Tranh cãi việc đỗ xe chưa đè lên miệng cống thoát nước vẫn bị CSGT xử phạt

Khi đỗ xe, bánh xe phải 'cán' vào miệng cống thoát nước mới là vi phạm hay chỉ cần phần miệng cống đó nằm trong phạm vi của chiếc xe đã bị CSGT phạt rồi?

Mới đây trên mạng xã hội, một chủ xe "than thở" về việc vừa bị CSGT ở Hà Nội lập biên bản vì lỗi "đỗ xe ô tô trên miệng cống thoát nước", mức phạt là 900 nghìn đồng. Dù vẫn “vui vẻ” nộp phạt, tuy nhiên chủ xe này không giấu được bức xúc khi cho rằng CSGT xử phạt có phần máy móc và thiếu linh hoạt.

“Xe tôi không hề đè lên nắp cống, chỉ đỗ sát cạnh thôi, mà cũng bị phạt với lỗi này thì thật sự khó hiểu” – anh này chia sẻ.

Điều đáng nói, ngay sau khi câu chuyện này lan truyền, nhiều ý kiến tranh cãi đã nổ ra. Một bên cho rằng lực lượng CSGT làm đúng quy định vì chỉ cần đỗ xe nằm trong phạm vi của miệng cống thoát nước là đã vi phạm. Bên còn lại lại đặt câu hỏi: “Nếu vậy thì mỗi cái cống sẽ biến thành một bẫy phạt xe hay sao? Và đỗ xe ở khu vực cống thoát nước thế nào cho đúng?”.

Bánh xe chưa chèn lên miệng cống có bị coi là "dừng đỗ xe trên miệng cống thoát nước" không? Ảnh minh họa: Hoàng Hiệp

Bánh xe chưa chèn lên miệng cống có bị coi là "dừng đỗ xe trên miệng cống thoát nước" không? Ảnh minh họa: Hoàng Hiệp

Trao đổi nhanh với VietNamNet, một cán bộ thuộc Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, trên nắp miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước... là những vị trí mặc định người điều khiển ô tô không được dừng đỗ xe lên trên.

"Nhiều tài xế lầm tưởng rằng chỉ khi bánh xe đè trực tiếp lên nắp cống mới bị coi là vi phạm. Thực tế, chỉ cần miệng cống nằm lọt trong phần diện tích xe chiếm dụng – kể cả không bị bánh xe đè lên thì cũng đã vi phạm. Bởi khi đó, phương tiện có thể cản trở việc thoát nước cũng như công tác tiếp cận kiểm tra, duy tu hệ thống thoát nước và các công trình giao thông khác", CSGT này nói.

Tuy nhiên, theo vị CSGT, tài xế cần phân biệt giữa "miệng cống" và "nắp cống" để có cách hiểu đúng.

"Quy định hiện hành chỉ cấm dừng đỗ xe ở miệng cống, hoặc miệng hố ga chứ không cấm dừng đỗ ở trên các khu vực như nắp cống bằng bê tông hoặc rãnh thoát nước thông thường. Do đó, nếu nắp cống thoát nước được bố trí ở dưới lòng đường và không phải là miệng cống thu nước, tài xế có thể được phép dừng đỗ đè lên trên, miễn là không vi phạm các quy định khác về dừng đỗ xe", vị CSGT này chia sẻ thêm.

Đồng tình với quan điểm trên, anh Lê Thanh Tùng - kỹ sư hạ tầng đô thị tại Hà Nội chia sẻ, không phải tự nhiên mà các vị trí như miệng cống thoát nước, miệng các hố ga,... luôn bị cấm dừng đỗ xe.

Việc đỗ xe ở những nơi này không chỉ gây ảnh hưởng đến việc thoát nước khi trời mưa mà còn cản trở công tác tiếp cận khắc phục, sửa chữa, duy tu của các đơn vị chức năng, có thể dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ, nhất là vào mùa mưa ở những đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM.

"Thử hình dung đơn vị duy trì hệ thống thoát nước muốn mở nắp cống lên để nạo vét trước ngày có mưa lớn, nhưng nắp cống đó lại nằm ở gầm của một chiếc ô tô thì sẽ thế nào? Rõ ràng, ý thức khi dừng đỗ xe không chỉ là tuân thủ luật giao thông mà còn là trách nhiệm với cộng đồng và hạ tầng thành phố. Một hành động nhỏ, nếu thiếu cẩn trọng có thể kéo theo hệ lụy lớn cho cả khu vực", anh Tùng phân tích thêm.

Theo khoản 4 Điều 18 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau: Bên trái đường một chiều; Trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc mà tầm nhìn bị che khuất; Trên cầu, trừ những trường hợp tổ chức giao thông cho phép; Gầm cầu vượt, trừ những nơi cho phép dừng xe, đỗ xe; Song song cùng chiều với một xe khác đang dừng, đỗ trên đường; Che khuất biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông; Trên đường dành riêng cho xe buýt, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; trên lòng đường, vỉa hè trái quy định của pháp luật,...

Với các hành vi vi phạm như dừng, đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, đỗ xe tại nơi đặt trụ cứu hỏa,... tài xế sẽ bị xử phạt từ 600-800 nghìn (theo khoản 2) hoặc 800 nghìn đến 1 triệu đồng (theo khoản 3), Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Bạn có góc nhìn như thế nào về nội dung trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Hoàng Hiệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tranh-cai-viec-do-xe-chua-de-len-mieng-cong-thoat-nuoc-van-bi-csgt-xu-phat-2419832.html