Trái tim mãi ở đất này

Bà Nguyễn Thị Chịch, vợ liệt sĩ Phan Nhật Linh trước cổng nhà - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Hăm hở lên đường đi B, nhiều người con của Hải Dương chiến đấu và mãi mãi nằm lại trên quê hương kết nghĩa. Với những người thân đã đi qua chờ đợi và thăm thẳm nhớ thương, trái tim mãi ở đất này.

MỘT ÐỨA CON, MỘT LỜI HẸN, CẢ ÐỜI THƯƠNG NHỚ

Gần một năm sau khi chồng tình nguyện đi bộ đội, cuối năm 1965, người vợ trẻ Nguyễn Thị Chịch vui mừng đón anh về phép. Trở về nếp nhà đơn sơ ở Thanh Lang (huyện Thanh Hà), anh Phan Nhật Linh nói với vợ: “Ðợt này về rồi anh vào Nam chiến đấu”. Sau vài phút im lặng, nghĩ đến đứa con đầu lòng mới hơn một tuổi, người vợ nhỏ giọng: “Hay là… để em lên xin với xã cho mình ở lại, con cứng cáp hẵng đi”. Anh Linh nhẹ nhàng: “Không, đất nước đang có chiến tranh mà! Anh đi vài năm, mình ở nhà nuôi con rồi anh về”.

Hết phép, người vợ trẻ tiễn chồng trở về đơn vị. Chị không biết miền Nam cách quê mình bao xa, chỉ biết đó là chiến trường, và người chồng thân yêu của mình đã tình nguyện vào nơi mịt mù lửa đạn. Chị cũng chẳng có gì tặng anh lúc chia xa. Vợ chồng nghèo, khi cưới nhau chỉ có mấy quả cau với chai rượu trắng!

Ðầu năm 1966, anh Phan Nhật Linh cùng những người lính trẻ khác ở miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam. Nơi quê nhà, chị Chịch làm ruộng, bắt ốc nuôi con và tham gia vào đội du kích xã Thanh Lang. Nhớ chồng, chị không dám treo bức ảnh anh chụp sau khi nhập ngũ trong nhà mà mang sang treo ở nhà cha mẹ. Thời gian trôi đi trong nỗi nhớ và sự thắc thỏm của người vợ nơi hậu phương miền Bắc.

Sau tết năm 1970, chị lên xã họp và mừng phát run lên khi nhận được thư chồng. “Ông ấy kể rằng đã vào đến chỗ đóng quân và là chính trị viên đại đội. Ông ấy viết: Anh ở Phú Yên - tỉnh kết nghĩa với tỉnh mình. Anh ở dưới hầm, nghe tin Mỹ ném bom miền Bắc, không biết chúng có đánh tỉnh mình, xã mình hay không”, người vợ, giờ đã là bà cụ gần 80 tuổi, nhớ lại.

Người nơi tiền tuyến không kể gì về những khó khăn gian khổ, hiểm nguy, chỉ lo cho người ở hậu phương. Còn bà Chịch cũng không có cơ hội kể với chồng rằng năm 1967, máy bay Mỹ ném bom làng mình - nơi có một đơn vị bộ đội đóng quân, lắp ráp tên lửa. Hôm đó bà gửi con sang nhà cha mẹ rồi đi chợ, về thì thấy nhà mình và mấy ngôi nhà chung quanh tan tành. Một chú bộ đội nhặt được bức ảnh anh Phan Nhật Linh, đưa lại cho bà, còn bảo: “Chị giữ lấy, kẻo ngày sau lại không có”. Người vợ nhận bức ảnh, bụng bảo dạ: Quái, chú này nói gở vậy!

Biết rằng chiến tranh ác liệt, bom đạn vô tình nhưng bà Chịch vẫn tin chồng sẽ trở về. “Tớ mong chiến tranh kết thúc, ông ấy về. Tớ nấu bữa cơm no và may quần áo cho ông ấy. Lúc có con, hai vợ chồng mỗi người chỉ có hai bộ đồ”, giọng bà Chịch chìm đi.

Nhưng người đàn ông mà bà ngày đêm nhớ thương, mong đợi mãi mãi không trở về. Vào một ngày tháng 6/1974, giấy báo tử về đến làng. Người vợ “ba sẵn sàng, năm đảm đang” gục ngã.

Bà Chịch nhớ lại: “Nhận giấy báo tử, tớ chẳng khóc được tiếng nào. Tớ nằm 6 ngày liền, không ăn một hạt cơm, chỉ muốn chết. Tháng 6 giời nắng mà tớ đắp chăn đắp chiếu. Thằng con nằm vắt qua bụng, nài nỉ mẹ ơi dậy uống nước cơm đi. Bác con bảo mẹ không uống nước cơm thì bác không nấu cơm cho con ăn nữa. Rồi người ta đổ nước cơm, tớ mới tỉnh”. Bà Chịch ốm suốt 3 năm liền, mất ngủ triền miên. Ði ra ngõ, thấy người ta dắt trẻ con, tim bà nhói lên, và gai ốc nổi lên, thế là quay về.

Gượng dậy sau nỗi đau, vợ liệt sĩ Phan Nhật Linh tần tảo nuôi con và chưa bao giờ có ý định đi bước nữa. Bà cụ gần 80 tuổi, nói chuyện rất duyên này khẳng định dứt khoát: “Không bao giờ tìm được người như ông ấy! Ông hiền ơi là hiền, tính tình không chê vào đâu được, sống với nhau 4 năm chưa từng nặng lời, chưa có một câu thắc mắc”.

Ði qua những năm tháng thiếu thốn khó khăn, vợ con liệt sĩ Phan Nhật Linh dần ổn định cuộc sống. Ðó là khi có chủ trương khuyến khích người dân lập vườn, con trai bà Chịch lập vườn trồng ổi, thanh long, dành dụm tiền sửa lại ngôi nhà. Trên bức tường đã in dấu thời gian, Huân chương Kháng chiến hạng ba, Huân chương

Chiến sĩ giải phóng hạng nhất của liệt sĩ Phan Nhật Linh được treo trang trọng. Gần đó là một khung ảnh có hình hai vợ chồng. Chuyện là thế này, sau khi nhận giấy báo tử, bà Chịch mang ảnh chồng lên TX Hải Dương (nay là TP Hải Dương) nhờ người ta phóng to. Rồi chợt nhớ hồi đi du kích, bà có cái ảnh con con, thế là đem lên phóng to, ghép vào.

Bà Chịch không nhớ chính xác tuổi chồng lẫn tuổi mình, chỉ nhớ ông hơn bà hai tuổi. Bà cũng chưa từng có dịp đặt chân lên mảnh đất Phú Yên, nơi người đàn ông mà bà dành trọn trái tim đã chiến đấu và rồi hy sinh trong một căn hầm, cùng hai đồng đội. Người đàn bà có vóc dáng bé nhỏ đó đã chờ đợi gần 10 năm kể từ lúc tiễn chồng đi, rồi sống trong thăm thẳm nhớ thương cho đến tận bây giờ!

Ông Nguyễn Quang Cảnh kể về anh trai - liệt sĩ Nguyễn Quang Hoàn - Ảnh: CTV

Ông Nguyễn Quang Cảnh kể về anh trai - liệt sĩ Nguyễn Quang Hoàn - Ảnh: CTV

“Ðến giờ tớ vẫn nhớ ông ấy, vẫn nghĩ ước gì ông trở về để nấu một bữa cơm cho ông ăn no, may quần áo đẹp cho ông mặc. Nhớ đến lúc chết mới thôi! Nhớ thì nước mắt chảy ra chứ mình đâu có khóc”, bà Chịch nói vậy rồi nhìn ra khu vườn xao xác nắng trưa...

TRÁI TIM MÃI Ở ÐẤT NÀY

Tôi nhớ, nhà thơ - đại tá Nguyễn Hữu Quý có một bài thơ vô cùng xúc động về sự “trở về” của một người lính sau khi đất nước hòa bình, thống nhất.

Ngày cha ra trận

Con

Giọt máu của người chưa bật khóc!

Mẹ lẻ loi

vượt cạn

Ðất phương Nam

Cha

ngã xuống miệt vườn

Bốn mươi năm sau

Cha trở lại quê hương

trên con tàu Thống Nhất

(Chiếc ba lô từng theo cha đánh giặc

nay ấp iu cha trong cuộc trở về)…

(Tấm vé tàu Thống Nhất dành cho cha)

Trong kháng chiến chống Mỹ, 351 người con Hải Dương đã chiến đấu và hy sinh trên chiến trường Phú Yên, nhiều người không có cuộc trở về. Họ yên nghỉ trong những ngôi mộ chung cùng đồng đội ở phường 8 (TP Tuy Hòa), ở Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa), ở nghĩa trang liệt sĩ, trong những ngôi mộ khuyết danh…

Bà Phạm Thị Khẩu, 80 tuổi, sống tại xã Việt Hồng (huyện Thanh Hà) kể: “Con trai cả của tôi đã vào Phú Yên, nói rằng trong đó người ta xây nghĩa trang liệt sĩ khang trang lắm. Bao giờ mẹ khỏe thì con đưa mẹ vào”. Chồng bà, người lính Phạm Văn Bằng vào Nam chiến đấu và hy sinh tại Phú Yên năm 1967, khi mới 27 tuổi. Tên ông có tại một nghĩa trang liệt sĩ. Mộ ông là một trong hơn 70 ngôi mộ khuyết danh.

Ông bà có hai người con. Chị Nguyễn Thị Nguyên, dâu cả của bà Khẩu, rưng rưng thổ lộ: “Tôi về đây làm dâu, rất thương mẹ. Bố hy sinh khi mẹ còn rất trẻ, một mình mẹ tần tảo nuôi hai con ăn học… Gia đình mong đưa được bố về. Giờ biết bố yên nghỉ tại khu vực đó, trong nghĩa trang đó, mẹ và chúng tôi cảm thấy được an ủi”.

Ông Nguyễn Quang Cảnh ở xã An Bình (huyện Nam Sách) có anh là Nguyễn Quang Hoàn, lính pháo binh, hy sinh tại Phú Yên cách đây hơn nửa thế kỷ. Ông Cảnh chia sẻ: “Nếu tìm được thì sẽ đưa anh về với quê cha đất tổ. Ðó là mong muốn của gia đình, nhưng hơn 50 năm đã trôi qua. Tôi nghĩ anh nằm lại trên quê hương kết nghĩa, có Ðảng, có chính quyền, bà con Phú Yên hương khói vào những dịp lễ tết, gia đình cũng yên lòng”.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua. Bao mùa xuân hòa bình đã đến với mảnh đất từng oằn mình trong bom đạn. Mảnh đất ấy ru giấc thiên thu những người con Hải Dương đã ngã xuống năm nào. Với người thân các liệt sĩ Hải Dương, trái tim họ mãi ở đất này. Thăm thẳm nhớ thương...

PHƯƠNG TRÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/94/234197/trai-tim-mai-o-dat-nay.html