Tránh rủi ro từ ngộ độc thực phẩm

Mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng thời gian qua những vụ ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra trên địa bàn cả nước. Các trường hợp ngộ độc thực phẩm nhẹ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người và nặng có thể gây tử vong. Do đó, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn là bài toán khó, cần những giải pháp đồng bộ, từ việc nâng cao ý thức của người dân đến sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm do Sở Y tế Hà Nội chủ trì kiểm tra một nhà hàng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Trang Thu

Nguy cơ vẫn hiện hữu

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thế nhưng, số lượng các vụ ngộ độc thực phẩm cũng như số người bị nhiễm độc thực phẩm vẫn còn khá cao, đặc biệt là các trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng bởi thực phẩm. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), qua phân tích các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận từ năm 2010 đến 2020 cho thấy, nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 38,7%), tiếp đến là do độc tố tự nhiên (chiếm 28,4%), hóa chất (chiếm 4,2%)…

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội nhận xét, một trong những thách thức lớn đối với vấn đề quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình kèm theo đó chính là nhiều nguy cơ về mất an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến. Tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm tuy giảm nhưng còn diễn biến phức tạp. Việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, rau, củ, quả kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn...

Cũng theo phân tích của Cục An toàn thực phẩm, các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra nhiều nhất tại những bếp ăn trong khu chế xuất, khu công nghiệp ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ, tiếp đến là bếp ăn tập thể ở các trường học, cơ quan… Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, có khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể là do sử dụng suất ăn công nghiệp (suất ăn chế biến sẵn) từ nơi khác vận chuyển đến, không được bảo quản tốt.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, những đối tượng như: Công nhân, sinh viên… có thu nhập thấp thường có xu hướng chọn lựa các loại thực phẩm rẻ tiền, suất ăn giá rẻ, do đó, nguy cơ mất an toàn thực phẩm cũng cao hơn. Thêm vào đó có những bếp ăn tập thể sử dụng nguyên liệu, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp suất ăn công nghiệp không bảo đảm an toàn… Đây là một trong những vấn đề cần phải cảnh báo.

Cần có những biện pháp đồng bộ

Từ nay đến cuối năm 2020, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường thanh tra, hậu kiểm từ trung ương đến địa phương theo định kỳ, sự kiện, chủ đề hoặc đột xuất, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả; đồng thời, tăng cường giám sát chủ động, cảnh báo nhanh, phân tích nguy cơ và kiểm soát phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Để ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn tập thể, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu các địa phương bố trí cán bộ chuyên trách nắm chắc các đối tượng cung cấp thức ăn sẵn, xây dựng kế hoạch kiểm soát phù hợp đối với từng khu chế xuất, khu công nghiệp, từng bếp ăn tập thể. Dù vậy, nếu chỉ thanh kiểm tra, xử phạt thôi là chưa đủ mà cần đẩy mạnh truyền thông thay đổi nhận thức từ người sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng. Cụ thể, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm; biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; đồng thời công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cũng nhấn mạnh, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là việc lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt. Chúng ta không chỉ tăng cường năng lực quản lý nhà nước, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm mà còn phải làm thay đổi nhận thức và thói quen của người dân. Với mỗi người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm bảo đảm vệ sinh, nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm chỉ có thể giải quyết tốt nếu có những biện pháp được triển khai đồng bộ từ người quản lý, người sản xuất, người tiêu dùng đến ý thức thực hiện sử dụng thực phẩm của mỗi người dân trong cộng đồng. Vì vậy, mỗi cá nhân cần nâng cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe của bản thân và của cộng đồng.

Xuân Lộc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/980405/tranh-rui-ro-tu-ngo-doc-thuc-pham