'Trắng đêm' ứng phó bão lụt

Do ảnh hưởng cơn bão số 12, trên địa bàn các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có mưa lớn kéo dài cùng với thủy điện xả lũ đã làm cho mực nước sông Ba dâng lên rất nhanh gây ngập lụt một số khu vực dân cư, hoa màu và làm quốc lộ 25 bị chia cắt trong nhiều giờ.

Bỏ nhà chạy lũ xuyên đêm

Do mực nước sông Ba lên rất nhanh, trong suốt đêm 10-11, nhiều hộ dân ở vùng trũng ven sông Ba thuộc các phường: Đoàn Kết, Sông Bờ và Hòa Bình (thị xã Ayun Pa) đã bị ngập sâu đe dọa an toàn buộc phải bỏ nhà chạy lũ trong đêm. Trước tình hình đó, UBND thị xã Ayun Pa đã kịp thời huy động lực lượng quân đội, Công an, dân quân hỗ trợ dân các phường này di dời lên khu vực an toàn.

Bà Hoàng Thị Hoa (tổ 3, phường Sông Bờ) cho hay: “Nước lên rất nhanh, mới đầu hôm chỉ ngang ống chân thế mà một lúc sau đã lên ngang người. Tài sản của gia đình tôi được các anh Công an, bộ đội phụ di dời hết lên chỗ cao. Hiện còn 3 con bò vẫn nhốt trong chuồng, không biết đêm qua nước ngập có bị sao không?”.

Nhiều nhà dân ở xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) bị ngập trong lũ. Ảnh: Ngọc Sang

Nhiều nhà dân ở xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) bị ngập trong lũ. Ảnh: Ngọc Sang

Ông Ngô Đại Thành-thành viên Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phường Sông Bờ-cho biết: “Trong đêm 10-11, trên địa bàn phường có 7 hộ dân được di dời khẩn cấp. Tài sản của các hộ sau đó cũng được chúng tôi di chuyển về nơi an toàn. Cũng trong đêm 10-11, các lực lượng chức năng thường xuyên túc trực, tuần tra để đảm bảo không có người dân nào bị cô lập do nước dâng cao. Hiện nay, nước bắt đầu rút nhưng một số điểm vẫn còn bị ngập sâu nên tạm thời người dân chưa thể về lại nơi ở cũ”.

Ông Đặng Xuân Toàn-Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa-cho biết: “Trước nguy cơ nhiều nhà dân bị ngập do nước lũ lên nhanh, ngay trong đêm 10-11, UBND thị xã đã huy động lực lượng Công an, bộ đội, chính quyền các phường Đoàn Kết và Sông Bờ tổ chức di dời, sơ tán các hộ ở vùng thấp trũng, vùng nguy cơ sạt lở cao, vùng xung yếu... đến nơi an toàn. Để người dân an tâm về tài sản, lực lượng chức năng đã đến từng nhà phụ giúp các gia đình kê cao vật dụng, đồ đạc trong nhà. Hiện nay, những hộ này đã được bố trí về nơi ở tạm chờ nước rút sẽ cho về lại”.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an thị xã Ayun Pa đưa người dân qua đoạn đường bị ngập sâu trên quốc lộ 25. Ảnh: Ngọc Sang

Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an thị xã Ayun Pa đưa người dân qua đoạn đường bị ngập sâu trên quốc lộ 25. Ảnh: Ngọc Sang

Tại huyện Ia Pa, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Quốc Tuấn cho hay: Để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân, trong đêm 10-11, Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã điều lực lượng bộ đội kết hợp với lực lượng tại chỗ và 3 ca nô để di dời 326 hộ thuộc xã Ia Broăi và Chư Răng đến nơi an toàn. Đồng thời, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hộ dân.

“Trước khi lũ về, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó. Đồng thời, tại các khu vực xung yếu đều cử lực lượng trực 24/24 giờ để đảm bảo an toàn cho người dân”-ông Tuấn cho biết thêm.

Nhiều phương án ứng phó kịp thời

Bão số 12 cũng gây chia cắt một số đoạn trên quốc lộ 25 trong đêm 10-11 đến chiều 11-11. Tại thị xã Ayun Pa, khu vực cầu giáp ranh giữa xã Ia Sao với xã Ia Rtô nước dâng cao tràn qua đường khiến phương tiện giao thông không qua lại được. Chính quyền địa phương đã tập trung lực lượng chốt chặn 2 đầu cầu để cảnh báo cho các phương tiện khi lưu thông qua khu vực này.

Thiếu tá Đào Việt Cường-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông và Trật tự (Công an thị xã Ayun Pa) cho biết: “Đoạn đường này bị ngập sâu từ đêm 10-11. Chúng tôi phối hợp với lực lượng tại chỗ của xã Ia Sao cắm biển báo, giăng dây và ngăn không cho các phương tiện qua lại. Đến 14 giờ ngày 11-11, nước bắt đầu rút, các phương tiện được lưu thông trở lại. Hiện chúng tôi vẫn cắt cử cán bộ, chiến sĩ túc trực tại đây để điều tiết giao thông tránh gây ùn tắc cục bộ”.

Lực lượng chức năng giúp người dân qua đoạn ngập nước tại cầu giáp ranh giữa xã Ia Sao với xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa). Ảnh: Ngọc Sang

Lực lượng chức năng giúp người dân qua đoạn ngập nước tại cầu giáp ranh giữa xã Ia Sao với xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa). Ảnh: Ngọc Sang

Tại huyện Krông Pa, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Mưa lớn cộng với việc xả lũ của thủy điện phía thượng nguồn sông Ba đã làm ngập tại Km 109+500 trên quốc lộ 25 gây ách tắc giao thông từ lúc 4 giờ ngày 11-11. Đến khoảng 8 giờ cùng ngày, nước tại các điểm ngập đã rút và các phương tiện lưu thông trở lại. Riêng tuyến đường từ xã Phú Cần đi xã Ia Rmok bị ngập sâu không thể qua lại được. Ngoài ra, hoa màu của người dân tại các xã vùng trũng ven sông Ba gồm: Ia Rsươm, Ia Rsai, Chư Rcăm, Uar, Chư Gu, Ia Rmok đang bị ngập úng.

“Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo cơ quan chức năng nhanh chóng thống kê thiệt hại do ảnh hưởng bão số 12, đồng thời có biện pháp hỗ trợ để người dân sớm ổn định cuộc sống”-ông Duyên nói.

Tại huyện Ia Pa, mưa lũ khiến 3 ngầm tràn bị ngập gây chia cắt các buôn: Mơ Năng 2 (xã Kim Tân), Bi Giông, Bi Gia (xã Pờ Tó). Đặc biệt, nước lũ làm ngập toàn bộ buôn Jứ (xã Ia Broăi) gây cô lập với bên ngoài; ngập một phần thôn Quý Đức và Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ (xã Ia Trok); ngập cục bộ một phần thôn Bình Hòa (xã Chư Răng).

“Đến sáng 11-11, tại ngầm tràn buôn Mơ Năng 2 (xã Kim Tân) và Plei Du (xã Chư Răng) nước vẫn chưa rút nên huyện vẫn bố trí lực lượng trực 2 bên ngầm tràn. Riêng về diện tích hoa màu bị ngập, do nước chưa rút nên chưa đánh giá được thiệt hại”-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa thông tin thêm.

Hiện tại, mực nước sông Ba còn cao, các địa phương khu vực Đông Nam tỉnh vẫn tiếp tục phân công lực lượng túc trực 24/24 giờ tại những điểm có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để tránh thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trong những ngày tới để có phương án ứng phó kịp thời.

Nhiều điểm có nguy cơ sạt lở đất

Điểm sạt lở ở đèo Tô Na trong ngày 10-11. Ảnh: Ngọc Sang

Điểm sạt lở ở đèo Tô Na trong ngày 10-11. Ảnh: Ngọc Sang

Ông Nguyễn Văn Lương-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Toàn tỉnh hiện có 16 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách; 7 dự án di dời khu dân cư khẩn cấp và rất nhiều điểm có nguy cơ sạt lở khác. Các điểm có nguy cơ sạt lở tập trung tại thị xã An Khê, Ayun Pa và các huyện: Krông Pa, Ia Pa, Đak Pơ, Kông Chro, Phú Thiện, Chư Sê.

“Trước đó, Chi cục đã tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát các vị trí sạt lở; lập phương án xử lý tạm thời như: cắm biển báo, cảnh báo cho các phương tiện giao thông, dân cư biết tình trạng sạt lở, khu vực sạt lở, mức độ sạt lở để phòng ngừa hoặc di dời ngay đến nơi ở mới theo kế hoạch của địa phương; khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở bờ sông, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở bờ sông và triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời”-ông Lương nêu giải pháp.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho rằng, về lâu dài, cần bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn xây dựng kè chống sạt lở ở những vị trí nguy hiểm, xung yếu. Hàng năm, tiến hành nạo vét lòng sông, trồng cây chắn sóng nhằm hạn chế bãi bồi gây thay đổi dòng chảy và sạt lở bờ sông.

Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý và khai thác thủy điện, thủy lợi trên sông Ba điều tiết xả lũ theo đúng quy trình vận hành; chấp hành nghiêm các phương án bảo vệ đập trong mùa mưa lũ, phòng-chống lũ lụt cho vùng hạ du xả lũ hoặc sự cố đập nhằm hạn chế lũ chồng lũ gây sạt lở bờ sông và ngập lụt ở hạ du và hỗ trợ kinh phí cùng địa phương khắc phục các thiệt hại về sạt lở.

Nhóm PHÓNG VIÊN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8301/202011/trang-dem-ung-pho-bao-lut-5709253/