Trải nghiệm để rèn luyện, gần dân, hiểu bộ đội

Hưởng ứng đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung tâm 286 (Bộ tư lệnh 86) phối hợp với Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel và một số đơn vị tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm tại biên giới tỉnh Bình Phước. Qua đó, các đơn vị thiết thực chăm lo đời sống người dân, đồng thời tạo môi trường để giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên.

Cùng bộ đội tuần tra biên giới

Vượt gần 300km từ TP Hồ Chí Minh, chúng tôi cùng tuổi trẻ Trung tâm 286, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel và một số đơn vị đến Đồn Biên phòng Đắc Ka (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước). Đây là một trong những đồn khó khăn nhất của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước với bốn bề rừng núi. Từ trung tâm xã Bù Gia Mập vào đến đồn gần 30km đường rừng.

Chỉ tay về những ngọn núi nhỏ và cánh rừng lồ ô xanh nhạt vào mùa khô nắng nóng kéo dài, Thượng tá Nguyễn Văn Định, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đắk Ka nói: “Đó là tuyến đường tuần tra biên giới của đơn vị”.

Rất nhanh chóng, cán bộ, chiến sĩ đơn vị hướng dẫn các bạn trẻ trong đoàn làm công tác chuẩn bị vật chất, phổ biến quy định, phương án xử trí những tình huống trong tuần tra. Nét mặt ai cũng phấn khởi chuẩn bị buổi trải nghiệm một ngày làm chiến sĩ biên phòng tuần tra biên giới, hồi hộp chờ đợi giây phút đầu tiên được chạm tay vào cột mốc.

Cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên các đơn vị tham quan cột mốc biên giới tại xã Bù Gia Mập.

Cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên các đơn vị tham quan cột mốc biên giới tại xã Bù Gia Mập.

8 giờ sáng, sau vài trăm bước chân ra khỏi đơn vị, thử thách đầu tiên là con đường mòn dốc xuống, mọi người vừa đi vừa nói cười râm ran. Tuy nhiên khi lên dốc, tiếng nói cười như ít dần vì ai cũng bắt đầu thấm mệt và phải tập trung tư tưởng để bước cho chính xác theo bậc đá gập ghềnh, nếu không sẽ bị trượt chân.

Lên đến gần đỉnh dốc, mồ hôi túa ra, lưng áo ướt đầm, nắng nóng bỏng rát, theo bước chân những chiến sĩ biên phòng, các bạn trẻ tiếp tục vượt qua khe suối. Mọi người phải thực hiện nhiều động tác như những trò chơi mạo hiểm mới vượt qua được để đến cột mốc đầu tiên, rồi tiếp tục đi đến các cột mốc trên tuyến biên giới do đồn quản lý dài hơn 11km.

Chạm tay vào cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc, bạn Nguyễn Võ Diễm Quỳnh, nhân viên Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, bày tỏ: “Nhìn thì thấy không xa, nhưng chúng tôi phải đi gần 2 giờ và vất vả mới đến được cột mốc đầu tiên. Đây thực sự là trải nghiệm quý của tôi. Qua đó, chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự khó khăn, vất vả, hiểm nguy mà cán bộ, chiến sĩ biên phòng phải ngày đêm tuần tra để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc. Trải nghiệm thực tiễn là động lực để chúng tôi phấn đấu, rèn luyện, cống hiến, trưởng thành trong thời gian tới”.

Theo Thượng tá Lê Anh Dũng, Phó chính ủy Trung tâm 286: Tham gia chuyến công tác hầu hết là những bạn trẻ mới vào làm việc tại các đơn vị, công ty đứng chân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, chương trình là một hình thức không những để giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên mà còn giúp mỗi người thấy rõ hơn những nỗ lực, cống hiến, hy sinh của Bộ đội Biên phòng.

Đoàn công tác trao quà tặng học sinh nghèo tại Trường Tiểu học Đắk Á, xã Bù Gia Mập.

Đoàn công tác trao quà tặng học sinh nghèo tại Trường Tiểu học Đắk Á, xã Bù Gia Mập.

Góp sức xây dựng vùng biên

Gần 14 giờ, tại trụ sở UBND xã Bù Gia Mập, đoàn công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành địa phương tổ chức chương trình giao lưu với cán bộ, đoàn viên, thanh niên, nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh tuyên truyền về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, tại chương trình, các bạn trẻ trao đổi, chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm về an toàn thông tin, an ninh mạng, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; kiến thức, kỹ năng bình đẳng về cơ hội học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, công tác; kinh nghiệm lao động, sản xuất, kinh doanh, định hướng đào tạo nghề, tạo việc làm bền vững và trao quà, học bổng tặng người dân, học sinh người dân tộc thiểu số khó khăn trên địa bàn.

Cầm trên tay món quà gồm nhiều tập sách, đồ dùng học tập thiết yếu, khóe mắt nâu đỏ, em Điểu Chính, dân tộc S’tiêng, học sinh Trường Tiểu học Đắk Á, xã Bù Gia Mập, bày tỏ: “Em không có bố mẹ và đang ở với bà ngoại 70 tuổi. Bà lo cho em ăn mặc, không có tiền mua sách, cặp, đồ dùng học tập. Được tặng nhiều sách, vở, nhất là chiếc cặp mới, em rất vui. Em sẽ cố gắng học để lớn lên nuôi bà và có cuộc sống tốt hơn”.

Theo đồng chí Điểu Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập, địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, khí hậu khắc nghiệt. Được đoàn công tác đến thăm, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm lao động, sản xuất và tặng quà, bà con rất phấn khởi và có thêm động lực để vượt khó, góp sức xây dựng biên cương ngày càng ổn định, phát triển bền vững.

Bài và ảnh: DUY NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/trai-nghiem-de-ren-luyen-gan-dan-hieu-bo-doi-772661