Trang sử mới mang tên Lào Cai
Suốt 118 năm, kể từ ngày có tên trên bản đồ Việt Nam thời kỳ hiện đại, miền đất Lào Cai đã luôn là điểm sáng trong đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Những năm tháng đất nước bước vào công cuộc đổi mới, nhất là cuộc cách mạng hiện nay về sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị và sáp nhập các địa phương, đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai tiếp tục đoàn kết, tiên phong, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để viết tiếp trang sử mới hào hùng, cùng cả nước vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Lào Cai có vị trí chiến lược trọng yếu, luôn gắn chặt với sự hình thành, phát triển và các cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, của dân tộc. Theo các tài liệu lịch sử, thời kỳ Hùng Vương dựng nước, Lào Cai thuộc bộ Tân Hưng - 1 trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang; đến triều đại nhà Lý cách đây 1.000 năm, tỉnh Lào Cai gắn với địa danh Đăng Châu; thời nhà Trần, tỉnh Lào Cai thuộc huyện Thủy Vỹ, châu Quy Hóa, trấn Thiên Hưng; cuối triều Nguyễn, phần lớn vùng đất Lào Cai thuộc huyện Thủy Vỹ, châu Văn Bàn, còn lại thuộc châu Chiêu Tấn, châu Lục Yên, phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa.

Trước khi có trên bản đồ mang tên Lao Kay, chính quyền thực dân Pháp định danh miền đất biên giới là Tiểu quân khu thuộc Đạo quan binh số 4. Ngày 12/7/1907, Toàn quyền Đông Dương - Paul Doumer đã ban hành Nghị định số 288 bãi bỏ Đạo quan binh số 4, chính thức chuyển Lao Kay từ quân quản sang chế độ dân sự, ngày này sau được thống nhất chọn là ngày thành lập tỉnh Lào Cai.
Sau khi cách mạng giành thắng lợi, tỉnh Lao Kay được đổi tên thành Lào Cai như tên gọi hiện nay. Trong khi đó, ở phía Đông Nam tỉnh Lào Cai (hiện nay), ngày 11/4/1900, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chính thức thành lập tỉnh Yên Bái, đặt dưới sự cai trị của bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến.

Khi Pháp trở lại xâm lược nước ta, đồng bào hai tỉnh Lào Cai (cũ) và Yên Bái (cũ) kiên cường tham gia cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi sự kìm kẹp của thực dân. Giai đoạn tiếp đó, Lào Cai - Yên Bái (cũ) cùng với các địa phương tiếp tục nhiệm vụ xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ.

Đất nước thống nhất, tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai hợp nhất thành tỉnh Hoàng Liên Sơn (năm 1976) và bước vào thời kỳ củng cố, khôi phục kinh tế - xã hội sau chiến tranh, cùng cả nước tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế thế giới. Sau 34 năm chia tách, ngày 1/7/2025, một lần nữa miền đất biên giới dưới chân dãy Hoàng Liên, dọc dải sông Hồng lại tái hợp thành tỉnh Lào Cai mới với khát vọng mới.
Bắt đầu từ mốc son lịch sử 1/7/2025, tỉnh Lào Cai sẽ viết tiếp bài ca đoàn kết “cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ” như lời Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Xuân Trường phát biểu tại Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập tỉnh Lào Cai mới trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái.
Cũng kể từ tháng 7 này, Lào Cai vừa là vùng đất chiến lược, địa đầu Tổ quốc, vừa là “đầu cầu” kết nối hành lang kinh tế các tỉnh vùng Tây Nam của Trung Quốc với trọng điểm vùng kinh tế đồng bằng sông Hồng (Việt Nam) và các nước ASEAN.

Giờ đây, cửa ngõ Lào Cai thêm thênh thang, xán lạn hơn với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn qua tỉnh Lào Cai đang chuẩn bị được nâng cấp mở rộng lên quy mô 4 làn xe dài hơn 100 km; chuẩn bị xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Cửa ngõ ấy còn hoàn thiện hơn với dự án Cảng Hàng không Sa Pa sẽ được triển khai trong thời gian tới; các trục giao thông thủy, bộ kết nối nối ngang - dọc, tạo thế liên hoàn vận tải hàng hóa, hành khách trong nước và quốc tế, trong đó Lào Cai là trọng tâm, trọng điểm.
Không chỉ là vị trí “đầu cầu” kết nối của hành lang kinh tế quốc tế, tại Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 còn xác định tỉnh Lào Cai (cũ) là 1 trong 5 cực tăng trưởng của vùng. Tỉnh Lào Cai mới lại tiếp tục đảm nhiệm vai trò, sứ mệnh quan trọng này.

Từ “lõi nghèo” của cả nước, tỉnh Lào Cai hôm nay đang xứng đáng trở thành cực tăng trưởng với sự vươn mình thành điểm sáng của khu vực Tây Bắc và nổi bật trong vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ nhờ phát triển kinh tế cửa khẩu, giao thương hàng hóa quốc tế và giữa các vùng miền.
Lào Cai có thế mạnh về nguồn tài nguyên khoáng sản với mỏ apatit, mỏ sắt, mỏ đồng, mỏ vàng có trữ lượng lớn... đã được khai thác tiết kiệm, hài hòa, hợp lý, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Lào Cai còn là vùng đất của du lịch với những địa danh hấp dẫn bạn bè trong nước, quốc tế như Sa Pa, Mù Cang Chải, Thác Bà, Bắc Hà, Y Tý, đền Bảo Hà, đền Đông Cuông...

Với hơn 10 triệu lượt khách đến Lào Cai càng khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Từ một Lào Cai “giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ Nhân dân, giữ biên giới” và một Yên Bái “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” nay đã thành tỉnh Lào Cai hấp dẫn, thân thiện, giàu tiềm năng hơn.
Vẫn thế núi, dáng sông ấy, tỉnh Lào Cai mới đã tăng gấp đôi về diện tích, dân số, nơi có nhiều dân tộc anh em chung sống đoàn kết tại 99 xã, phường. Như dòng sông Hồng trước khi đổ ra biển lớn, Lào Cai hôm nay với điểm đầu cầu hành lang kinh tế và cực tăng trưởng vùng đang tiếp tục bừng thức để hòa nhịp điệu cách mạng, cùng dân tộc, đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Với sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự điều hành của chính quyền các cấp với quyết tâm chính trị cao nhất và tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, sáng tạo, vượt qua mọi thử thách, tỉnh Lào Cai sẽ phát triển nhanh, mạnh, giàu song vẫn đảm bảo “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Trình bày: Hữu Huỳnh
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/trang-su-moi-mang-ten-lao-cai-post648521.html