Trạm y tế số: Mô hình chăm sóc sức khỏe gần dân hơn
Từ ngày 1/7 khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức được triển khai, trạm y tế số không chỉ là sự thay đổi về kỹ thuật, mà là bước chuyển lớn về tư duy phục vụ. Sau sáp nhập, chính những đổi mới này đã giúp y tế cơ sở Hà Nội mạnh mẽ hơn, gần dân hơn.
Bước chuyển về tư duy phục vụ
Từ ngày 20/6, huyện Ba Vì (cũ), TP Hà Nội đã tổ chức vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại 8 xã mới, gồm: Quảng Oai, Cổ Đô, Vật Lại, Suối Hai, Ba Vì, Bất Bạt, Yên Bài, Minh Châu. Cùng với việc sắp xếp lại mô hình trạm y tế theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Sở Y tế Hà Nôi đã thí điểm trạm y tế số tại tại Trạm y tế thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh (cũ) và Trạm y tế xã Tiên phong, huyện Ba Vì (cũ).

Người dân khám bệnh tại Trạm Y tế Quảng Oai (TP Hà Nội). Ảnh: Trần Yến
Tính đến nay, sau khoảng 1 tháng thí điểm, trạm y tế số đã giúp giảm thời gian làm thủ tục cho người bệnh, nhân viên y tế và bước đầu liên thông dữ liệu giữa các trạm, sở y tế và một số bệnh viện. Tại phòng khám, chỉ cần duy nhất một bác sĩ và chiếc máy tính. Trước đây, trong quy trình khám chữa bệnh cần ít nhất 2-3 điều dưỡng hỗ trợ bác sĩ nhưng hiện tại, một bác sĩ có thể làm được hết mọi việc.
BS Phùng Thị Liên – Trạm trưởng Trạm y tế xã Tiên Phong, huyện Ba Vì (cũ) - nay là địa phận xã Quảng Oai (TP Hà Nội) cho biết, trước kia phần mềm rời rạc, nhiều phần mềm, nhưng hiện nay các phần mềm đã tập trung, tổng hợp lại, tiện hơn trong quá trình sử dụng và quản lý. Khi áp dụng phần mềm mới, bệnh nhân rất hài lòng. Việc triển khai chuyển đổi số tại trạm y tế xã mang lại nhiều lợi ích rõ rệt. Hệ thống này giúp quản lý các quy trình hành chính; khám chữa bệnh được tự động hóa, nâng cao hiệu quả điều hành; minh bạch thông tin và ra quyết định nhanh, chính xác. Hồ sơ bệnh án điện tử giúp các bác sĩ chẩn đoán, điều trị chính xác, tiết kiệm thời gian, giảm áp lực hành chính và tăng khả năng phối hợp liên khoa. Người bệnh được phục vụ nhanh hơn, giảm thời gian chờ, kết quả khám được trả nhanh và minh bạch, dễ dàng theo dõi sức khỏe cá nhân, thanh toán linh hoạt và hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế. Chuyển đổi số góp phần xây dựng nền y tế hiện đại, hiệu quả và thân thiện hơn với người dân.
Tại Trạm Y tế xã Tiên Phong, người dân chỉ cần mang căn cước công dân khi đến khám bệnh. Hệ thống sẽ tự động hiển thị toàn bộ hồ sơ, bệnh án, thông tin tiêm chủng, khám thai, bệnh mãn tính và nhắc lịch tái khám. Bà Nguyễn Thị Cải đưa cháu đi tiêm phòng tại đây chia sẻ, ban đầu nhiều người còn lo ngại vì thủ tục quá nhanh, sợ thiếu sót. Tuy nhiên, sau một thời gian theo dõi, ai cũng yên tâm vì bác sĩ cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác.
Ghi nhận tại Trạm Y tế xã Quang Minh cho thấy, trạm y tế số không chỉ cải tiến kỹ thuật, mà còn là bước chuyển về tư duy phục vụ. Hệ thống dữ liệu giúp liên thông giữa các cơ sở y tế, tối ưu hóa điều trị và hỗ trợ quản lý y tế ra quyết định nhanh, chính xác. Đặc biệt, hệ thống còn kết nối với các nền tảng quốc gia như VNeID, G-Medical, góp phần đồng bộ dữ liệu, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và bảo đảm an toàn thông tin.
Đồng bộ thông tin, dữ liệu sức khỏe người dân
Trước đó, hồi cuối tháng 6/2025, người dân 2 xã mới Quảng Oai và Quang Minh đã trải nghiệm phần mềm quản lý y tế VNPT-HMIS. Sở Y tế Hà Nội phối hợp với VNPT Hà Nội xây dựng một phần mềm mới, thay thế hơn 10 phần mềm đang sử dụng tại trạm y tế từ khám chữa bệnh, tiêm chủng, dân số, bệnh mãn tính, dịch bệnh, tạo hồ sơ sức khỏe cho người dân, liên thông giữa các trạm, sở y tế và các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.
Thử nghiệm cho thấy, quá trình khám, chữa bệnh nhanh chóng, giảm bớt thủ tục giấy tờ, xếp hàng thủ công. Được biết, có hàng trăm người đến trải nghiệm tại hai địa bàn nói trên. Việc thử nghiệm nhằm hoàn thiện phần mềm quản lý y tế VNPT-HMIS, bảo đảm đưa vào sử dụng trước khi triển khai chính quyền 2 cấp từ ngày 1/7.
Theo đại diện VNPT Hà Nội, đến trước thời điểm ngày 1/7, kết quả thử nghiệm phần mềm cho thấy đã đồng bộ được 151.103 dữ liệu lượt khám chữa bệnh, 188.093 dữ liệu dân số, 424 lượt truy nhập, đồng bộ lên Trung tâm điều hành của Sở Y tế. Trước đây, các trạm y tế sử dụng nhiều phần mềm rời rạc, gây phân tán thông tin, không liên thông với bảo hiểm xã hội. Hệ thống VNPT-HMIS được thiết kế để thay thế toàn bộ các phần mềm cũ, thống nhất quản lý dữ liệu y tế tại tất cả các trạm y tế xã, phường trên cả nước theo chuẩn của Bộ Y tế, BHXH và Bộ Tài chính.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội khẳng định, trạm y tế số đã tăng cường chất lượng cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm áp lực cho tuyến trên và quản lý bệnh tật hiệu quả hơn. Đây cũng là bước đầu để triển khai số hóa trong các sở y tế khi vận hành theo chính quyền hai cấp từ ngày 1/7.
Đầu tư xứng tầm cho y tế cơ sở
Thời gian qua, ngành y tế đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ trạm y tế xã, phường. Nhờ đó, các trạm thực hiện tốt hoạt động phòng chống dịch bệnh, khám sức khỏe ban đầu, sơ cứu, cấp cứu và điều trị các bệnh thường gặp tại tuyến cơ sở. Nhiều trạm đẩy mạnh kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe người dân, thực hiện tốt mô hình y học gia đình, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng người dân. Từ đó, mang lại hiệu quả cao trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Tuy nhiên, khó khăn với các trạm y tế hiện nay vẫn còn. Nhiều trạm cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, máy móc phục vụ khám chữa bệnh thiếu hoặc đã cũ, thuốc điều trị cho bệnh nhân chưa đáp ứng. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực vẫn còn thiếu, có trạm chưa có bác sĩ, hoặc một người đảm nhận nhiều chương trình y tế.
Theo thống kê của ngành y tế Hà Nội, cho đến trước thời điểm sáp nhập, tinh gọn đơn vị hành chính, Sở Y tế (cũ) quản lý 43 bệnh viện công lập, 30 trung tâm y tế quận, huyện, ngoài ra có 526 trạm y tế xã, phường. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu ngày càng cao của người dân. Ngành y tế Thủ đô cũng đề nghị, sau sáp nhập, trạm y tế xã, phường sẽ được đầu tư, mở rộng để đảm bảo là cánh tay nối dài của ngành y tế trong chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân, nhất là đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Thực hiện sắp xếp chính quyền 2 cấp, Chính phủ đã hướng dẫn duy trì các trạm y tế xã thuộc Trung tâm y tế hiện nay hoặc sắp xếp các trạm cũ thành 1 trạm y tế tại cấp xã mới và có các điểm y tế tại các xã cũ để phục vụ người dân, bảo đảm mỗi xã, phường mới sau sắp xếp có ít nhất 1 trạm y tế. Theo Bộ Y tế, trước mắt các trạm y tế cũng giữ nguyên hoặc sắp xếp lại theo mô hình trạm y tế xã mới và dự kiến mô hình hoạt động của các trạm y tế xã, phường sau sáp nhập sẽ lớn hơn, biên chế nhiều hơn và được làm các dịch vụ kỹ thuật cao hơn theo từng khu vực.