Trẻ hóa cấp ủy cơ sở - Động lực cho sự phát triển bền vững
Trẻ hóa cấp ủy cơ sở không chỉ là yêu cầu nội tại của công tác xây dựng Đảng mà còn là giải pháp chiến lược để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ở cấp cơ sở, đặc biệt trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nhân sự phục vụ Trung tâm hành chính công phường Vĩnh Phúc đảm bảo năng lực, chuyên môn, đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Ảnh: Dương Chung
Việc trẻ hóa cấp ủy cơ sở là quá trình chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận, đảm bảo sự liên tục, vững chắc của bộ máy lãnh đạo Đảng. Thời gian qua, các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác cán bộ nói chung đều hàm chứa và định hướng việc trẻ hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trong đó có cấp ủy cơ sở.
Điển hình như Nghị quyết số 26 ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là kim chỉ nam cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ “có cơ cấu hợp lý, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp”.
Hay Kết luận số 21 ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mặc dù tập trung vào chỉnh đốn Đảng, nhưng nội dung kết luận cũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng, năng lực, trong đó có việc sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp, khắc phục tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “làm việc cầm chừng”, gián tiếp, tạo điều kiện cho việc phát hiện, bố trí cán bộ trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm.
Đặc biệt, Quy định số 80 ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đề cập đến các tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, trong đó có xem xét đến yếu tố độ tuổi, tiềm năng phát triển của cán bộ. Việc quy định rõ ràng các tiêu chí này là cơ sở để các cấp ủy đảng thực hiện việc bố trí, sắp xếp cán bộ, bao gồm cả việc tạo điều kiện cho cán bộ trẻ.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, thời gian qua, công tác trẻ hóa cấp ủy cơ sở đạt được nhiều kết quả tích cực: Tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy tăng lên, chất lượng cán bộ được nâng cao, dám nghĩ, dám làm, đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả.đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...
Cùng với kết quả đạt được, ở một số nơi vẫn còn tư tưởng “ổn định”, ngại thay đổi, chưa mạnh dạn đưa cán bộ trẻ vào vị trí lãnh đạo. Chất lượng cán bộ trẻ chưa đồng đều. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ chưa thực sự bài bản, sát với thực tiễn. Chính sách đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn để thu hút và giữ chân cán bộ trẻ có năng lực.
Trước thực tế đó, tại Chỉ thị 45 ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng xác định việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định số 89 năm 2017, Quy định số 214 năm 2020 của Bộ Chính trị và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 42 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp xã) từ 10% trở lên (tính cho cả nhiệm kỳ).
Phường Vĩnh Phúc được hợp nhất, sáp nhập từ các phường Định Trung, Liên Bảo, Khai Quang, Ngô Quyền và phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ). Theo Chỉ thị 45, Ban Chấp hành Đảng bộ phường Vĩnh Phúc có tối đa 33 đồng chí. Hiện tại, Ban Chấp hành Đảng bộ phường có 26 đồng chí, trong đó cán bộ trẻ đạt 16,7%.
Cũng như phường Vĩnh Phúc, xã Yên Lạc (gồm các xã: Thị trấn Yên Lạc, xã Bình Định, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) được 33 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ. Với số lượng hiện nay, tỷ lệ cán bộ trẻ của xã đạt 33,3%...
Tỷ lệ trên cho thấy, việc trẻ hóa cấp ủy cơ sở có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính, tạo cơ hội để cán bộ trẻ thể hiện tài năng, khẳng định bản thân.
Để công tác trẻ hóa cấp ủy cơ sở đạt hiệu quả cao, góp phần xây dựng cấp ủy cơ sở vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về độ tuổi, tiêu chuẩn, cơ cấu cấp ủy, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ trẻ có cơ hội thăng tiến.
Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc trẻ hóa cấp ủy cơ sở. Mạnh dạn giao việc, thử thách cán bộ trẻ ở những vị trí khó, quan trọng để rèn luyện, trưởng thành. Có chính sách đặc thù cho cán bộ trẻ ở các địa bàn sáp nhập, vùng khó khăn. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác trẻ hóa cấp ủy cơ sở...