Tranh thủ trời nắng ráo, Quảng Nam khắc phục thiệt hại giao thông miền núi

Liên tiếp những đợt thiên tai năm 2020 và 2021 gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, Quảng Nam đang đẩy nhanh tiến độ thi công khắc phục, đảm bảo người và phương tiện lưu thông an toàn trước mùa mưa bão năm nay.

Sau những trận mưa lớn bất thường hồi đầu năm nay, đường ĐH 5 từ trung tâm huyện miền núi cao Nam Trà My lên xã Trà Mai phát sinh nhiều điểm sạt lở. Sườn núi bị sạt kéo theo một lượng lớn đất đá đổ xuống vùi lấp đường. Trong đó có những điểm sạt trước đây, nay càng khoét sâu rất nguy hiểm, có điểm vừa mới đổ ập xuống sau mưa lớn. Chỉ riêng tuyến này, 14 điểm sạt lở lớn đang phải tập trung khắc phục.

Địa chất xấu khiến việc thi công khó khăn.

Địa chất xấu khiến việc thi công khó khăn.

Ông Vũ Ngọc Văn ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, nhiều đoạn đường đất núi lở đổ xuống, chắn ngang, có đoạn lầy lội, đứt gãy, khiến việc đi lại của người dân vô cùng trở ngại: “Nguy hiểm nhất là đang đi thì sạt lở, đó là chuyện vẫn xảy ra bình thường. Học sinh thì phải đi bộ mà sạt lở lúc nào không biết".

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, đơn vị thi công tập kết phương tiện và lực lượng tập trung khắc phục, đảm bảo giao thông. Ông Phạm Văn Lực, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Xây dựng Toàn Tiến cho biết, khu vực này, vật liệu đắp nền, đổ bê tông rất thuận lợi. Đơn vị đang huy động 40 công nhân triển khai thực hiện hạng mục cống hộp, cầu Nước Ui và mở rộng các cua, nền đường: "Vật tư thiết bị đã tập kết đủ tương đối. Đơn vị mở nhiều mũi thi công thi công cùng lúc để đảm bảo tiến độ. Những điểm sạt lở thì mở rãnh dọc và cứng hóa nền đường để đảm bảo giao thông toàn tuyến".

Một điểm sạt lở vừa được xử lý thông đường lên vùng cao Nam Trà My.

Một điểm sạt lở vừa được xử lý thông đường lên vùng cao Nam Trà My.

Cũng như tuyến ĐH 5, tuyến ĐH 2 từ Quốc lộ 40B lên đỉnh Măng Lùng, núi Ngọc Linh, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My chừng 40 cây số nhưng có đến hàng chục điểm sạt lở. Đang là mùa khô nhưng đất đá nhão nhoẹt như bê tông tươi. Xe ben, xe tải cũng không thể chở đi được. Ông Huỳnh Tiến, công nhân kỹ thuật Công ty An Xuân Phát đang thi công tại một điểm sạt lở trên tuyến này cho biết phương án xử lý: "Thời tiết không thuận lợi, khi mưa thì nước ngầm chảy ra. Đất sét giờ thành bùn nên xe tải không thể chở được bởi đất dính thùng".

Để khắc phục thiệt hại các tuyến giao thông lên vùng cao, huyện Nam Trà My lập hồ sơ dự toán với mức đầu tư 176 tỷ đồng. Do khó khăn về tài chính nên tỉnh Quảng Nam chỉ cấp khoảng 20 tỷ đồng. Huyện Nam Trà My phải cân đối, sắp xếp ngân sách huyện từ nguồn dự phòng và các nguồn khác để khẩn trương khắc phục hậu quả sạt lở.

Được biết, hầu hết các công trình bị sạt lở năm 2021 không công bố thảm họa thiên tai hay tình trạng khẩn cấp. Vì vậy, việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư phải thực hiện theo Luật Đầu tư công, mất nhiều thời gian làm hồ sơ thủ tục. Vì vậy, khi đến mùa mưa lũ, địa phương huy động tất cả máy móc của các doanh nghiệp xây dựng đang thi công các công trình trên địa bàn tập kết gần những điểm nguy cơ sạt lở. Khi xảy ra sự cố sạt lở, chủ các phương tiện này lập tức xử lý san gạt để thông đường tạm. Sau đó, huyện tổ chức đoàn liên ngành thẩm định khối lượng để hỗ trợ xăng dầu cho doanh nghiệp theo hình thức trả công ca máy.

Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, cùng với xử lý thông đường, huyện xây dựng phương án đầu tư, hồ sơ thiết kế…để đẩy nhanh quá trình khắc phục hậu quả: "Về quy trình hồ sơ thủ tục làm rất lâu nên khi có sự cố thì chúng tôi triển khai ngay đoàn đi kiểm tra, xác định khối lượng thực hiện, mức độ thiệt hại như thế nào. Đồng thời tập trung nhanh nhất để hoàn thành các hồ sơ thủ tục, tất cả các ngành phải vào cuộc. Huyện phân công từng lĩnh vực, đơn vị từ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, đơn vị nào lo hồ sơ thiết kế, đơn vị nào lo mặt bằng rồi các việc cần thiết khác".

Từ cuối năm ngoái, tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị các phương án và nguồn lực để khắc phục thiệt hại do thiên tai tại khu vực miền núi. Hiện, tất các các tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn miền núi tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành việc khắc phục bước một. Việc thi công khắc phục các công trình này đang được các địa phương gấp rút triển khai.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin: “Hy vọng đến sau tháng 6/2022 thì cơ bản những tuyến đường này sẽ thi công, khắc phục tương đối. Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Nam sẽ hỗ trợ thêm một phần kinh phí nữa cho các địa phương để khắc phục các tuyến giao thông bị chia cắt, đảm bảo an toàn cho bà con”./.

Thanh Hà-Long Phi/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/tranh-thu-troi-nang-rao-quang-nam-khac-phuc-thiet-hai-giao-thong-mien-nui-post939144.vov