Trâu bò rớt giá, người nuôi gặp khó

Người dân thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) tận dụng rơm rạ nuôi bò. Ảnh: LÊ TRÂM

Thời gian qua, giá trâu bò trên thị trường giảm mạnh, người chăn nuôi không có lãi. Nhiều hộ chọn cách nuôi cầm chừng để duy trì đàn với hy vọng giá sẽ tăng trở lại.

Mở rộng diện tích trồng cỏ, tận dụng rơm rạ, chăn thả trên cánh đồng mới thu hoạch xong để giảm chi phí mua thức ăn... là cách chọn lựa của nhiều người chăn nuôi trâu, bò. Cùng với đó, thay vì cho ăn cỏ tươi hoặc rơm khô hằng ngày, họ bằm rau muống, xắt thân cây chuối nấu cháo cho trâu, bò ăn.

Càng nuôi càng lỗ

Ông Trương Minh Đức, một người nuôi bò ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cho hay: Bò hạ giá làm đảo lộn khâu chăn nuôi. 2 năm trước tôi mua con bê 16 triệu đồng, đến nay nó đã sinh sản nhưng thương lái chỉ trả 15 triệu đồng. Ngoài con bò cái, giờ tôi chỉ lời được con bê đực có giá tầm 10 triệu đồng. Trước đó, người nuôi bò bán lời cả bò mẹ lẫn bê con.

Những năm qua, nông dân xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) áp dụng kỹ thuật nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả nhất định, còn nay do bò hạ giá nên người chăn nuôi lỗ vốn, lỗ công. Theo ông Thái Văn Sáu ở xã Xuân Phước, năm ngoái, 3 con bò nuôi trong chuồng đã có giá 60 triệu đồng. Còn năm nay, nhiều người đến trả với giá chưa đến 50 triệu đồng. Nguyên nhân là do giá bò trên thị trường giảm mạnh. “Cạnh nhà tôi có người mua bò đực 17 triệu đồng nuôi vỗ béo giáp năm bán chỉ 18 triệu đồng. Giá bò giảm như hiện nay coi như nuôi giùm cho mấy người buôn”, ông Sáu nói.

Nhiều hộ chăn nuôi trâu ở huyện Phú Hòa cũng buồn rầu vì từ đầu năm đến nay, giá trâu xuống thấp, việc duy trì đàn gặp khó khăn, nguồn thu cũng bị ảnh hưởng lớn. Ông Bùi Văn Tiến ở xã Hòa Trị cho hay: Trước đây, một con nghé khoảng 1 năm tuổi bán được 15 triệu đồng, bây giờ giảm còn 10-12 triệu đồng. Hiện giá trâu thịt đang tiếp tục giảm, nếu nuôi theo hình thức vỗ béo sẽ lỗ nặng.

Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trâu, bò vỗ béo, ông Trình Văn Dũng ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) chưa bao giờ thấy giá bán thấp như hiện nay. Trước đây, ông Dũng đi nhiều nơi mua trâu, bò về vỗ béo, trong chuồng lúc nào cũng có ít nhất 10 con. Nhưng nay giá đầu ra quá thấp, ông phải bỏ nghề, bỏ chuồng. “Trước đây, mỗi năm tôi kiếm được vài chục triệu đồng từ nuôi trâu, bò vỗ béo, nhưng bây giờ càng nuôi càng lỗ, vì giá bán thấp nhưng chi phí chăn nuôi tăng”, ông Dũng cho hay.

Tận dụng rơm khô, nuôi chăn thả

Để giảm chi phí, nhiều gia đình tự trồng cỏ, dự trữ rơm khô để cho trâu, bò ăn và giữ nghề, giữ đàn chờ cơ hội. Tuy nhiên thời tiết nắng nóng, việc trồng cỏ nuôi bò gặp khó khăn.

Đứng cạnh đám cỏ trồng cao không quá gang tay, ông Nguyễn Văn Tấn ở xã An Xuân (huyện Tuy An) than vãn: Cách đây 2 tháng, tôi mở rộng diện tích trồng đám cỏ tây này. Nắng quá, đám cỏ mới trồng khô cứng đất. Tôi cắt lứa vừa rồi cách nay một tháng, đến nay thân cây không ra thêm lá non nào. Trước đây, chúng tôi bỏ ra 30 phút cắt được cả gánh, cho bò ăn cả ngày. Còn nay mang liềm ra ngồi nạo suốt buổi cũng không đầy giỏ cỏ.

Bò là nguồn thu nhập chính, giúp không ít gia đình thoát nghèo. Thế nhưng, thời gian qua, nắng hạn cỏ khô, bò thiếu thức ăn dẫn đến gầy ốm. Nhiều người dân ở xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) tận dụng cánh đồng vừa thu hoạch lúa để chăn thả gia súc. Bà Bùi Thị Xinh sáng nào cũng lùa đàn bò 5 con ra cánh đồng thôn Diêm Hộ ở trước nhà chăn thả. “Ngày nào cũng thả bò ăn qua ăn lại, riết không còn gốc rạ nào. Chiều lùa bò về chuồng, tôi tìm chặt thân cây chuối, mót rau muống, lá ở bờ bụi… rồi băm nhỏ nấu cháo cho chúng ăn để giữ sức”, bà Xinh chia sẻ.

Trước đây bò được giá, nhiều người nấu cháo dinh dưỡng để thúc bò mau mập. Ngoài các bữa cháo chính, các gánh cỏ đầy ắp luôn được xếp trong chuồng để bò có thể ăn cả ngày. “Hơn tháng nay, tôi nuôi bò bằng rơm khô và cho ăn cháo ít lại, nuôi cầm chừng. Khi nào giá bò tăng thì sẽ thúc bằng cách nấu cháo cho ăn như lâu nay”, ông Nguyễn Văn Toàn, nông dân nuôi bò ở xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, nói.

Theo Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có khoảng 200.000 con bò và 6.050 con trâu. Trước tình hình giá trâu, bò ở mức thấp, Sở NN&PTNT khuyến cáo người dân tiếp tục theo dõi thị trường, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, phòng bệnh để ổn định đàn trâu, bò. Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân tận dụng thức ăn tại chỗ để giảm chi phí, duy trì đàn vật nuôi để chờ thị trường khởi sắc trở lại.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/298269/trau-bo-rot-gia-nguoi-nuoi-gap-kho.html