Trào lưu bầu bạn cùng AI đang thay đổi cách thanh thiếu niên trưởng thành

Trong thời đại công nghệ bùng nổ, một xu hướng mới đang âm thầm định hình lại quá trình trưởng thành của thế hệ trẻ: thanh thiếu niên đang kết bạn với trí tuệ nhân tạo (AI) – không chỉ để hỏi bài tập hay tìm mẹo vặt, mà còn để chia sẻ cảm xúc, xin lời khuyên tình cảm, thậm chí thay thế cả những mối quan hệ thật.

Kayla Chege, 15 tuổi, một học sinh trung học ở Kansas, chia sẻ rằng cô thường xuyên sử dụng ChatGPT để hỏi mọi thứ, từ món sinh tố ít calo cho đến cách tổ chức sinh nhật cho em gái. Dù khẳng định không sử dụng chatbot để gian lận trong học tập nhưng Chege thừa nhận AI đang len lỏi vào mọi khía cạnh đời sống học sinh: “Mọi người dùng AI cho mọi thứ. Công nghệ này thực sự đang chiếm lĩnh đời sống”.

Một nghiên cứu mới do tổ chức Common Sense Media thực hiện cho thấy hơn 70% thanh thiếu niên Mỹ đã từng trò chuyện với “bạn đồng hành AI”. Các nền tảng như Character.ai, Replika hay Nomi được thiết kế như những người bạn ảo thân mật, biết đồng cảm, có thể tùy chỉnh tính cách để phù hợp với người dùng.

Đáng chú ý, 31% số thanh thiếu niên được khảo sát cho biết họ thấy nói chuyện với AI còn “thỏa mãn ngang bằng hoặc hơn” khi trò chuyện với bạn bè thật. Và dù 50% không hoàn toàn tin tưởng lời khuyên từ AI nhưng vẫn có 1/3 trong số đó chọn AI làm nơi giãi bày những vấn đề quan trọng.

Ganesh Nair, 18 tuổi, ở Arkansas, lý giải lý do nhiều người trẻ tìm đến AI: “AI luôn sẵn sàng. AI không bao giờ chán ngán bạn, không phán xét bạn”. Tuy nhiên, khi thấy một người bạn dùng chatbot để viết tin nhắn chia tay bạn gái sau 2 năm yêu nhau, Nair lại giật mình: “Cứ như thể chúng ta đang để máy móc thay thế cả các mối quan hệ con người vậy”.

Theo nhà nghiên cứu Michael Robb – tác giả của báo cáo trên, việc lệ thuộc AI trong quá trình trưởng thành có thể cản trở khả năng phát triển nhân cách, kỹ năng đọc hiểu cảm xúc và xây dựng mối quan hệ xã hội. Ông cảnh báo: “Nếu AI luôn chiều theo cảm xúc của bạn, không thử thách bạn, không phản hồi như con người thật thì bạn không học được cách ứng xử xã hội”.

Một trong những rủi ro lớn nhất là sự lệ thuộc cảm xúc vào AI. Bruce Perry, 17 tuổi, kể: “Tôi từng phải hỏi AI để biết mình có nên gửi email cho thầy giáo không. Dần dần, tôi thấy mình cần AI xác nhận thì mới dám quyết định”. Câu chuyện ấy cho thấy AI không còn đơn thuần là công cụ mà đã trở thành nơi trú ẩn cảm xúc – một “chất gây nghiện” thời đại số.

Đáng lo hơn cả là các rủi ro về nội dung độc hại, thiếu kiểm soát độ tuổi và lời khuyên sai lệch, đặc biệt với những nền tảng AI không được kiểm duyệt chặt chẽ. Common Sense Media khuyến nghị trẻ vị thành niên không nên coi AI là bạn đồng hành, bởi nguy cơ tổn thương tâm lý là có thật.

Một trường hợp từng gây rúng động là một cậu bé 14 tuổi tại Florida tự tử sau thời gian dài gắn bó cảm xúc với chatbot. Theo các nhà nghiên cứu, AI đang lấp đầy khoảng trống cô đơn ở tuổi mới lớn – nhưng theo cách sai lệch, thiếu lành mạnh và có thể kéo dài khủng hoảng nội tâm.

Trước sự phát triển nhanh chóng và chưa được kiểm soát của công nghệ AI, các chuyên gia cho rằng cha mẹ cần chủ động tìm hiểu và trò chuyện cởi mở với con cái, thay vì cấm đoán hoặc hoang mang.

Tiến sĩ Mitch Prinstein - Trưởng ban Tâm lý học thuộc Hiệp hội Tâm lý Mỹ - khuyên rằng: “Hãy xem đây như một hình thức giải trí, không phải là thực tại. Và quan trọng hơn cả, hãy giúp trẻ phân biệt điều đó rõ ràng”.

Trong khi đó, ông Michael Robb nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe không phán xét: “Hãy hỏi con bạn: ‘Con có dùng AI đồng hành không? Nó khiến con thấy thế nào?’ rồi từ đó dẫn dắt cuộc trò chuyện, thay vì gạt phắt đi”.

Các chuyên gia cũng cảnh báo nếu thấy con thích trò chuyện với AI hơn là gặp bạn bè thật hay dành hàng giờ mỗi ngày cho chatbot hoặc trở nên lo lắng khi không được kết nối, đó chính là dấu hiệu của sự gắn bó không lành mạnh.

Nair đang cố gắng “cai nghiện” AI sau khi nhận ra ảnh hưởng của nó đến các mối quan hệ thật trong trường học. Chàng trai 18 tuổi này cảnh tỉnh: “Cấm AI bây giờ cũng như cấm mạng xã hội, điều đó không thực tế. Thay vào đó, hãy học cách đương đầu với thử thách. AI khiến mọi thứ dễ dàng hơn. Nhưng đó lại là vấn đề. Nếu bạn tin rằng cái gì dễ cũng tốt, bạn sẽ rất dễ bị cuốn vào thế giới nhân tạo này”.

Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, có lẽ điều quan trọng nhất không phải là cắt đứt kết nối giữa người trẻ và AI mà là giúp họ học cách sống cùng công nghệ một cách tỉnh táo và nhân văn. Bởi lẽ AI – dù thông minh đến đâu – cũng không thể thay thế sự đồng cảm và kết nối thật sự giữa con người với nhau.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/trao-luu-bau-ban-cung-ai-dang-thay-doi-cach-thanh-thieu-nien-truong-thanh-20250724185548203.htm