Trăn trở phía sau những tấm huy chương

PTĐT - Những năm qua, thể thao thành tích cao Phú Thọ gặt hái được nhiều thành công, nhiều vận động viên (VĐV), đội tuyển được đánh giá cao trong khu vực cũng như trên toàn quốc. Để vượt qua đối thủ, giành lấy vị trí cao nhất trên đài vinh quang...

Là một trong năm môn thể thao trọng điểm của tỉnh nhưng Pencak Silat rất khó thu hút VĐV năng khiếu do những đòi hỏi khắc nghiệt của bộ môn.

Là một trong năm môn thể thao trọng điểm của tỉnh nhưng Pencak Silat rất khó thu hút VĐV năng khiếu do những đòi hỏi khắc nghiệt của bộ môn.

PTĐT - Những năm qua, thể thao thành tích cao Phú Thọ gặt hái được nhiều thành công, nhiều vận động viên (VĐV), đội tuyển được đánh giá cao trong khu vực cũng như trên toàn quốc. Để vượt qua đối thủ, giành lấy vị trí cao nhất trên đài vinh quang là điều cực kỳ khó khăn mà trong cuộc đời thi đấu, không phải VĐV nào cũng làm được. Tuy vậy, để tuyển chọn, đào tạo được một VĐV, nhất là VĐV thể thao thành tích cao có khả năng tranh chấp huy chương và giữ chân họ với đội tuyển là cả một vấn đề.

Để từng bước xây dựng nền thể thao chuyên nghiệp, tỉnh đã có định hướng và những kế hoạch thực hiện rõ ràng, bài bản. Những thành tựu mà thể thao thành tích cao đạt được chính là kết quả của một chặng đường rất dài, rất lâu và sự đầu tư bài bản, công phu từ quá trình tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và thi đấu chứ không trông chờ vào thành tích đột suất của VĐV.
Hiện nay, Trung tâm đào tạo, huấn luyện TDTT tỉnh đang duy trì đào tạo gần 280 VĐV của 14 môn thể thao, trong đó có trên 50 VĐV tuyển tỉnh ở các môn thể thao thế mạnh, thường xuyên tham gia thi đấu và giành huy chương ở các đấu trường quốc gia, quốc tế, còn lại là những VĐV trẻ, năng khiếu. Bên cạnh việc phát huy tối đa sức mạnh và thiên khiếu bẩm sinh, họ phải tuân thủ quá trình khổ luyện cực kỳ khắc nghiệt. Kẻ “ngoại đạo” chắc chắn sẽ “đổ mồ hôi hột” khi đứng nhìn các VĐV thể thao thành tích cao luyện tập. Làm một phép so sánh đơn giản khi mỗi lần kéo dây cung tương đương xách vật nặng 20kg, mỗi buổi tập kéo và giữ vài trăm lần như vậy, tức là đôi tay các VĐV bắn cung đã kéo và giữ trọng lượng nặng vài tấn. Cùng đôi mắt cay xè, mờ và đầu đau như “búa bổ” khi tập trung cao độ, thiếu ô xy do nín thở quá lâu… VĐV ở các môn thể thao khác cũng không ngoại lệ khi phải trải qua các bài tập thể lực “rã” người; nhịn ăn, mặc áo mưa, áo gió lúc luyện tập hoặc chạy bộ dưới nắng hè gay gắt để ép cân. Chính những khó khăn, khổ cực mà “nghiệp thể thao” mang đến khiến cho những thành tích, huy chương càng trở nên cao quý và vinh quang. Không thể phủ nhận những cố gắng, những thành tích mà các VĐV và ngành thể thao đã nỗ lực trong suốt thời gian qua, tuy nhiên, những môn thể thao thế mạnh, trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh như Pencak Silat, Wushu, Vật tự do, cổ điển... khó phổ biến và chưa có điều kiện để phát triển từ cơ sở nên khó thu hút. Dù đã và đang có những cái tên đứng vị trí số một, giành huy chương, thứ hạng cao ở cấp độ thi đấu tầm cỡ Seagame, toàn quốc hay khu vực như: Nguyễn Chí Ba - HCV đồng đội, nội dung cung 3 dây nam tại Seagame 24, năm 2007 tại Thái Lan; Chu Mạnh Cường- HCĐ toàn năng Wushu tại Seagame 23, năm 2005 tại Philipin; Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Hồng Quân, Trần Anh Quân - HCV Đội tuyển nam tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018; Vũ Xuân Nghi - HCV hạng 60kg Pencat Silat tại Vô địch Pencak Silat toàn quốc năm 2017… nhưng công tác huấn luyện, đào tạo VĐV của thể thao thành tích cao trên địa bàn tỉnh diễn ra khá “trầm” so với các hoạt động khác. Ngay từ “đầu vào” - công tác tuyển trạch VĐV rất khó khăn bởi khi điều kiện kinh tế, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, tâm lý chung cha mẹ nào cũng sợ các con vất vả, trong khi theo nghiệp thể thao lại đòi hỏi quá trình khổ luyện dài hơi, nghiêm ngặt và khắt khe. Vậy nên nhiều trường hợp các em dù có tố chất, đam mê, nhưng phụ huynh không ủng hộ. Theo HLV phụ trách đội tuyển Wushu Chu Mạnh Cường: “Trung bình một VĐV năng khiếu cần khoảng 8 - 10 năm khổ luyện để đủ độ chín, trở thành VĐV thi đấu đỉnh cao. Phú Thọ là nơi có nhiều VĐV có tố chất rất tốt, khi được tuyển chọn, đào tạo, các em tiến bộ rõ rệt từng ngày, trưởng thành qua từng giải đấu… Tuy nhiên, khi các VĐV đang trong “thời điểm vàng” về phong độ cũng là giai đoạn “chín” về tuổi đời, rất khó để ép các em lựa chọn sự nghiệp mà quên đi trách nhiệm với gia đình. Ở các thành phố lớn, các VĐV sau khi lập gia đình vẫn có thể tham gia luyện tập, thi đấu nhưng ở các địa phương, phần lớn họ sẽ giải nghệ”.Tuyển chọn, đào tạo VĐV đã khó song việc giữ chân VĐV còn khó hơn bởi với điều kiện tập luyện, thi đấu, chế độ dành cho VĐV hiện nay còn thấp, đặc biệt là mối lo về cuộc sống riêng sau khi giải nghệ. Không ít VĐV năng khiếu, VĐV trẻ, có tố chất và phong độ tốt đành “rũ áo” rời tuyển để tìm con đường mới cho riêng mình. Cách đây chưa lâu, khi làm việc với đội tuyển Pencak Silat, chúng tôi gặp gỡ Hà Thị Lan Hương -“hạt giống” xuất sắc trong đội hình thi đấu môn Pencak Silat. Hương sinh năm 1998 tại xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, gia đình có 4 chị em, bố mẹ là nông dân, trong nhà không ai theo nghiệp thể thao nhưng em rất đam mê và quyết tâm theo học. HLV đội tuyển Pencak Silat Lê Tiến Tuấn cho biết: “Ngoài việc Lan Hương có thể trạng phù hợp với môn Pencak Silat, em còn là học viên có ý chí, thể lực... đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu các bài tập do HLV đưa ra…”. Những tưởng, tuyển Pencak Silat của tỉnh sẽ có thêm một VĐV triển vọng nhưng chỉ một năm sau đó, Lan Hương đưa ra quyết định nghỉ thi đấu để tìm con đường mới. Một trường hợp khác là cung thủ Vũ Văn Dũng (thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập). Dũng được chọn vào đội tuyển bắn cung của tỉnh năm 16 tuổi. Phục vụ tuyển tỉnh, tuyển quốc gia, giành gần 100 Huy chương đủ các màu sắc là thành tích và kỷ niệm đẹp của Dũng cho những ngày “chinh chiến” khắp các giải thi đấu lớn nhỏ. 25 tuổi, khi bạn bè phần lớn đã học xong, bắt đầu ổn định công việc, nghề nghiệp cũng là lúc Dũng định hình cho mình một cái nghề bởi ở quê anh, chẳng thể nào sống được bằng nghề “bắn cung”. Ngày luyện tập cùng tuyển quốc gia, tối dùng tiền tiết kiệm đi học cắt tóc, tới ngày tay kéo thoăn thoắt như mũi tên hướng tới hồng tâm cũng là lúc cung thủ xin rời tuyển. Hiện nay, Dũng là “ông chủ” một cửa hiệu cắt tóc và dần ổn định ở chính nơi mà anh đã bắt đầu.Giải nghệ khi ở lĩnh vực, môi trường khác, bạn bè đồng trang lứa đã có nghề nghiệp ổn định đó là một khó khăn rất lớn mà các VĐV thể thao thành tích cao gặp phải trên “sàn đấu cuộc đời”. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hồng Sơn - Trưởng Phòng Quản lý TDTT (Sở Văn hóa, thể thao và du lịch) thẳng thắn: “Đối với các VĐV thể thao thành tích cao, chúng ta mới chỉ tạo điều kiện giúp các VĐV tham gia học tập tại các trường cao đẳng, đại học theo mô hình học tích lũy chứ chưa có chế độ ưu đãi đặc thù. Việc bố trí, xắp xếp việc làm cho các VĐV thể thao ở cơ sở, trường học là một trong những giải pháp tối ưu nhất giúp phát triển thể thao phong trào, qua đó bồi dưỡng và phát hiện những tài năng cho thể thao thành tích cao”.Để giải quyết bài toán giúp VĐV “không thua trên sàn đấu cuộc đời”, cần thiết phải có những chế độ đãi ngộ xứng đáng và tính đến chuyện lâu dài cho VĐV bằng cách có hoạch định, chiến lược rõ ràng về tương lai như việc liên kết đào tạo - giới thiệu việc làm với các ngành, đơn vị, doanh nghiệp… Cần thiết phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc điều chỉnh các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho VĐV yên tâm luyện tập, thi đấu và cống hiến. Cộng đồng, xã hội cần đồng thuận, hưởng ứng vì mục tiêu chung của tỉnh và chung tay nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa, góp thêm nguồn lực phục vụ các hoạt động của thể thao Phú Thọ…

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/the-thao/201907/tran-tro-phia-sau-nhung-tam-huy-chuong-165785