyễn Thùy Linh, đang công tác tại Viện Đại học Mở, đã đăng ký cho con trai tham gia chương trình “Hành trình xuyên Việt” do hệ thống Trường Xanh Tuệ Đức tổ chức với chi phí 25 triệu đồng/15 ngày. Khi tham gia hành trình, con chị được đi qua các vùng miền, gặp gỡ ngư dân, nông dân, trẻ em vùng cao, đến thăm các di tích lịch sử. “Mỗi điểm đến không phải là chuyến du lịch thông thường mà là một bài học thực tế sinh động, giúp con tôi khi trở về nhà không chỉ tự tin hơn, mà còn biết nói lời cảm ơn, sống trách nhiệm và chia sẻ hơn với gia đình”, chị Linh hài lòng chia sẻ.

Tương tự, mô hình "Học kỳ quân đội" vẫn luôn giữ được sức hút riêng. Chị Nguyễn Thị Thanh Sơn (ở phường Thanh Xuân) cho biết, con trai chị đã tham gia khóa học tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 với mức phí 6,5 triệu đồng/10 ngày. “Tham gia "Học kỳ quân đội", con học được tính kỷ luật, biết tự giặt đồ, dọn chăn màn, quan trọng nhất là tự lập hơn rất nhiều. Đây là điều tôi mong ước trước khi cho con tham gia trải nghiệm hè”.

Không chỉ dừng lại ở những chương trình trả phí, nhiều mô hình thiện nguyện cũng đang tạo sức lan tỏa tích cực. Một trong những địa chỉ tin cậy được phụ huynh mong ngóng mỗi dịp hè là khóa tu dành cho các học sinh từ 14 đến 20 tuổi do chùa Bằng (ở phường Phương Liệt) tổ chức. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, trụ trì chùa Bằng cho biết, trung bình mỗi năm, nhà chùa nhận khoảng 500 học sinh tham gia khóa tu miễn phí kéo dài 7 ngày 6 đêm. Trong thời gian đó, các em được sống trong không gian thiền môn thanh tịnh, được giảng dạy về kỹ năng sống, văn hóa truyền thống, lòng biết ơn, nhân ái.

Cho con tham gia khóa tu tại chùa Bằng 3 năm liên tiếp, anh Nguyễn Thế Hưng (ở xã Thiên Lộc) chia sẻ: "Từ một đứa trẻ hiếu động, giờ con biết quan tâm tới ông bà, cha mẹ và cư xử lễ phép hơn. Tôi thực sự cảm ơn ban tổ chức đã tạo ra môi trường ý nghĩa cho các con”.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng gặp được điều may mắn như vậy. Trong thực tế, không ít phụ huynh từng rơi vào cảnh trớ trêu khi đăng ký cho con tham gia các trại hè thiếu chuyên nghiệp. Chị Lê Thị Lan (ở phường Hoàng Mai) kể lại: “Năm ngoái, tôi đăng ký cho con tham gia một trại hè kéo dài gần 15 ngày tại một trường tư thục. Chương trình quảng cáo rất hoành tráng, hứa hẹn dạy kỹ năng mềm, teamwork (làm việc nhóm), kỹ năng sống… nhưng thực tế thì khác xa. Lịch học không thực hiện đúng như cam kết, quản lý lỏng lẻo, thậm chí trẻ con còn đánh nhau mà không có người can thiệp”. Không chỉ thiếu chất lượng, một số trại hè còn tiềm ẩn nguy cơ về vệ sinh và sức khỏe. Tham gia một trại hè về, cháu Nguyễn Văn Trung (ở phường Xuân Đỉnh) chia sẻ: “Phòng con ở rất bẩn, nước tắm không sạch. Chỉ sau 3 ngày là con bị ngứa khắp người. Bạn con còn bị thương vì xô xát mà không ai xử lý...”.

“Bài toán khó” cho phụ huynh

Mô hình trại hè tại Việt Nam hiện nay rất phong phú, gồm trại hè bán trú và nội trú. Trong đó, trại hè bán trú có các mô hình như song ngữ, nghệ thuật, công nghệ, thể thao…; trại hè nội trú với đa dạng các hoạt động ngoài trời như học kỳ quân đội, khóa tu mùa hè, lính cứu hỏa, trải nghiệm văn hóa tại nước ngoài… Chỉ tính riêng tại khu vực thành phố Hà Nội, mỗi năm có đến hàng trăm đơn vị triển khai các chương trình hè theo nhiều hình thức, từ quy mô nhỏ dưới 20 học sinh đến chương trình lớn với hàng trăm trẻ tham gia. Mức chi phí dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, tùy thời lượng và nội dung. Chính sự phong phú này là “bài toán khó giải” cho nhiều phụ huynh.

Ngay những ngày đầu tháng 7 này, ồn ào xoay quanh trại hè "Làng Háo Hức" (tổ chức ở tỉnh Thái Nguyên) trở thành chủ đề “nóng” trên mạng xã hội. Từ trước tới nay, "Làng Háo Hức" được biết đến là nơi để trẻ em của nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, tham gia trải nghiệm. Thế nhưng cách thức tổ chức, nội dung hoạt động và phương pháp giáo dục tại đây hiện đang gây ra nhiều tranh cãi khi phụ huynh “tố” trại hè không giống với quảng cáo. Sự việc này chính là lời “nhắc nhở” lớn cho phụ huynh trong việc lựa chọn mô hình trải nghiệm hè cho trẻ.

“Trại hè bây giờ nở rộ như nấm sau mưa. Thậm chí, nhiều nơi quảng cáo rất hay, có cả đội ngũ truyền thông, video giới thiệu, hình ảnh bắt mắt. Muốn cho con tham gia nhưng rất khó để biết chất lượng thực thế nào (?)”, chị Lê Thị Hằng (ở phường Xuân Đỉnh) đặt câu hỏi. Giống như chị Hằng, chị Phạm Thy Giang (ở phường Hà Đông) sau vài lần “trầy trật” chọn trại hè cho con đã đúc rút được kinh nghiệm, đó là phải đến tận nơi quan sát, hỏi những phụ huynh đã từng cho con trải nghiệm, không chuyển khoản tiền trước nếu chưa rõ chất lượng. Ngoài ra, quan trọng nhất là hỏi ý kiến con về các nội dung chương trình của trại hè xem con có hứng thú không. Nếu con đồng ý thì mới đăng ký tham gia.

Việc phát triển trại hè là xu hướng tất yếu, mang lại nhiều giá trị thiết thực cho trẻ em về cả kỹ năng, kiến thức lẫn trải nghiệm sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, phụ huynh cần cân nhắc kỹ để chọn lựa mô hình phù hợp với trẻ và hoàn cảnh gia đình. Bởi lẽ, nếu lựa chọn một trại hè không đạt tiêu chuẩn, thiếu an toàn, thiếu định hướng hoặc phương pháp giáo dục sai lệch, trẻ không chỉ không phát triển đúng kỳ vọng, mà còn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý.

(Còn nữa)

Hoa-Trang-Hạnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/trai-he-cho-thieu-nhi-can-lam-sang-nhung-goc-toi-709445.html