Tránh nguy cơ chọn nhầm cán bộ

Một trong những nội dung rất quan trọng trong công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp là chuẩn bị nhân sự. Đại hội có thành công hay không, phụ thuộc một phần rất quan trọng vào công tác chuẩn bị, quy hoạch, sàng lọc nhân sự có chặt chẽ, chu đáo, chính xác hay không. Bởi, nếu mỗi cấp ủy đảng không làm tốt khâu sàng lọc, mỗi đảng viên không nêu cao tinh thần, trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn cán bộ thì nguy cơ chọn nhầm cán bộ luôn hiện hữu.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, đòi hỏi Đảng ta phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài, trong đó đức là quan trọng hàng đầu. Đạo đức của người cách mạng được thể hiện trước hết ở chỗ: Luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết, biết giải quyết đúng đắn giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của giai cấp, của dân tộc.

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, đặt ra yêu cầu và đòi hỏi rất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Vì vậy, việc lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, cũng như tham gia ban chấp hành đảng bộ các cấp phải được cấp ủy, tổ chức đảng từng cấp xác định là công việc đặc biệt hệ trọng và được triển khai đúng với phương châm: Thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng. Mục tiêu cao nhất mà mỗi cấp ủy, tổ chức đảng phải đạt được chính là lựa chọn cho được những cán bộ “Đảng cần, dân muốn”, tránh chọn nhầm cán bộ như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: Đừng bị đánh lừa bởi những động tác giả. Nhiều người khéo lắm, dễ đề cao thành tích, che giấu khuyết điểm…

Vì vậy, công tác nhân sự đại hội phải được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác làm thước đo chủ yếu. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng trên cơ sở xác định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, tạo ra một ê-kíp, một tập thể thật sự "ăn ý", đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh. Muốn thế, phải thật sự phát huy dân chủ trong phát hiện, giới thiệu nhân sự đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu. Chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, "cánh hẩu", "lợi ích nhóm"...

Đặc biệt, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và từng đảng viên bằng tất cả trách nhiệm của mình trước Đảng, trước dân, trước sự hưng thịnh của quốc gia-dân tộc, phải bản lĩnh, dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.

Làm được như vậy, chúng ta sẽ góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra.

DUY THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang/y-kien-tam-huyet-voi-dang/tranh-nguy-co-chon-nham-can-bo-619608