Trang bị bình chữa cháy: Trách nhiệm của chính quyền và ý thức tự bảo vệ mình của người dân

Ý kiến của Giám đốc Công an TP. Hà Nội về việc nhiều gia đình ăn chẳng đủ, sao tính mua bình chữa cháy... tạo sự quan tâm tại kỳ họp HĐND TP. Hà Nội.

Chương trình chất vấn của HĐND TP. Hà Nội chiều 3/7, liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã đưa ra nhiều ý kiến trả lời chất vấn đại biểu nhân dân các tổ.

Liên quan đến Nghị quyết 26 của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội về các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn, trong đó có các chỉ tiêu 100% các hộ dân được trang bị bình chữa cháy, 100% có lối thoát nạn thứ hai. Trung tướng Nguyễn Hải Trung đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng nhiều gia đình rất khó khăn khi trang bị 2 bình chữa cháy. Chính vì thế Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh: “Tôi đề nghị các quận, huyện nếu có điều kiện thì mua sắm, cấp phát cho người dân, xã hội hóa được thì xã hội hóa. Người ta ăn còn chẳng đủ làm sao tính đến chuyện mua bình chữa cháy?...”.

Có lẽ đây là phát ngôn đáng chú ý nhất trong Chương trình chất vấn của HĐND TP. Hà Nội chiều 3/7. Phát biểu trên nhận được sự đồng tình, ủng hộ không chỉ của người dân Thủ đô mà còn là người dân cả nước.

Trước tiên, cần khẳng định việc trang bị bình chữa cháy trong hộ gia đình là hết sức cần thiết và quan trọng trong phòng cháy chữa cháy và đảm bảo an toàn cho mỗi người dân, hộ gia đình... Thông tin từ lãnh đạo Công an TP. Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố xảy ra 594 vụ cháy làm 20 người chết, 9 người bị thương, ước tính thiệt hại 5,1 tỷ đồng, trong đó có 4 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng.

Hà Nội là đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nhiều nhà cao tầng, ngõ ngách nhỏ, có những nơi xe cứu hỏa của lực lượng chữa cháy rất khó tiếp cận. Khi đó, bình chữa cháy của hộ gia đình là giải pháp kịp thời nhất. Thực tế cho thấy không ít vụ cháy đã được khống chế kịp thời nhờ bình chữa cháy của người dân. Điển hình như vụ cháy xảy ra ngày 2/6 tại địa chỉ 8/11/17 đường Ngô Quyền, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng. Chủ nhà và hàng xóm huy động bình chữa cháy từ các hộ xung quanh và sử dụng để dập tắt đám cháy kịp thời.

Bên cạnh đó, tình trạng “ăn chẳng đủ”trên địa bàn Thủ đô cũng là câu chuyện có thật. Trong bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn chung, giá cả leo thang, cùng với đó là hàng loạt các chi phí mà mỗi hộ gia đình phải cáng đáng hàng tháng như: Tiền điện, tiền nước, tiền học… thì không phải gia đình nào cũng có thể “dễ dàng” bỏ tiền ra trang bị bình chữa cháy. Chưa nói những trường hợp phải thuê nhà, ở trọ. Trường hợp này nhiều ý kiến cho rằng việc trang bị bình chữa cháy cho hộ gia đình ngoài phần ý thức của người dân thì nên "qui trách nhiệm" trang bị cho chủ thuê nhà.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội. (Ảnh: vietnamnet.vn)

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội. (Ảnh: vietnamnet.vn)

Đa phần người dân đều cho rằng ý kiến của Trung tướng Nguyễn Hải Trung là bám sát với thực tế và thấu hiểu khó khăn của người dân. Chính vì thế mà hầu hết người dân đều tán đồng ý kiến của Giám đốc Công an TP Hà Nội về việc đề nghị các quận, huyện nếu có điều kiện thì mua sắm, cấp phát cho người dân, hoặc thực hiện bằng công tác xã hội hóa.

Tuy nhiên, đề xuất của Trung tướng Nguyễn Hải Trung cũng đặt ra một số băn khoăn, ý kiến... TP. Hà Nội hiện có 1.481.235/1.713.851 hộ gia đình đã tự trang bị bình chữa cháy; câu hỏi đặt ra là liệu gần 300 nghìn hộ dân còn lại có thực sự khó khăn đến mức không thể trang bị bình chữa cháy? Ngoài những gia đình thuộc diện nghèo, khó khăn thực sự thì vấn đề ở đây vẫn còn những hộ gia đình chủ quan, chưa lường trước nguy cơ cháy nổ... không đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Rõ ràng ý kiến của Giám đốc Công an TP. Hà Nội là rất nhân văn và phù hợp với thực tế. Để thực hiện có hiệu quả ý kiến trên, thiết nghĩ chính quyền các địa phương cần cân đối ngân sách, rà soát, có giải pháp hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trang bị bình chữa cháy. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh và thực thực hiện tốt công tác tuyên truyền để những hộ gia đình có điều kiện không còn tư tưởng chủ quan, lơ là và trang bị đầy đủ bình chữa cháy. Đây là việc làm cần thiết, sẽ góp phần giúp TP. Hà Nội giảm thiểu được các vụ cháy, giảm đi những vụ hỏa hoạn gây hậu quả thương tâm như trong thời gian qua.

Đăng Khoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trang-bi-binh-chua-chay-trach-nhiem-cua-chinh-quyen-va-y-thuc-tu-bao-ve-minh-cua-nguoi-dan-329916.html