Trái nhãn lồng

'Chim quyên ăn trái nhãn lồng/Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi', trái nhãn lồng trong suy nghĩ của chung nhiều người có lẽ là trái nhãn đặc sản của đất Hưng Yên. Nhưng ở đất Nam bộ, nhãn lồng như trái đặc sản... tự nhiên mà mọc, vươn mình mà lớn theo mưa nắng đất trời.

Trái nhãn lồng là đặc sản miệt vườn đi cùng với đám cây mọc bờ mọc bụi như bình bát, thù lù, trứng cá… Mỗi bận đi ruộng về, đường quê có trái gì, tía lại hái về cho sắp nhỏ trong nhà như món quà, vị ngọt của đất quê hương. Trái nhãn lồng chín vàng, ăn có vị ngọt mát, thỉnh thoảng cũng có chút vị chua thanh, tùy nơi mà có người gọi tên nhãn lồng, lạc tiên hay chùm bao.

Má tôi thường kể, con nít bây giờ dù ở quê cũng không thiếu gì đồ ăn vặt, nên không chép miệng thèm trái nhãn lồng hay đợi mùa cà na. Tuổi thơ tía má hay anh hai, chị ba trong nhà thì khác, quà quê chỉ có mớ cây nhà lá vườn, con nít xúm xít chia nhau trái nhãn lồng, mà ăn một lần phải cả chục trái mới đã. Hay mỗi lần nghe tía má đi ruộng, đám nhỏ lại nhắc chừng “má nhớ hái nhãn lồng cho con”. Có bữa tía đi đám giỗ về, bước nghiêng bước xiêu vì xỉn mà thấy đám nhãn lồng chín vàng mọc ven đê, cũng ráng hái bỏ túi áo mang về cho đám nhỏ.

Nhà nông sống với ruộng vườn, rau trái hễ ăn được thì ắt hẳn cũng kèm một công hiệu như vị thảo dược dân gian. Người lớn trong nhà, hôm nào khó ngủ lại dặn sắp nhỏ ra vườn, đi ruộng kiếm mớ đọt dây nhãn lồng luộc ăn thì tối ngủ ngon ơ. Đọt nhãn lồng non tơ, xanh mướt, ăn có chút vị đăng đắng, đám con nít không mê nhưng người lớn đã ăn qua một lần sẽ thành thứ đặc sản khó quên, mà vài hôm phải đi quanh vườn nhà, quanh xóm hái cho bằng được mớ đọt nhãn lồng.

Trái nhãn lồng hay đọt nhãn lồng là giống cây trời sinh trời nuôi thì tự vươn mình mà lớn, không ai chăm tưới hay bón phân làm gì. Cũng bởi thế mà dĩa đọt nhãn lồng luộc làm người ta ăn qua một lần cứ nhớ mãi, có chút nhẫn nhẫn, chút ngọt và chút tình quê thiệt thà, chịu khó đi một vòng quanh vườn nhà là có dĩa rau đủ bữa cơm, yên cái bụng. Chút đọt nhãn lồng, vài trái mướp, đọt bí đọt bầu… cũng thành bữa cơm nhà xanh mướt rau vườn, ấm tình tía má.

Trong nhịp sống hiện đại, đặc sản quê nhà cũng một bước lên thị thành, hai bước có mặt khắp các kênh bán hàng trực tuyến. Ở đất thị thành, không khó để xắn tay nấu bữa cơm đặc sản đủ ba miền theo mùa, nhưng có lẽ người ta vẫn khó mà tìm được trái nhãn lồng hay nắm đọt nhãn lồng non tơ, xanh mướt như quê nhà ở đất phù sa. Đọt nhãn lồng non xanh, hái xong thì luộc ăn liền mới ngon đúng điệu, đông lạnh hay vận chuyển xa khó mà giữ được nguyên vẹn màu xanh mơn mởn, vị ngọt của rau.

Cũng bởi thế mà nhãn lồng sinh ra như để thuộc về miền quê, để gói ghém những ngọt bùi nơi miệt vườn, gói cả tình thương của tía má… Để rồi đâu đó trong dặm dài trưởng thành hay năm tháng xa quê, người ta bất chợt nhớ nắm đọt non cùng mấy trái nhãn lồng vàng tươi, dung dị mà ngân nga câu hát “Chim quyên ăn trái nhãn lồng/Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi”.

HỒNG DƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trai-nhan-long-post698584.html