Trang bị kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh

Trong 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT Hà Nội đã xử lý hơn 1.600 trường hợp học sinh vi phạm. Để khắc phục tình trạng này, quan trọng nhất vẫn là trang bị cho các em kĩ năng lái xe an toàn từ gia đình và nhà trường, trước khi cho các em tham gia giao thông.

Đặc thù của địa bàn thị xã Sơn Tây là có nhiều trường học nằm trên mặt đường tỉnh lộ, quốc lộ. Phụ huynh cũng giao xe cho con em mình từ rất sớm. Do vậy, lực lượng công an thị xã đã thường xuyên phối hợp với nhà trường, các đơn vị giáo dục trên địa bàn tổ chức chương trình ngoại khóa tuyên truyền về an toàn giao thông học đường và kỹ năng điều khiển phương tiện cho học sinh. Kết hợp với đó là việc hướng dẫn thông qua những tình huống thực tế, gần gũi để giúp học sinh nắm chắc được những quy định về an toàn giao thông.

Đại úy Phạm Văn Hùng - Cán bộ CSGT thị xã Sơn Tây cho hay:

“Bố mẹ đóng vai trò hết sức quan trọng, bố mẹ là gốc rễ, là những người tạo điều kiện cho con em mình có những điều kiện tốt nhất đến trường. Thế nhưng một số phụ huynh chưa nắm được quy định của pháp luật về con em mình được phép điều khiển phương tiện nào. Có những phụ huynh còn chưa nắm được những quy định của pháp luật để có thể truyền tải và hướng dẫn con em mình tham gia giao thông an toàn.”

Nhiều phụ huynh do không hiểu biết pháp luật hoặc không có điều kiện đưa đón đã giao xe cho con em mình điều khiển không đúng quy định. Tuy nhiên, nếu không trang bị cho các con các kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông thì dù có là xe đạp hay xe đạp điện cũng rất nguy hiểm. Thực tế đã có nhiều vụ TNGT liên quan tới xe đạp điện. Xe đạp điện có đặc điểm nhẹ, tốc độ có thể đạt tới 40-50 km/giờ nên khi xảy ra va chạm cũng gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng người sử dụng.

Buổi tuyên truyền về các kỹ năng đảm bảo ATGT cho học sinh tại trường THCS Sơn Tây

Buổi tuyên truyền về các kỹ năng đảm bảo ATGT cho học sinh tại trường THCS Sơn Tây

Em Trịnh Thế Đức - Học sinh trường THCS Sơn Tây chia sẻ:

“Đối với em, đi xe đạp thì em sẽ đi gọn vào lề đường để cho những xe to hơn đi. Đi xe đạp thì không nên dàn hàng 3, hàng 4 rồi đùa nghịch nhau.”

Em Lê Ngọc Hải - Học sinh trường THCS Sơn Tây cho biết:

“Khi tham gia giao thông, em sẽ đội mũ bảo hiểm, chú ý quan sát , tuân thủ các hiệu lệnh giao thông như là biển báo, đèn hoặc là tín hiệu từ CSGT.”

Để xây dựng một môi trường giao thông an toàn cho học sinh cần sự phối hợp thường xuyên, liên tục giữa các đơn vị chức năng, nhà trường và gia đình giúp các em hình thành thói quen, nếp sống tuân thủ pháp luật.

Cô Nguyễn Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng trường THCS Sơn Tây trao đổi:

“Nhà trường thực hiện chủ yếu là phương pháp tuyên truyền. Đặc biệt quan tâm tới việc phối hợp với PHHS để giáo dục học sinh. Trong trường hợp vẫn còn học sinh cố tình vi phạm nhà trường sẽ xem xét đánh giá rèn luyện đạo đức cuối kỳ hoặc cuối năm.”

Tai nạn giao thông gây ra những thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, vật chất cho các em. Khi mà các bậc phụ huynh vẫn chưa hiểu được trách nhiệm của mình, sẵn sàng giao phương tiện dù chưa trang bị đủ kỹ năng cho con, thậm chí không nêu gương trong việc chấp hành luật giao thông đường bộ thì con đường từ nhà đến trường và từ trường về nhà của các em sẽ vẫn là điều đáng lo ngại.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/trang-bi-ky-nang-lai-xe-an-toan-cho-hoc-sinh-230530.htm